Người ta thường nói đùa rằng điều duy nhất bạn “học” được tại các trường học là cách ghi nhớ. Tuy nhiên, điều đó không đúng với hầu hết mọi người. Nếu bạn thử đi quanh phòng và hỏi một số người cách để nhanh chóng ghi nhớ mọi thứ, đa số sẽ cho bạn cùng một câu trả lời, đó là học thuộc lòng.
Điều đó là không đúng, cùng chúng tôi tìm hiểu cách mới nhé. Nếu bạn muốn ghi nhớ một thứ gì đó thật nhanh và thật lâu, việc học đi học lại sẽ không giúp ích cho bạn; tuy nhiên, hồi tưởng thì có. Vấn đề là bạn cần phải học để có thể hồi tưởng, và tất cả chúng ta đều học theo những cách khác nhau. Dưới đây là một vài bước phổ biến để thuần thục nghệ thuật hồi tưởng nhằm giúp bạn ghi nhớ lượng lớn dữ liệu chỉ trong một thời gian ngắn.
Trước khi bắt đầu, có một điều bạn cần phải xác định: bạn học dựa vào thính giác, thị giác hay kinh nghiệm? Nếu bạn học dựa vào thính giác, vậy thì nghe sẽ là cách hiệu quả nhất để nắm bắt thông tin dành cho bạn. Với khả năng tưởng tượng, những người học dựa vào thị giác sẽ muốn học bằng cách tận mắt nhìn thấy các hình ảnh và những người học dựa vào kinh nghiệm sẽ học từ những sự kiện và trải nghiệm (hoặc, bằng cách làm việc với các tài liệu). Mỗi chúng ta đều học bằng cách kết hợp ít nhất hai trong số những cách trên, nhưng tôi sẽ chỉ rõ đâu là bước phù hợp nhất với phong cách học chủ đạo của bạn nhằm giúp bạn ghi nhớ mọi thứ một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Bước 1: Chuẩn bị
Để tối ưu hóa quá trình ghi nhớ của bạn, hãy thật chú ý khi chọn môi trường học cho bản thân. Đa số mọi người sẽ chọn những khu vực ít bị sao lãng, trong khi một số khác lại thích học tại các khu vực công cộng. Hãy tìm hiểu đâu là môi trường có lợi nhất cho bạn trước khi bắt đầu.
Tiếp đó, hãy uống một chút trà. Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã khẳng định trà xanh là một chất xúc tác tự nhiên giúp cải thiện trí nhớ. Khả năng ghi nhớ thông tin của chúng ta đến từ sức mạnh của các tế bào thần kinh được kết nối bởi các khớp nối thần kinh trong não bộ. Bạn càng luyện tập nhiều cho các khớp nối thần kinh (học đi học lại), chúng sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn, cũng như khả năng ghi nhớ của bạn.
Khi ta già đi, các chất độc hóa học sẽ làm tổn thương các tế bào và khớp nối thần kinh, dẫn đến tình trạng mất trí nhớ và thậm chí là bệnh Alzheimer. Trà xanh có chứa nhiều hợp chất, tuy nhiên, điều đó sẽ giúp ngăn chặn độc tính và cho phép các tế bào não của bạn hoạt động hiệu quả trong thời gian dài hơn.
Bước 2: Ghi âm những gì bạn đang cố nhớ
Phương pháp này đặc biệt hiệu quả khi bạn đang cố gắng ghi nhớ thông tin từ các bài giảng. Hãy sử dụng máy ghi âm để theo dấu và nghe tất cả các thông tin được trình bày. Nếu bạn đang cố gắng ghi nhớ một bài diễn văn, hãy tự đọc to nó và ghi âm lại để nghe những gì bản thân mình đã nói. Tất nhiên đây là cách học rất hữu dụng đối với những người học dựa vào âm thanh, nhưng nó cũng sẽ rất có ích vì nó đảm bảo việc bạn hiểu rõ hơn ngữ cảnh của bài giảng, điều sẽ giúp bạn ghi nhớ các thông tin nhanh hơn.
