Vẫn câu hỏi muôn thuở ấy: Chất lượng hay Số lượng?

Chất lượng hay số lượng? Đây chính là một trong những câu hỏi phổ biến nhất cần được đưa ra thảo luận mỗi khi chúng ta phải quyết định được đâu là thứ quan trọng hơn trong cuộc sống của mình. Cho dù câu trả lời của bạn có nghiêng về phía chất lượng hơn hay số lượng hơn, thì đâu mới là điều thực sự thúc đẩy chúng ta hợp lý hóa việc lựa chọn giữa hai điều này?

Cái nào sẽ tốt hơn đây? Một bữa tiệc buffet mà-món-nào-cũng-ăn-được hay là một bữa ăn hảo hạng trong một nhà hàng được gắn sao Michelin? Dành khoảng thời gian ngắn ngủi sau giờ làm việc mỗi ngày để hẹn hò hay là dành cả cuối tuần để làm gì đó cùng với nhau? Mua 10 chiếc quần jeans giá rẻ hay là một chiếc quần jeans hàng thiết kế chất lượng tốt?

Mặc dù quyết định của chúng ta thường phải dựa trên các tình huống cụ thể tại một thời điểm bất kỳ nào đó, thật thú vị nếu ta có thể biết được tại sao mà nhận thức của mỗi người chúng ta trong việc xác định điều gì là tốt nhất vẫn luôn thay đổi theo thời gian.

Sự phát triển của Chất lượng và Số lượng

Kể từ sự kiện nổi dậy của cuộc Cách mạng Công nghiệp vào những năm 1800, chủ nghĩa tiêu thụ và ý tưởng về việc số lượng lấn át chất lượng đã tăng lên một cách đáng kể. Bằng một cách thật bất ngờ, sở hữu nhiều hơn cũng đồng nghĩa với việc tốt hơn, thể hiện một địa vị cao hơn và giàu có hơn. Sự ra đời của suy nghĩ “càng nhiều càng tốt” đã đưa vào tâm trí mọi người một sự đồng thuận chung và từ đó đã nảy sinh ra ý tưởng về việc số lượng quan trọng hơn là chất lượng.

Chúng ta có thể nhìn thấy rõ điều này trong suy nghĩ ‘nếu tôi có nhiều quần áo hơn, tôi sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, và mọi người sẽ cho là tôi giàu có, nổi tiếng và hợp thời trang hơn’. Điều này cũng được thể hiện trong quan niệm rằng bạn càng mua nhiều đồ cho vợ hay chồng mình, hoặc đối tượng hẹn hò của mình, thì cũng có nghĩa là bạn dành càng nhiều cảm cho họ. Nói cách khác, sự thoả mãn tức thì trước mắt của việc tặng quà cáp đột nhiên trở thành biểu tượng cho tình yêu. Tương tự, ý tưởng về việc tìm kiếm những sản phẩm xứng đáng với số tiền mà chúng ta phải bỏ ra cũng là một ví dụ điển hình của nhu cầu về số lượng, như việc chúng ta lựa chọn bữa tiệc buffet mà-món-nào-cũng-ăn-được để có thể ăn được càng nhiều càng tốt với một số tiền phải bỏ ra ít hơn.

Nhưng tư duy hạn hẹp này đang dần được thay đổi bởi quan điểm về sự hài lòng, và một bước ngoặc mới dần được hình thành trong những gì được cho là “tốt nhất”.

Ý tưởng về chủ nghĩa tối giản và ‘càng ít càng tốt’ đang dần trở thành một lối suy nghĩ phổ biến hơn cùng việc giá trị và chất lượng của sản phẩm trở nên quan trọng hơn là số lượng lớn. Giờ đây, việc chi nhiều tiền hơn để mua một chiếc quần jeans hàng thiết kế có thương hiệu nổi tiếng và chất lượng tốt hơn cũng có nghĩa là nó xịn hơn nhiều so với 10 chiếc quần jeans giá rẻ kia. Hay việc bỏ ra 100 đô la cho một bữa tối ở một nhà hàng được gắn ngôi sao Michelin cũng có nghĩa là bạn sẽ nhận được ít đồ ăn hơn là bữa tiệc buffet chỉ có 20 đô la, nhưng trải nghiệm ăn uống tuyệt vời ở nơi này lại có giá trị hơn hẳn về mặt chất lượng.

Tư duy Chất lượng đã vượt qua Tư duy Số lượng như thế nào?

