Thật không may rằng không phải tất cả mọi cảm xúc đều được tạo ra với mức độ như nhau.
Cảm xúc được mọi người thừa nhận phổ biến nhất, đó là hạnh phúc, là một dấu hiệu của sự tự tin, an toàn và thành công cùng với những thứ khác nữa. Cho dù chúng ta có biết cách khiến nó “từ giả thành thật” hay không thì chúng ta vẫn được dạy rằng thể hiện niềm hạnh phúc là một cách chắc chắn để tìm được bạn thân và những người ngưỡng mộ mình.
Sự lo lắng có lẽ là cảm xúc dễ xảy đến nhất vì mọi người hay mắc phải nó dù ở bất cứ khía cạnh nào trong cuộc sống đi nữa. Tất cả chúng ta chắc hẳn đã từng sợ hãi về nhiều thứ trước đây như là bỏ việc, cầu hôn, đối chất với một người bạn về việc làm sai trái của họ đối với bạn. Và đối với nỗi sợ hãi hàng ngày do các phương tiện truyền thông gây ra, nó khiến cho hầu hết sự nhạy cảm trong cảm xúc trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Giận dữ, mặc dù ít ai muốn, là một cảm xúc khác mà nhiều người trong chúng ta luôn mắc phải và thể hiện mỗi ngày. Bạn giận dữ khi bị mắc kẹt giữa dòng xe cộ đông đúc, khi con bạn làm vỡ một lọ hoa quý, hay nổi nóng với người đồng nghiệp bất tài, một lần nữa, sự giận dữ được xem như là một cảm xúc hoàn toàn bình thường.
Sự phẫn nộ có thể gợi lên những điều tiêu cực, và trong hầu hết mọi chuyện nó có tính chất chủ quan nhưng người ta vẫn nhận ra nó. Trong hầu hết mọi hoàn cảnh, khi sự căm phẫn được thể hiện ra ngoài, nó thường được mọi người chấp nhận và đôi khi là một cách thể hiện thích hợp.
Tuy nhiên nỗi buồn mới chính là cảm xúc mạnh mẽ nhất, giống như trong bộ phim mới của hãng Pixar, đó là phim Inside Out. Nỗi buồn có vẻ như bị tách biệt, bị đối xử không công bằng, và bị xem thường khi được thể hiện hết ra ngoài. Bề ngoài của nỗi buồn như vẻ ủ rũ của khuôn mặt và cơ thể, sự suy sụp và khóc lóc được xem là những dấu hiệu của sự yếu đuối và thiếu tự tin. Thật bất công khi văn hóa của chúng ta lại bó buộc nỗi buồn như thế. Chính sự bó buộc đó hủy hoại chúng ta, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và hoàn toàn không công bằng với những gì mà người ta phải trải qua.
Thật ra những người không e dè thể hiện nỗi buồn mới là những người có tinh thần mạnh mẽ hơn nhiều so với những người cố che giấu nó đi. Lí do là vì:
1.Họ không lo ngại về những cảm xúc tự nhiên của mình.
Nếu như bạn đang tràn ngập niềm vui, liệu bạn có che giấu đi nụ cười của mình không? Nếu bạn trông thấy một con sóc bị cán bẹp dí khi bạn đang chạy bộ hay đạp xe bên đường, bạn chắc hẳn không nhăn mặt đâu nhỉ? Nếu bạn có một ngày làm việc tồi tệ và người bạn chung phòng rảnh rỗi của bạn lại uống hết cốc bia lạnh cuối cùng mà bạn đang muốn uống, liệu bạn có nổi nóng không? Nếu bạn đang cố mò mẫm xem công tắc đèn ở đâu và chẳng ngờ tới được bạn trai của mình đang nấp sẵn trong phòng chờ cơ hội hù dọa bạn cho vui, liệu bạn có phát hoảng lên khi anh ta nhảy bổ về phía bạn và la lên không?
Vì thế, nếu bạn buồn, tại sao bạn lại che giấu nước mắt? Tại sao bạn không kiếm chỗ nào mà ngồi sụp xuống? Tại sao bạn lại không cho mình quyền được buồn?
Những người chối bỏ nỗi buồn đã tự lừa dối bản thân khỏi một phần quan trọng của cuộc sống. Nỗi buồn, hay việc khóc lóc không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, nó là dấu chỉ cho thấy bạn là con người và có cảm xúc vượt ra ngoài những gì người ta dạy bạn nên thể hiện trước mặt mọi người.
2.Họ hiểu khả năng làm lành vết thương của nước mắt.
