Bí quyết để trở thành phiên bản tuyệt vời nhất của chính bạn

Chú ý: Bài viết này không nói về sự nghiệp của bạn đâu

“Hãy đi theo tiếng gọi của trái tim”. “Hãy làm theo những gì trực giác mách bảo”. “Hãy tìm ra chính con người mình”. “Hãy nói lên tiếng lòng mình”. Chúng ta đều đã nghe đến phát chán những câu động viên này rồi. Mỗi câu đều cố gắng khuyến khích chúng ta sống một cách chân thực nhất với những mong ước, khát khao, giá trị và lý tưởng mà chúng ta có. Tuy nhiên, chúng ta vẫn luôn cảm thấy để làm được những điều đó (hoặc thậm chí chỉ là để hiểu làm những điều đó có ý nghĩa gì) thực sự rất khó khăn và đầy thử thách.

Đầu tiên, “trái tim” hay “tiếng lòng” chính xác là gì? Và hai thứ đó có thực sự là của chúng ta hay không? Giống như bất kỳ giáo viên nào trong một môi trường chất lượng như Yale hay Standford, tôi thấy khá dễ để nhìn ra được môi trường có thể gây ảnh hưởng ra sao tới quan điểm sống của một người. Những học sinh chất lượng cao (hoặc những con người luôn đạt thành tích tốt nói chung) bị ghim chặt vào lối suy nghĩ: “Tôi là những gì mà tôi làm”. Họ cho rằng giá trị con người họ được quyết định đầu tiên và quan trọng nhất bởi “thành quả” trong bất cứ việc gì họ làm. Vậy nên, niềm vui, sự thỏa mãn của họ sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc họ có đạt được phần thưởng hay thực hiện được mục tiêu hay không: được nhận toàn điểm A, khởi nghiệp thành công, được đi thực tập hay là ngồi được vào vị trí lãnh đạo mà họ hằng mong ước? Bạn sẽ sống xứng đáng khi và chỉ khi bạn thành công, có quyền thế, giàu có hoặc có địa vị xã hội.

Rất nhiều học sinh nữ trong lớp tôi đã từng chia sẻ với tôi rằng: thậm chí ngay cả khi họ thực sự muốn lập gia đình thì tất cả những thông điệp mà họ nhận được từ mọi người xung quanh đều là: “Con không thể kết hôn trước tuổi 30 được. Làm vậy sẽ phá hủy sự nghiệp của con mất”. Và cho tới cả lúc họ thừa nhận rằng kết hôn thực sự là điều họ muốn thì cũng chẳng ai coi đó là chuyện gì nghiêm túc. Mặc dù nếu nói về mặt y học thì 20 chính là độ tuổi tốt nhất để sinh con.

Một trong những lý do tôi viết cuốn “Con đường tới hạnh phúc” là vì chúng ta thường bị chìm đắm vào những lý thuyết sai lầm về sự thành công. Và chúng thực ra cũng chẳng dẫn chúng ta đến được với hạnh phúc trường tồn. Thật không may, lối suy nghĩ này đã đem giá trị cá nhân của chúng ta gắn chặt với thành quả sự nghiệp tới nỗi chúng ta luôn thèm muốn được thành công hơn nữa trong cả cuộc đời mình – bởi vì, như các bạn đã biết (từ cả các nghiên cứu khoa học và trải nghiệm cuộc sống), thành quả, giải thưởng, danh dự, vật chất đều chỉ mang lại sự hài lòng trong chốc lát.

Cũng giống như những học sinh xuất sắc trường Ivy League, tâm trí chúng ta đều bị định hướng bởi văn hóa của môi trường mà chúng ta sống – đó có thể là công sở, gia đình, cộng đồng hoặc tôn giáo mà chúng ta đi theo. Chúng ta bị gắn vào những niềm tin có thể hữu ích hoặc không hữu ích – và nhìn nhận thế giới qua lăng kính đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những suy nghĩ, niềm tin đó.

Làm thế nào để cảm thấy “tuyệt vời”?

Tất cả chúng ta đều nỗ lực để thành công, hoặc trở thành một nhân viên tốt, một ông bố/bà mẹ tốt, trong thể thao, giải trí hoặc trong bất cứ lĩnh vực gì chúng ta yêu thích. Nhưng có một điều mà tất cả chúng ta đều không nghĩ tới đó là làm thế nào để cảm thấy tuyệt vời?

Có một ngày, tôi đã thử thay đổi định nghĩa của từ “thành công” trong lớp tôi chủ nhiệm. Tôi hỏi các học sinh: “Hãy kể tên những phẩm chất của một người tuyệt vời nhất mà các em biết”. Những tính từ được nêu ra là: ấm áp, yêu thương, biết quan tâm hoặc biết lắng nghe. Sau đó, tôi lại hỏi: “Liệu các em có thể nhận định người đó là một người thành công và có sức ảnh hưởng tới cuộc đời các em hay không?”. Sự im lặng bao trùm cả lớp. Chúng thậm chí chưa bao giờ nghĩ tới khía cạnh này của “sự thành công”.

Vậy đó không phải là những con người tuyệt vời, những người hào phóng, tốt bụng và khoan dung hay sao? Đó không phải là những người cùng chúng ta đi qua cuộc đời hay sao? Họ ở đó khi chúng ta gục ngã, họ yêu thương trong khi chúng ta vứt bỏ chính bản thân mình, họ quan tâm chúng ta khi không ai làm điều đó, sự đồng cảm của họ giúp chúng ta trở thành những con người tốt đẹp hơn, họ chia sẻ sự tử tế mà chúng ta không thể tìm thấy ở đâu khác. Đó là những con người tuyệt vời, thành công nhất và có sức ảnh hưởng to lớn tới cuộc đời của chúng ta. Còn chúng ta thì vô cùng may mắn khi được gặp họ.

Vậy thì các cuộc nghiên cứu kia chứng minh điều gì? Chúng nói rằng những nguồn vui mà chúng ta tìm kiếm trong cuộc đời này, từ tình dục cho tới tiền bạc sẽ chỉ đem lại cho chúng ta sự hứng thú nhất thời mà thôi. Niềm hạnh phúc dài lâu mà chúng ta khao khát đến từ việc sống một cuộc đời có mục đích, ý nghĩa, đam mê và một tấm lòng vị tha. Hạnh phúc đến từ việc chúng ta hành động vì người khác, giúp đỡ khi chúng ta có thể, yêu thương bất chấp sự khác biệt, giúp cho người khác mỉm cười. Đúng vậy, theo đuổi niềm đam mê, ước mơ và mục tiêu. Tại sao không chứ? Những điều này có thể đem lại cho bạn sự hài lòng và cả ý nghĩa sống. Nhưng hãy khắc ghi cả những điều dẫn bạn tới hạnh phúc sâu thẳm nhất. Bạn cũng đã biết những điều bạn mà sẽ nghĩ tới vào thời khắc trước khi lâm chung rồi đó – một cuộc đời trọn vẹn là khi bạn biết cách trao đi tình yêu thương của mình, và khát vọng lớn nhất mà bạn có là trở thành con người tuyệt vời trong mắt một ai đó.

Như Nguyễn (Dịch từ psychologytoday.com)