Tại sao chúng ta lại lo lắng về việc người khác nghĩ gì về mình? (Và cách để ngừng lại)

“Khi tôi ngẫm lại tất cả các ký ức của mình, tôi đã nhớ đến câu chuyện về một người đàn ông đang hấp hối trên giường bệnh. Ông ấy nói rằng ông ấy có rất rất nhiều rắc rối trong cuộc đời nhưng hầu hết chúng đều không xảy ra” – Wiston Churchill

Tôi thường chơi một trò chơi nhỏ khi cảm thấy tồi tệ. Trò chơi rất đơn giản đến nỗi nhiều người sẽ nghĩ nó nhảm, nhưng đó sẽ là thứ chọc thẳng vào trọng tâm vấn đề.

Tôi tự hỏi bản thân mình rằng liệu điều này có khiến tôi cảm thấy day dứt khi tôi chuẩn bị đối mặt với cái chết hay không. 99% câu trả lời là KHÔNG.

Khi chúng ta suy tưởng về cái chết sau này của mình, những điều thực sự quan trọng với chúng ta sẽ chỉ là: “Liệu tôi đã yêu thương đủ nhiều chưa?” và “Liệu tôi đã làm tất cả những thứ mà tôi muốn chưa?”

Chẳng có ai sắp lâm chung mà lại nói thế này cả: “Ôi trời, tôi thực sự ước tôi đã không nói những điều ngu ngốc đó trong cuộc phỏng vấn nọ.” hoặc “Tôi tự hỏi tại sao không có ai khen ngợi tôi trong bữa tiệc khi tôi 22 tuổi nhỉ?”

Chúng ta dành phần lớn thời gian để lo lắng về những chuyện sẽ không trở thành sự thực sau này.

Có thể bạn vẫn nghĩ: “Nhưng nó đang là vấn đề của tôi ngay lúc này”, và đúng là như vậy. Nhưng có hai lý do để những điều đó không nên là vấn đề của bạn: Thứ nhất, lo lắng sẽ phản tác dụng. Và thứ hai, lo lắng người khác nghĩ gì sẽ không khiến bạn cảm thấy hài lòng đâu.

Lo lắng là việc sử dụng năng lượng của bạn một cách vô dụng nhất. Chẳng bao giờ có chuyện lo lắng người này người kia có thích bạn hay không, có đưa cho bạn công việc hay không, hoặc là có muốn trở thành bạn đời của bạn hay không lại giúp bạn đạt được điều mà bạn muốn cả.

Nó không những không giúp bạn giải quyết vấn đề mà còn đặc biệt khiến bạn thêm lo âu và quá tải.

Khi chuyện nằm ngoài khả năng dự đoán của chúng ta, ví dụ như khi chúng ta gặp một người mới lần đầu tiên, sự lo lắng sẽ được kích hoạt.

Tâm trí chúng ta rất nhạy với sự tiêu cực – một công cụ đã tiến hóa từ thời xa xưa để giữ chúng ta được an toàn. Nhưng ngày nay, công cụ đó đã không còn hữu ích nữa. Chúng ta sẽ không gặp phải thú dữ ăn thịt lúc nửa đêm, nhưng cơ thể chúng ta sẽ phản ứng như thể là chúng ta đang gặp thú dữ thật.

Nó sẽ kiểu như bất cứ điều gì khiến chúng ta cảm thấy không thoải mái một chút, lo lắng sẽ hoạt động như một loại tín hiệu ở cái nơi sâu nhất trong tâm khảm chúng ta vậy.

Lo lắng về việc người khác nghĩ gì về bạn là một dấu hiệu cho thấy bạn không cảm thấy đầy đủ nếu như thiếu sự công nhận từ họ.

Bạn đang tìm kiếm ở những người bên ngoài một thứ mà chỉ bạn mới có để lấp đầy bản thân mình. Chẳng có sự công nhận nào bắt nguồn từ bên ngoài mà sẽ khiến bạn cảm thấy đong đầy cả. Bạn sẽ lại cần sự công nhận đó thêm một lần, một lần rồi lại một lần nữa. Nó là cái vòng tròn luẩn quẩn khiến bạn tự xa lánh bản thân mình.

Tôi lại nhớ về thời điểm khi tôi bắt đầu hẹn hò lúc 20 tuổi. Tôi đã cực kỳ hồi hộp vì tôi muốn tạo ấn tượng tốt với bất kỳ ai mà tôi hẹn hò. Tôi quá tập trung vào vẻ bề ngoài đến mức thậm chí tôi còn không quan tâm đến việc mình có thích anh ta hay không.

Nói một cách đơn giản nhất thì đây có thể coi là tự hạ thấp bản thân mình.

Chúng ta tự hạ thấp bản thân khi chúng ta coi trọng những gì người khác nghĩ hơn là những điều chúng ta nghĩ về chính bản thân mình.

Khi bạn thực sự hài lòng với con người mình, bạn sẽ ngừng quan tâm đến việc liệu người ta có thích bạn hay không.

Bạn xứng đáng sống một cuộc đời cho chính bạn hơn là theo đuổi một lý tưởng do tâm trí bạn tạo ra.

Bạn xứng đáng với việc khám phá ra bản thân mình là ai, và cho cả thế giới biết về con người phi thường đó.