Bước 3: Viết lại các thông tin
Trước khi bắt đầu hồi tưởng lại mọi thứ bạn có trong trí nhớ, hãy ghi lại các thông tin, sau đó viết lại chúng theo một cách khác. Điều này sẽ khiến bạn hiểu rõ hơn những gì mình đang cố ghi nhớ. Làm việc này trong khi nghe lại các băng ghi âm của bản thân cũng có thể giúp bạn nắm được rất nhiều dữ liệu. Đây là phương pháp học hiệu quả nhất đối với những người học dựa trên kinh nghiệm.
Bước 4: Sắp xếp các ghi chú.
Giờ khi bạn đã ghi lại tất cả các thông tin trong một tập ghi chú, hãy sắp xếp chúng thành những nhóm nhỏ. Đây là phương pháp lý tưởng cho những người học dựa vào hình ảnh, đặc biệt là khi bạn dùng màu sắc làm ký hiệu để phân biệt các chủ đề. Việc này sẽ giúp bạn phân chia rõ ràng các thông tin đã được ghi lại trong đầu.
Bước 5: Vận dụng sự nhắc lại trong ghi nhớ tích lũy
Hãy nhắc lại mỗi dòng văn bản một vài lần và cố gắng nhớ chúng mà không nhìn. Trong khi ghi nhớ từng đoạn văn bản, hãy cố gắng đưa thêm các thông tin mới vào những gì bạn đã học. Điều này sẽ giúp lưu giữ các thông tin trong bộ nhớ ngắn hạn của bạn. Hãy duy trì hoạt động này cho đến khi bạn đã thực sự ghi nhớ và có thể hồi tưởng lại toàn bộ những gì vừa học. Đừng chuyển sang mục khác cho đến khi bạn đã hoàn toàn ghi nhớ mục mà mình đang học trước đó. Đây được coi là cách học dựa vào hình ảnh, nhưng nếu bạn vừa học vừa đọc to, thì bạn cũng đang sử dụng cách học dựa vào âm thanh đấy.
Bước 6: Viết lại dựa vào trí nhớ
Giờ khi bạn đã nhớ được toàn bộ các mục, hãy viết lại tất cả các thông tin dựa trên trí nhớ của mình. Việc làm này sẽ giúp củng cố những điều bạn vừa học bằng cách trải nghiệm.
Bước 7: Giảng bài cho người khác (hoặc cho chính mình)
Cách học hiệu quả nhất mà tôi từng sử dụng khi còn đi học là giảng lại các thông tin cho những người khác. Bạn có thể làm điều này theo rất nhiều cách khác nhau. Bạn có thể giảng kiến thức cho những người ngồi ngay trước mặt mình (hoặc cho chiếc gương, nếu bạn không thể thuyết phục bất cứ ai ngồi cùng mình) và giải thích mọi thứ một cách ngẫu hứng. Nếu những gì bạn đã học cần được thuật lại nguyên văn, hãy làm việc này trước mặt một ai đó để hiểu được cảm giác khi thuyết trình trước đám đông.
Phương pháp ưa thích của tôi là ra đề kiểm tra cho người khác. Thu thập các thông tin và dự đoán xem họ sẽ đưa ra những câu hỏi như thế nào. Sử dụng các câu hỏi nhiều lựa chọn, câu hỏi ghép cặp… để trình bày thông tin trong cấu trúc các bài kiểm tra, và quan sát cách giải quyết của mọi người. Các phương pháp trên đây đều thuộc cách học dựa vào trải nghiệm do bạn phải thực sự luyện tập và kiểm soát các kiến thức mình đã học.
Bước 8: Liên tục lắng nghe các đoạn ghi âm
Hãy nghe những đoạn ghi âm của bạn để kiểm tra lại các thông tin trong khi làm những công việc không liên quan như giặt giũ hay lái xe. Đây tuy là hình thức học dựa vào âm thanh, nhưng nó cũng sẽ bổ sung thêm cho những gì đã được nạp vào bộ nhớ ngắn hạn của bạn.
Bước 9: Nghỉ ngơi
Cuối cùng, hãy để đầu óc bạn được thư giãn. Đừng nghĩ về những gì bạn vừa học trong một khoảng thời gian ngắn và tiếp tục sau đó ít phút. Bạn sẽ tìm ra những gì bạn thực sự biết, và tất nhiên, điều này sẽ giúp bạn tập trung vào những phần mà mình yếu nhất.
Thanh Thảo (Theo Lifehack)