Sự mệt mỏi là dấu hiệu của cuộc sống hiện đại. Làm việc nhiều giờ và phải giải quyết ổn thỏa các trách nhiệm có thể lấy đi của chúng ta những giấc ngủ 8 tiếng lí tưởng mỗi đêm, điều đó làm cho chúng ta suy nhược và mệt mỏi. Nhưng sẽ thế nào nếu bạn đã ngủ đủ mỗi đêm nhưng vẫn cảm thấy thiếu năng lượng và kiệt quệ vào ban ngày? Thật bực bội khi đã cố gắng chợp mắt mà vẫn cảm thấy mệt mỏi suốt cả ngày. Thay vì số giờ ngủ, vấn đề thực sự có thể đến từ chất lượng giấc ngủ. Có rất nhiều yếu tố có khả năng tác động đến giấc ngủ đêm của chúng ta nên nếu bạn cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày, có thể bạn đã không ngủ ngon như bạn vẫn nghĩ.
Rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để chỉ ra chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe của con người. Luôn luôn cảm thấy mệt mỏi có thể làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống, ngăn chúng ta tận hưởng những khoảnh khắc thường ngày và mang đến những cảm xúc bực bội, thất thường. Nếu bạn đang tự hỏi tại sao mình lại phải chịu đựng sự mệt mỏi dù đã ngủ trọn một đêm, dưới đây là vài lý do có thể cho bạn câu trả lời.
Thiếu luyện tập thể dục
Chúng ta dành rất nhiều thời gian cho công việc và nếu điều đó đồng nghĩa với việc ngồi tại bàn trong suốt gần 8 tiếng, thì bạn đang ngồi quá nhiều. Lối sống ngồi nhiều có thể ảnh hưởng tới cơ thể và tâm trí bạn nhiều hơn những gì bạn nghĩ. Không chỉ khiến bạn tăng cân, ngồi nhiều còn thực sự khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và uể oải hơn. Giấc ngủ của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng do cơ thể không giải phóng đủ năng lượng để tạo nên giấc ngủ chất lượng mà bạn cần.
Có thể bạn cho rằng thói quen tập luyện hàng ngày sẽ chỉ khiến bạn thêm mệt mỏi nhưng luyện tập thể dục thể thao thực chất sẽ trẻ hóa cơ thể giúp bạn tạo ra giấc ngủ chất lượng hơn. Dù là vào buổi sáng, trong giờ nghỉ trưa hay buổi tối, việc rèn luyện hàng ngày sẽ giúp làm tăng nhu cầu ngủ của cơ thể một cách hiệu quả và tự nhiên.
Hãy nhớ đi lại vào mỗi giờ nghỉ giải lao trong ngày để chia nhỏ thời gian bạn ngồi. Vận động cơ thể sẽ làm tăng cơ hội cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn.
Thiếu nước
Bạn uống bao nhiêu nước mỗi ngày? Thiếu nước đóng góp lớn trong việc gây cảm giác mệt mỏi. Có rất nhiều người không nhận ra họ uống ít nước như thế nào trong một ngày vì lượng chất lỏng họ hấp thụ chủ yếu đến từ đồ uống có đường và cafein, những thứ đồ uống không có lợi cho sức khỏe bằng nước. Thiếu nước gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể chúng ta. Các cơ quan trên cơ thể sẽ không hoạt động hiệu quả như bình thường do tốc độ vận chuyển oxy của tim giảm mạnh gây cảm giác mệt mỏi và kiệt sức. Hãy chắc chắn rằng bạn uống từ 8-10 cốc nước mỗi ngày, tránh uống đồ uống có đường do chúng có thể gây sụt giảm năng lượng không cần thiết.
Não của chúng ta có đến 85% là nước, điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của việc duy trì trạng thái đủ nước để có chất lượng giấc ngủ tốt nhất. Tăng lượng nước hấp thụ hàng ngày sẽ giúp duy trì mức năng lượng của bạn lâu hơn và cho phép não hoạt động ở trạng thái tốt nhất khi về đêm, do dó mức độ mệt mỏi cũng sẽ giảm một cách toàn diện.
Chế độ ăn nghèo dinh dưỡng
Một chế độ ăn nghèo dinh dưỡng có thể thực sự ảnh hưởng tới cảm giác của bạn trong cả một ngày. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo hoặc chất đường bột có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường. Một chế độ ăn lành mạnh và cân bằng về mặt dinh dưỡng có thể tạo nên sự khác biệt lớn cho cơ thể và trí óc của chúng ta và sử dụng dinh dưỡng để chiến đấu với sự mệt mỏi có thể chính là chìa khóa. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tác động của chế độ ăn lên thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ. Do đó, nếu bạn đang mệt mỏi, xem xét lại chế độ ăn của mình là điều tối quan trọng.