Cũng giống như tuyến nước bọt tiết ra nước bọt, những ống dẫn nước mắt của bạn có thể giải phóng căng thẳng, lo âu, phiền muộn, thất vọng ra khỏi tâm trí và cơ thể bạn khi khóc. Nó là công cụ giải thoát tâm hồn, làm giàu cho trí não và tạo nên những kích thích cho cơ thể; nó hoạt động gần như như một ống dẫn để xả ra những cảm xúc tiêu cực do căng thẳng gây nên. Khả năng làm lành vết thương của nước mắt là không giới hạn không chỉ nhờ vào những giọt nước mắt khi buồn mà còn bởi những giọt nước mắt hạnh phúc. Trong cả hai trường hợp đó bạn đều đối mặt với cảm xúc mãnh liệt. Nếu bạn để những cảm xúc cực đoan đó tồn tại và ở mãi trong cơ thể bạn, nó có thể rất nguy hiểm cho cả về thể chất lẫn tinh thần của bạn.
Ngoài tác dụng cải thiện cảm xúc và giảm căng thẳng thì việc khóc lóc, hay chính xác là những giọt nước mắt, có những lợi ích khoa học vì chúng giải phóng độc tố, giúp cải thiện tầm nhìn và có thể tiêu diệt 90 đến 95 phần trăm vi khuẩn trong vòng 10 phút.
3.Họ biết rằng khóc là liều thuốc hiệu quả như thế nào.
Những nghiên cứu tâm lý học gần đây đã chỉ ra rằng khóc sẽ kích thích não bộ chúng ta sản sinh ra endorphin, một loại hooc-môn “cảm thấy dễ chịu” hoạt động tương tự thuốc giảm đau tự nhiên. Khóc cũng làm giảm lượng mangan, một loại chất hóa học mà khi bị lưu giữ quá lâu trong người có thể gây nên tổn thương cho não và cơ thể.
Mặc dù vấn đề có thể vẫn còn đó sau khi bạn khóc, nhưng chắc chắn rằng việc khóc lóc cho phép giải phóng toàn bộ những cảm xúc tiêu cực thậm chí dù chỉ là tạm thời. Nó giúp chúng ta suy nghĩ rõ ràng hơn về vấn đề ta đang mắc phải và không bị dồn nén vì điều đó.
4.Họ không quan tâm tới vai trò giới tính hay quy tắc của xã hội.
Việc khóc lóc thường bị xem thường với cả nam lẫn nữ. Nếu một người phụ nữ khóc thì đó là vì tâm lý cô ta không ổn định hoặc cô ta chẳng khác nào một người tàn tật, hay như một kết luận vô căn cứ nhất, đó là cô ta muốn gây sự chú ý với người khác. Nếu người khóc là đàn ông, anh ta là một tên ẻo lả, một kẻ yếu mềm hay theo cách nói ưa thích của tôi, là anh ta không đủ nam tính. Tất cả những quan niệm phổ thông đó đã làm cho cả 2 phái có xu hướng che giấu đi nỗi buồn của mình vào tận đáy tâm hồn.
Dù đây là một trận chiến khó khăn, chỉ có thể chiến thắng từng chút một, chúng ta vẫn nỗ lực không mệt mỏi để phá vỡ những ràng buộc của xã hội đã đè nặng lên cả 2 giới. Những người dám bộc lộ nỗi buồn trước đám đông không những rất can đảm mà còn là những nhà hoạt động cho một xã hội có cảm xúc lành mạnh.
5.Họ kêu gọi người khác không trốn chạy cảm xúc của mình.
Tôi thích khóc. Hay đúng hơn tôi không tự lừa dối bản thân mình rằng mình không buồn trong khi thực sự là thế. Tất cả chúng ta đều làm mọi thứ để vượt qua những cảm xúc chán chường khi chúng cố gắng vùi dập chúng ta. Khi chúng ta cho phép mình bộc lộ nỗi buồn cũng là chúng ta cũng đang khuyến khích người khác, dù rằng họ có nhận ra hay không, cảm thông với nỗi đau của chúng ta.
Những người chấp nhận nỗi buồn khi nó hiện rõ trên khuôn mặt họ sẽ khiến cho những người khác cũng làm giống vậy. Hãy nhớ rằng nếu chúng ta giấu đi cảm xúc và chôn vùi nó bên trong thì hậu quả sẽ khá nghiêm trọng. Vì nỗi buồn có những mối liên đới tiêu cực, chúng ta thường không tiếp cận với những người chúng ta nhận thấy đang trải qua khó khăn vì chúng ta lo ngại, không nhất thiết là con người mà là vì hành động của việc u sầu từ bên trong.
Khi chúng ta thành thật với bản thân, chúng ta cho phép mình vượt qua giới hạn của chính mình, thậm chí khi chúng ta trải qua những đau đớn cùng cực.
Chúng ta đã thảo luận nghiêm túc về các hành động giúp cải thiện sức khỏe tinh thần nhiều năm nay. Cùng với những liệu pháp giảm đau tinh thần ban đầu, chúng ta cũng nên biết ơn nhiều hơn năng lực sinh học của bản thân khi biết khóc và hãy tận dụng khả năng giảm lo lắng tự nhiên này. Bởi vì khóc lóc không nên được xem là một dấu hiệu của sự yếu đuối, mà là một dấu hiệu của sự mạnh mẽ và tỉnh thức bên trong.
Phi Hải (Theo Lifehack.org)