Sự phát triển của giáo dục và trình độ văn hóa, cùng một thế giới hòa bình và thịnh vượng hơn đã dẫn đến sự ổn định giữa các quốc gia, cũng đồng nghĩa với việc thế hệ ngày nay không còn phải tập trung vào các nhu cầu về sự sống còn nữa. Nói cách khác, chúng ta ít lo lắng hơn về việc thiếu ăn, thiếu uống hay không có nơi để trú ẩn mà các thế hệ trước đã phải trải qua. Thay vào đó, mọi người ngày càng được tiếp cận với những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống và cũng có đủ mọi vật chất xa xỉ để sở hữu những điều tốt đẹp ấy.

Tháp nhu cầu của Maslow đã thể hiện một cái nhìn tâm lý về sự tò mò và động cơ thúc đẩy của con người. Trong lý thuyết của mình, Maslow giải thích rằng chúng ta cần phải trải qua các giai đoạn thiếu thốn trước để có thể hình thành động lực và từ đó tăng lên bậc tiếp theo. Về mặt số lượng và chất lượng, chúng ta chỉ có thể thừa nhận tầm quan trọng của chất lượng sau khi trải nghiệm sự lấn án về mặt số lượng và những giá trị thấp hơn trong cuộc sống của mình.

Giờ đây, chúng ta đã hiểu được rằng vấn đề không còn là về sự sống còn (số lượng) nữa, mà là làm thế nào để chúng ta có thể sống tốt hơn (chất lượng).

Vậy điều này tác động đến hành vi của chúng ta như thế nào?

Ý tưởng về số lượng và chất lượng thể hiện rất cụ thể trong từng hoàn cảnh thực tiễn. Dù ý tưởng đánh giá cao khái niệm về chất lượng nhiều hơn so với số lượng đã đưa đến một sự thay đổi tích cực hơn trong xã hội ngày nay, nó thực sự không ảnh hưởng mấy đến sở thích cá nhân của mỗi người và những gì chúng ta cho là tốt nhất đối với mình.

Bạn có thể là người thích đi ăn tiệc buffet mà-món-nào-cũng-ăn-được vì nó phục vụ cho bạn nhiều món hơn, và bạn có thể ăn đến khi nào mình thõa mãn thì thôi. Điều này khiến bạn cảm thấy hạnh phúc và bạn không cho rằng nó có gì tệ cả. Hoặc bạn có thể là người yêu thích việc tận hưởng một bữa ăn sang trọng và không hề cảm thấy tiếc khi bỏ ra một khoảng tiền lớn cho một phần ăn nhỏ vì bạn cho rằng toàn bộ trải nghiệm ấy là hoàn toàn “đáng giá”.

Bạn có cho rằng việc dành thời gian mỗi ngày để hẹn hò với nửa kia của mình sẽ tốt hơn, dù khi ấy cả hai bạn đều đang mệt lử sau một ngày dài làm việc và không thể dành cho nhau một khoảng thời gian trọn vẹn? Điều này có thể đúng đối với một số người, nhưng một số khác lại cảm thấy việc dành cả ngày thứ Bảy cùng với nhau để cả hai vừa có thể nghỉ ngơi vừa có thể tập trung vào nhau một cách trọn vẹn sẽ là một lựa chọn tốt hơn.

Chất lượng và Số lượng: Đâu mới là lựa chọn lý tưởng?

Cũng giống như mọi thứ khác, cân bằng chính là chiếc chìa khóa cốt lõi cho câu hỏi giữa chất lượng và số lượng. Thế hệ ngày nay đang dần hướng tới một tư duy có học thức hơn trong việc định lượng giá trị, nơi mà chất lượng chính là lựa chọn tốt nhất để đạt được sự cân bằng và hạnh phúc toàn diện trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải xét đến từng hoàn cảnh cụ thể để có thể đưa ra lựa chọn thích hợp nhất.

Trong xã hội ngày nay, áp lực từ những người xung quanh (peer pressure) và giá trị bản thân đang dần trở nên mong manh hơn khi các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng phát triển khiến cho con người ta khó lòng mà không so sánh mình với người khác. Điều này dẫn đến mâu thuẫn trong những tình huống nhất định về vấn đề số lượng và chất lượng.

Trong điều kiện lý tưởng nhất, chúng ta cần phải đạt được sự cân bằng giữa số lượng và chất lượng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Ví dụ như, lựa chọn số lượng sẽ tốt hơn trong trường hợp có một đợt giảm giá tại siêu thị và bạn có thể mua được thật nhiều món hàng cần thiết. Ngược lại, lựa chọn chất lượng sẽ hợp lý hơn khi bạn dành ra 2 giờ đồng hồ trong spa để thư giãn với người yêu và tận hưởng khoảng thời gian bên cạnh nhau thay vì 2 giờ đồng hồ mỗi tối trong tuần cho một cuộc hẹn hò chóng vánh và mệt mỏi.

