Một góc nhìn về Quyền lực mới

Cô nữ sinh và bộ ngoại giao (hay câu chuyện về vấn đề truyền thông của tổ chức Hồi giáo cực đoan ISIS và Quân đội Mỹ) là phần tôi thích nhất trong toàn bộ cuốn sách NEW POWER (Quyền lực mới: tương lai thế giới được định hình như thế nào?). Theo suy nghĩ thông thường, sẽ chẳng có cô gái tuổi mới lớn nào trên thế giới này, lại chịu nhốt mình trong chiếc áo trùm kín từ đầu đến chân, phải lấy một người lính xa lạ làm chồng, sinh con đẻ cái và phục tùng anh ta vô điều kiện. Thế nhưng, hàng ngàn cô gái hiện đại vẫn lén lút rời bỏ gia đình, một mình bôn ba tìm đường đến Syria, và thành công đó – nếu có thể gọi đó là thành công – là bởi vì ISIS đã tận dụng rất tốt các công cụ internet để kêu gọi những người trẻ tuổi đứng về phía mình. Dường như, trên mặt trận tuyên truyền này, cô nữ sinh Aqsa Mahmood đã làm tốt hơn rất nhiều so với đối thủ đầy kinh nghiệm, đó là chính phủ Mỹ. Cô ấy trở thành người chiêu mộ chuyên nghiệp, sử dụng các công cụ trực tuyến để kết nối và lôi kéo những người khác đi theo mình, cô gái đã tạo ra một mạng kết nối ngang hàng, nơi “những người bạn gái thân thiết” tương tác lẫn nhau. Trong khi đó ở bên kia chiến tuyến, chính quyền lại đưa ra những thông điệp mang tính đe dọa, kêu gọi những tín đồ Hồi giáo cực đoan này “Hãy suy nghĩ và quay trở lại!” Hai cách tiếp cận này khắc họa rõ nét sự khác biệt của hai luồng tư duy, mà theo cuốn sách là tư duy quyền lực mới, và tư duy quyền lực cũ.

Quyền lực cũ hoạt động như một loại tiền tệ (currency). Nó được nắm giữ bởi một số ít người. Một khi có được nó, nó sẽ được bảo vệ thận trọng và người có quyền lực là người tích trữ một khối lượng đáng kể để dùng chúng. Quyền lực cũ mang tính khép kín, không thể tiếp cận, và bị định hướng bởi người đứng đầu. Nó đi theo hướng từ trên xuống, và nó có thể nắm bắt được.

Quyền lực mới hoạt động theo một cách khác, nó giống như một dòng chảy (current). Nó được tạo ra bởi nhiều người. Nó mang tính rộng mở, có sự tham gia và theo định hướng ngang hàng. Nó đi theo hướng từ dưới lên và phân phối rộng khắp. Giống như nước hay điện, nó mạnh nhất khi nó dâng lên. Mục tiêu của quyền lực mới không phải là tích góp lại mà là truyền tải đi.”

Và đó cũng chỉ là một câu chuyện nhỏ trong những câu chuyện thực tế được giới thiệu trong cuốn sách này. NEW POWER phân thích các mô hình hoạt động, từ các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức nghiên cứu, các cơ quan chính phủ, chiến dịch tranh cử đến các phong trào xã hội hiện đại, với những câu chuyện minh họa giàu cảm hứng nhất về thành công của quyền lực mới (cũng như một số câu chuyện manh tính cảnh báo mạnh mẽ) từ khắp nơi trên thế giới. Quyền lực mới, về cơ bản, là cách thức xây dựng cộng đồng, nuôi dưỡng cộng đồng và tận dụng sức mạnh của công đồng trên cơ sở chia sẻ ngang hàng (peer-to-peer).

Dù cả hai tác giả đều là những con người của Quyền lực mới – Jeremy Heimans là đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Purpose, một công ty chuyên về xây dựng các phong trào xã hội trên khắp thế giới, cũng như là đồng sáng lập của GetUp!, Avaaz và nền tảng All Out…; Herry Timms là giám đốc điều hành của 92nd Street Y, một trung tâm văn hóa và cộng đồng tổ chức các chương trình, phong trào khuyến khích học tập và các hoạt động công dân – nhưng họ vẫn vui lòng chỉ ra những điểm hạn chế của mô hình quyền lực mới này. Hệ thống quyền lực cũ phân cấp và khép kín dựa trên chuyên môn vẫn hữu ích trong nhiều tình huống, rõ ràng bạn sẽ không muốn giao ý tưởng của mình cho một đám đông nghiệp dư. Và vì thế, Heimans và Timms đã dành hẵn một chương riêng để nói về nghệ thuật kết hợp quyền lực.

Liệu rằng “Quyền lực mới cuối cùng sẽ làm nhiều hơn nữa để mang chúng ta lại gần với nhau và xây dựng một thế giới tốt hơn, hay là để chia rẽ chúng ta và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng?” Thời đại kết nối là một cơ hội, cũng là một thách thức cho tất cả các tổ chức, phong trào trên thế giới. Liệu bạn sẽ là người tạo ra và tận dụng cơn bão hay sẽ để cơn bão cuốn đi? Quyền lực mới đang ở trong tay mọi người, hãy sử dụng chúng cho những mục tốt đẹp và cả cả.

Bến Hà