Cách Bắt Đầu Với Một Chế Độ Ăn Kiêng Ít Muối (Natri) Để Giảm Cân

Bạn có muốn cải thiện sức khoẻ trái tim và giảm bớt cân nặng của mình?

Nếu câu trả lời là CÓ, hãy thử một thay đổi trong lối sống của mình bằng cách xem xét chế độ ăn kiêng ít muối (natri). Phương pháp này đơn giản, không tốn kém, và dù mất kha khá thời gian để làm quen, nhưng rồi bạn sẽ nhận được kết quả xứng đáng.

Tại Sao Chế Độ Ăn Kiêng Ít Muối (Natri) Lại Quan Trọng

Có vài lý do giải thích tại sao chế độ ăn kiêng ít muối natri được xem là hữu ích cả cho sức khoẻ và hiệu quả giảm cân. Một trong những lý do quan trọng nhất là nó tốt cho trái tim của bạn. Tại sao vậy? Bởi vì khi bạn ăn một chế độ với nhiều muối, điều này có thể làm tăng huyết áp của bạn – và huyết áp tăng (hay còn gọi là cao huyết áp) là một trong những nguy cơ chính dẫn đến không chỉ các cơn đau tim mà cả đột quỵ nữa. Vì bệnh tim là căn bệnh giết người số một tại Mỹ đối với cả nam và nữ giới, nên một chế độ ăn kiêng ít muối (natri) là một phần quan trọng trong việc phòng ngừa sự bộc phát của căn bệnh này.

Giảm Cân

Một chế độ ăn kiêng ít muối (natri) còn có thể giúp bạn giảm cân.

Tại sao vậy? Câu trả lời khá đơn giản, nước đi theo muối. Nếu bạn ăn quá nhiều muối, cơ thể bạn sẽ tích trữ nhiều nước hơn. Kết quả là cơ thể bạn bị phù nề, khó chịu và tổng trọng lượng nước tăng lên. Tuy nhiên tin tốt là một chế độ ăn ít muối (natri) sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này một cách tự nhiên và cho phép bạn giảm bớt lượng chất lỏng dư thừa trong cơ thể.

Nếu muốn biết nhiều hơn về giảm cân thì bạn không thể bỏ qua bài hướng dẫn dưới đây – nó sẽ cung cấp tất cả các tip hữu ích mà bạn cần:

Những Loại Thực Phẩm Dành Cho Chế Độ Ăn Kiêng Ít Muối (Natri)

Một điều hấp dẫn khác về chế độ ăn kiêng này là bạn không cần phải cắt bỏ toàn bộ các nhóm thực phẩm như một số chế độ ăn khác. Những loại thực phẩm tốt nhất dành cho chế độ ăn này bao gồm:

  • Trái cây tươi và rau xanh
  • Thịt tươi
  • Hầu hết các sản phẩm từ sữa
  • Các loại ngũ cốc như mì ống, bánh mì làm từ lúa mì nguyên chất; gạo lức
  • Hạt dẻ và các loại hạt không muối
  • Các loại đậu khô, đậu Hà Lan và đậu lăng (không phải đậu hộp)
  • Trứng
  • Các loại thảo mộc tươi hoặc khô để thêm hương vị cho các món ăn yêu thích
  • Dầu ôliu hoặc các loại dầu khác như dầu hoa rum hay dầu hướng dương

Những loại thực phẩm này sẽ mang lại cho bạn một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng trong khi vẫn bảo đảm lượng muối cần thiết.

Những Loại Thực Phẩm Bạn nên Tránh

Một trong những hạn chế của một chế độ này là số lượng các loại thực phẩm mà bạn phải cắt bỏ ra khỏi thói quen hàng ngày của bạn. Bao gồm:

  • Hầu hết các thực phẩm đã chế biến (như bữa tối đã chế biến sẵn chỉ cần hâm lại bằng lò vi sóng hoặc các loại thực phẩm đóng hộp như mì ống và pho mát)
  • Đồ hộp, đặc biệt là súp đóng hộp
  • Các loại thực phẩm đóng gói sẵn như nước sốt, kem, nước sốt thịt hay dầu giấm
  • Muối tinh
  • Bơ mặn
  • Một số loại pho mát chứa nhiều muối
  • Các loại thịt đã qua chế biến (bao gồm thịt deli, giăm bông, thịt xông khói, xúc xích hoặc thịt ướp muối).

Các mẹo để tuân thủ chế độ ăn kiêng ít muối (natri)

Dưới đây là một số quy tắc chung giúp bạn thực hiện chế độ này dễ dàng hơn:

  • Theo dõi lượng muối ăn vào mỗi bữa. Mục tiêu không vượt quá 2.000 mg trong một ngày.
  • Đọc nhãn hiệu thành phần một cách cẩn thận để bạn biết chính xác lượng muối trong từng phần ăn mà bạn đang nạp vào.
  • Đừng bị lừa bởi các sản phẩm quảng cáo là “ít muối” hay “giảm muối” cho đến khi bạn đã xác nhận chúng thật sự chứa bao nhiêu muối.
  • Để đảm bảo bạn vẫn có những bữa ăn hấp dẫn, hãy sử dụng các loại thảo mộc và gia vị tươi hoặc khô, nước chanh, dầu ô liu và các thành phần tương tự khác để giúp món ăn của bạn vẫn ngon miệng ngay cả khi bạn dùng ít muối.
  • Sử dụng các loại muối thay thế như muối kali có sẵn trong hầu hết các cửa hàng tạp hoá (thường thì bạn sẽ tìm thấy ngay bên cạnh mấy lọ muối tinh). Tuy nhiên, hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang sử dụng loại muối thay thế vì nó có thể ảnh hưởng đến một số loại thuốc nhất định.

Nói tóm lại, một chế độ ăn kiêng ít muối natri thường dễ tuân thủ và dù có mất thêm thời gian để đọc các nhãn hiệu thành phần và phải tránh các thức ăn đã chế biến sẵn, thì lợi ích cho sức khoẻ tim mạch và khả năng giảm cân khiến việc này trở nên hấp dẫn đối với bất cứ ai quan tâm đến việc hướng đến một cuộc sống lành mạnh và khoẻ khoắn hơn.

Quỳnh Lan (Theo LifeHack.org)