Có rất nhiều loại thực phẩm có thể cung cấp nguồn năng lượng dồi dào bao gồm thịt đỏ giàu sắt, ngũ cốc thô, quả hạch, các loại rau nhiều lá và hoa quả khô. Điều quan trọng là phải có một chế độ ăn đa dạng, ít đường và giàu chất xơ cũng như các chất dinh dưỡng giàu năng lượng.
Một bữa sáng lành mạnh để bắt đầu ngày mới là cực kỳ quan trọng để đương đầu với những mệt mỏi. Khi không ăn sáng, cơ thể chúng ta trải qua một khoảng thời gian dài chịu đói và tiêu thụ hết các nguồn năng lượng nhanh hơn trước rất nhiều. Vậy nên hãy dành thời gian cho một bữa sáng lành mạnh, giàu năng lượng với cháo đặc, trứng, bánh mỳ nâu nướng hoặc ngũ cốc không đường để tự thúc đẩy bản thân. Ăn vào những giờ nghỉ ngắn trong ngày sẽ giúp ngăn ngừa xa hơn sự sụt giảm năng lượng, do đó ăn uống một cách thông minh là rất quan trọng trong việc duy trì mức năng lượng cần thiết ở điều kiện tốt nhất.
Trầm cảm hoặc căng thẳng
Một lý do nữa dẫn đến mệt mỏi có thể là trầm cảm hoặc các căng thẳng tiềm ẩn. Không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra rằng mình đang trải qua những trạng thái trên và đôi khi ta chỉ nhận thấy các dấu hiệu như cảm thấy mệt nhọc, lờ đờ kèm theo thiếu động lực. Có thể bạn sẽ muốn cân nhắc lại xem liệu có nguyên nhân tiềm ẩn nào dẫn đến tình trạng này không, liệu có điều gì có thể khiến bạn căng thẳng hơn nữa? Bạn có cảm thấy chán nản và dễ xúc động? Những cảm xúc đó là hoàn toàn bình thường nhưng nếu chúng kéo dài, sẽ là khôn ngoan nếu bạn cân nhắc đến việc tâm sự với một ai đó.
Luyện tập và điều chỉnh chế độ ăn cũng như áp dụng các phương pháp thư giãn như thiền có thể giúp bạn đối phó với những căng thẳng và trầm cảm. Chăm sóc tâm trí cùng cơ thể là đặc biệt quan trọng khi những căng thẳng tình cảm có thể tác động đến cả hai ở mức độ ngang nhau.
Mất cân bằng đường huyết
Là một hậu quả từ chế độ ăn uống của bạn, mất cân bằng đường huyết có thể gây ra thiếu hụt năng lượng. Qua thời gian, chế độ ăn có thể làm mất cân bằng nồng độ đường trong máu. Ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn và các thực phẩm có nồng độ đường cao có thể khiến bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi do giảm đường huyết trong ngày. Nếu bạn đang trải qua trường hợp trên, hãy giảm lượng đường tinh luyện trong khẩu phần ăn để ổn định đường huyết. Điều này có thể đồng nghĩa với việc loại bỏ hoàn toàn đường tinh luyện – đường trong hoa quả có lợi hơn nhiều cho sức khỏe nên tránh ăn chúng là không thực sự cần thiết nhưng nếu bạn cảm thấy mình có xu hướng hảo ngọt, hãy cân nhắc tránh xa đường một thời gian để xem liệu việc đó có tạo nên sự khác biệt.
Các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn
Nếu bạn nghĩ mình có một chế độ ăn lành mạnh, bạn uống nhiều nước, không thực sự bị căng thẳng và luyện tập thường xuyên nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi, có thể bạn có một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn cần được giải quyết.
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới cảm giác cực kỳ mệt mỏi, chẳng hạn như bệnh thiếu máu khi các tế bào hồng cầu không sản xuất đủ hemoglobin để vận chuyển oxy trong cơ thể. Các tình trạng sức khỏe khác như hội chứng mệt mỏi mãn tính, hội chứng ngưng thở khi ngủ, nhược giáp, chứng viêm các tuyến bạch cầu… cũng có thể là nguyên nhân. Đừng bao giờ tự chẩn đoán tình trạng sức khỏe của mình. Hãy đến gặp bác sĩ để trao đổi trực tiếp về những lo lắng của bản thân.
Hãy luôn nhớ rằng dù bạn có ngủ đủ giờ, nhưng chất lượng của những giờ ngủ đó mới là chìa khóa để triệt tiêu những mệt mỏi và kiệt quệ trong ngày. Điều chỉnh phong cách sống có thể mang lại cho bạn nhiều lợi ích lớn lao nên hãy thử thay đổi và xem liệu điều đó sẽ mang đến những khác biệt gì trong vài tuần tiếp theo.
Thanh Thảo (Theo Lifehack.org)