Làm thế nào để đạt được sự cân bằng tốt nhất?

Chất lượng và số lượng có thể là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau tùy thuộc vào những gì mà bạn đánh giá về những giá trị của bản thân bạn. Chỉ khi bạn xác định được đâu là giá trị của mình thì bạn mới có thể quyết định điều gì mới là ưu tiên trước nhất trong từng tình huống cụ thể. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy việc có nhiều lựa chọn quan trọng hơn, thì số lượng là chính là câu trả lời đúng đắn dành cho bạn. Nhưng nếu bạn đánh giá cao sự ổn định và độ bền thì chất lượng sẽ là một lựa chọn tốt hơn.

  • Hãy lập một danh sách những gì quan trọng về mặt số lượng và chất lượng của riêng bạn: Một khi bạn đã hoàn thành danh sách này, bạn sẽ có thể thấy rõ hơn là liệu chất lượng hay số lượng mới là lựa chọn phù hợp hơn với những giá trị và nhu cầu cá nhân của riêng bạn. Bên cạnh đó, bạn cũng phải biết giá trị của việc hy sinh và nắm rõ những điều bạn cần phải thực hiện để có thể đạt được chất lượng hoặc số lượng mà bạn mong muốn. Ví dụ như, nếu bạn đánh giá cao chất lượng hơn và muốn mua được một chiếc đồng hồ đắt tiền nào đó, thì bạn phải đảm bảo rằng mình có đủ khả năng tài chính để làm được việc đó bằng cách tiết kiệm hoặc ngừng ngay việc mua vô số những chiếc đồng hồ rẻ tiền cho đến khi bạn có đủ tiền để mua được chiếc đồng hồ giá trị kia.
  • Học cách trân trọng những gì mà bạn đang có: Đây là một bước quan trọng bởi lẽ việc so sánh bản thân mình với người khác hay cảm giác bị áp lực bởi những người xung quanh có thể sẽ khiến bạn cảm thấy căng thẳng khi theo đuổi lý tưởng về chất lượng hay số lượng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Xác định được mục đích của cuộc đời mình và lập ra những mục tiêu cụ thể sẽ có thể giúp bạn tìm ra được đâu mới là điều quan trọng đối với mình, là chất lượng hay số lượng.

Tại sao đôi khi việc tìm thấy sự cân bằng lại khó khăn đến vậy?

Nếu bạn cũng đang cố gắng tìm cách để biết được trong cuộc sống của mình, đâu mới là lĩnh vực liên quan đến số lượng, đâu mới là lĩnh vực cần đến chất lượng, thì bạn không là những trường hợp các biệt đâu.

Thường thì con người đều luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho bản thân mình, đồng thời cũng là những điều tốt đẹp nhất cho những người mà mình yêu quý. Điều này có thể dẫn đến những quan điểm trái ngược nhau trong việc lựa chọn giữa chất lượng và số lượng thì đâu mới là điều quan trọng hơn. Chúng ta thường xuyên phải đấu tranh nội tâm khi quyết định từ bỏ một điều gì đó để đạt được một điều khác – trong trường hợp để mua được một chiếc đồng hồ đắt tiền, bạn phải hy sinh khoảng tiền tiết kiệm của mình, và việc bạn phải kiềm chế lòng mình trước những chiếc đồng hồ rẻ và hợp túi tiền hơn có lẽ sẽ rất khó khăn.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là những ưu tiên trước nhất của riêng bạn và niềm tin mà bạn đặt vào những lựa chọn của mình. Việc cân nhắc thật cẩn thận có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đến kết quả cuối cùng mà bạn đạt được. Đối với một số người, họ làm việc thật chăm chỉ để chu cấp cho gia đình của mình (số lượng) dù việc này đồng nghĩa với việc phải hy sinh thời gian dành cho họ (chất lượng), nhưng cuối cùng thì, đâu mới thật sự là điều giúp cho gia đình của họ hạnh phúc nhất?

Do đó, hãy suy nghĩ thật cẩn thận về các giá trị của mình và kết quả cuối cùng mà bạn thật sự mong muốn trong từng lĩnh vực của cuộc sống, và cân nhắc lựa chọn giữa chất lượng và số lượng, đâu mới là con đường tốt nhất trong từng tình huống cụ thể. Điều này sẽ giúp bạn có thể lên kế hoạch để đạt được những mục tiêu của đời mình và có được một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn hơn.

Hình ảnh: Alexandra Mariavia pexels.com

 Ái Nhân (theo lifehack.org)