Bạn xứng đáng được ở bên cạnh những người thực sự yêu mến và trân trọng bạn vì chính bạn chứ không phải vì một hình mẫu mà bạn đang cố tạo ra trước những người khác.

Có hai kỹ thuật có thể giúp tôi giảm bớt lo lắng việc người khác suy nghĩ gì về tôi. Thứ nhất là kiểm soát hơi thở, một kỹ năng thiền định hiệu quả giúp tôi kết nối vào sâu bên trong bản thân mình.

Thứ hai là Thiền chánh niệm, một hoạt động tập trung vào toàn bộ suy nghĩ, cảm xúc của mình mà không phán xét gì. Khi mà tôi nhận thức được quá trình mình suy nghĩ, tôi có thể chủ động hướng sự tập trung vào những điều thực sự giúp tôi hạnh phúc.

Tôi vừa mới trải qua một cuộc chia tay khá là shock. Nó shock là bởi vì người đàn ông mà tôi hẹn hò đã khiến tôi tin rằng chúng tôi thực sự dành cho nhau, và chúng tôi còn lên kế hoạch cho tương lai của cả hai nữa.

Thế mà anh ta quyết định dừng lại và không hề thông báo với tôi. Tất nhiên là sẽ luôn có một quá trình phục hồi sau khi chúng ta đánh mất một ai đó mà chúng ta yêu thương rất nhiều, nhưng thử thách thực sự bây giờ của tôi là quên hết tất cả những điều mà anh ta nghĩ về tôi.

Tôi sẽ nghĩ ngợi rất nhiều về việc anh ta không còn ôm tôi một cách trân trọng như anh ta đã từng nữa và nó sẽ khiến tôi tổn thương rất nhiều.

Trong những tình huống như vậy, tôi chỉ đang tự làm đau bản thân mình mà thôi. Tôi cho phép những suy nghĩ của anh ta về tôi trở thành vấn đề, và thực sự điều đó không nên xảy ra một chút nào.

Không phải là chúng ta hoàn toàn không nên quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình mà là chúng ta nên quan tâm đến những điều chúng ta nghĩ về chính bản thân mình trước. Cho nên, trong những hoàn cảnh thế này, tôi tự đặt câu hỏi “Tôi là ai?” và đặt sự tập trung của mình vào đó.

Nếu anh ta không còn nghĩ tôi là một con người tuyệt vời, chẳng sao cả, vì tôi tự biết mình là một con người tuyệt vời.

Chúng ta tự hạ thấp mình quá nhiều. Chỉ một thay đổi nhỏ trong lối suy nghĩ cũng có thể khiến chúng ta thay đổi.

Khi bạn thấy mình đang quan tâm đến suy nghĩ của người khác, hãy lái sự tập trung quay về chính bản thân bạn. Nếu bạn đang nghĩ: “Tôi hy vọng cô ấy không nghĩ tôi là một kẻ thất hứa”, hãy tự hỏi bản thân rằng: “Tôi có phải là một người hay thất hứa không?” Nếu câu trả lời là không, vậy thì tốt quá rồi. Bỏ qua nó và bước tiếp.

Nếu câu trả lời là có, hãy ghi chú ra và tha thứ cho bản thân mình vì điều đó.

Khi bạn dành thời gian tự hỏi người khác nghĩ gì về mình thì tức là bạn đang tạo ra những câu chuyện xa rời thực tế. Để thay đổi, chúng ta phải có khả năng nhìn nhận bản thân mình, chấp nhận chính mình bằng cách yêu thương bản thân, và hãy lựa chọn nghĩ khác đi.

Lo lắng về suy nghĩ của những người xung quanh không giúp tạo ra những sự thay đổi tích cực.

Khi tôi đang ở trên giường bệnh, những người quan trọng với tôi nhất là những người đã lựa chọn tôi, thực sự công nhận tôi, là những người trao cho tôi yêu thương kể cả khi tôi phạm sai lầm.

Đó là những người tôi trân trọng.

Và điều sẽ khiến tôi bận tâm là liệu tôi đã sống xứng đáng hay chưa, tôi đã thực sự trân trọng bản thân mình hay chưa, và tôi đã thể hiện con người đó ra với những người tôi yêu thương hay chưa.

Vậy nên, bạn phải là nguồn động viên cho chính bản thân mình. Bạn phải ngừng ngay cái việc trao đi tâm sức của mình cho những người không liên quan.

Giống như lúc thực hành thiền định, cứ mỗi lần tâm trí bạn trôi dạt đến suy nghĩ về những người khác, hãy kéo nó trở lại ngay. Lấp đầy khoảng trống đó bằng tình yêu của bạn. Hãy vững tin bằng sức mạnh của chính bạn. Cho cả thế giới thấy được bạn thực sự là ai, một cách không ngần ngại.

Hãy trở nên tuyệt vời mà không cần chờ đợi sự cho phép của bất kỳ ai hết. Nếu họ không thấy điều đó trong bạn, chẳng sao cả.

Sự thật là nếu những người đó không cảm thấy bạn tuyệt vời thì có nghĩa là họ cũng cảm thấy như vậy về chính họ.

Chúng ta đều sao chép cách hành xử của nhau. Đừng cố gắng trở thành phiên bản lỗi của bất kỳ ai bạn nhé. Hãy là phiên bản tốt nhất và là fan hâm mộ lớn nhất của chính bản thân mình.

Như Nguyễn (Dịch từ tinybuddha.com)