Nếu sếp không chú ý đến kết quả công việc của bạn, làm sao bạn có thể được đề bạt? Nếu nhân viên không lắng nghe, làm sao bạn có thể lãnh đạo hiệu quả? Và nếu không thu hút được sự chú ý của khách hàng, làm thế nào bạn duy trì được công việc kinh doanh hay thăng tiến trong sự nghiệp?
Theo Steve Rubel – Giám đốc Chiến lược nội dung của Công ty Quan hệ công chúng Edelman, sự chú ý là thứ tiền tệ giá trị nhất ai đó có thể cho bạn, nó đáng giá hơn cả tiền mặt hay tài sản. Tuy vậy rất ít người hiểu được khía cạnh khoa học đằng sau việc thu hút người khác.
Ben Parr đã dành hai năm nghiên cứu đề tài này. Ông đã tìm hiểu và chắt lọc qua hơn 1.000 nghiên cứu về tâm lý học, thần kinh học, kinh tế và xã hội học; phỏng vấn hàng chục nhà nghiên cứu và lãnh đạo tư tưởng hàng đầu như COO của Facebook Sheryl Sandberg, đạo diễn từng đoạt giải Cành cọ Vàng Steven Soderbergh, và ảo thuật gia lẫy lừng David Copperfield.
Cùng với kinh nghiệm từ thời gian làm việc tại các công ty khởi nghiệp, làm biên tập của Mashable và là nhà đầu tư mạo hiểm, Ben Parr đã viết ra cuốn Captivology: The Science of Capturing People’s Attention (tạm dịch là Nghệ thuật thu hút: Khoa học đằng sau sự chú ý của con người).
Trên trang Harvard Business Review, Ben Parr đã viết về 7 yếu tố giúp lôi kéo sự chú ý của người khác, gồm:
1.Tự động vô thức
Nếu có người bắn súng vào không khí, bạn sẽ quay đầu lại. Nếu cô gái xin đi nhờ xe mặc đồ màu đỏ, cô ấy dễ nhận được sự giúp đỡ hơn. Những tín hiệu về giác quan như thế tự động hướng được sự chú ý của chúng ta. Đó là cơ chế sinh tồn và đảm bảo an toàn giúp chúng ta phản ứng nhanh hơn tư duy của não bộ.
Điều đó không có nghĩa là bạn phải lớn tiếng hơn tất cả mọi người khác và luôn mặc váy hay đi vớ màu đỏ. Nhưng hãy nghĩ đến cách khéo léo sử dụng bản năng của con người để thu hút sự chú ý. Ví dụ như mời một khách hàng quan trọng một ly trà hoặc cà phê nóng. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Science, đồ uống nóng khiến mọi người thân thiện và hào phóng hơn.
2.Hệ thống tham chiếu
Thế giới quan của chúng ta được hình thành từ những trải nghiệm và thành kiến sinh học, xã hội, và cá nhân. Các hệ thống tham chiếu này khiến chúng ta có xu hướng tiếp nhận và lưu ý đến một số ý tưởng này trong khi lại bỏ qua những ý tưởng khác. Để áp dụng điều này, bạn phải thích nghi hoặc thay đổi hệ thống tham chiếu của đối tượng.
Một cách để thay đổi hệ thống này là sử dụng phép lặp lại. Một nghiên cứu kinh điển từ những năm 1970 cho thấy nếu khách thể được nghe đi nghe lại một thông tin (ví dụ “Đội Tulane đã đánh bại đội Columbia trong chung kết Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ đầu tiên”), họ sẽ dần dần tin điều này là sự thật.
Vậy đừng ngại ngần lặp lại một thông điệp nào đó nếu bạn muốn người nghe tin vào điều đó.
3.Phá vỡ giới hạn
Chúng ta chú ý đến bất kỳ điều gì phá vỡ kỳ vọng của mình. Điều này là do con người có nhu cầu bản năng cần xác định một sự việc xảy ra là mối đe dọa hay diễn biến tích cực. Trong giới nghiên cứu, nhu cầu này được biết đến với tên gọi thuyết phá vỡ kỳ vọng.
Điều gì càng mang tính phá vỡ thì càng hấp dẫn. Để gây được sự chú ý của sếp, đồng nghiệp, khách hàng, hãy thử tạo ra những điều ngạc nhiên một cách tích cực: đặt câu hỏi bất ngờ, hoàn thành công việc trước hạn, mời mọi người đi dạo thay vì uống cà phê…
4.Phần thưởng
Nhiều người tin rằng chất dẫn truyền thần kinh dopamine khiến chúng ta cảm nhận được sự vui sướng. Nhưng theo Tiến sĩ Kent Berridge ở Đại học Michigan, dopamine có mối liên hệ với sự mong đợi và động lực.
Dopamine thúc đẩy khao khát “muốn” thức ăn, tình dục, tiền hay các giá trị bên trong như sự hài lòng với bản thân và cảm nhận về mục đích. Viễn cảnh thu nhận được những điều này khiến chúng ta tập trung chú ý.
Trong vai trò là quản lý, mục tiêu của bạn là xác định các yếu tố khuyến khích hấp dẫn nhất đối với nhân viên, đồng nghiệp và sếp, và cố gắng làm rõ các yếu tố này trong trí óc họ.
Phần thưởng có thể sờ được, cảm nhận được, hay đôi khi chỉ mường tượng được có tác động lớn hơn tới sự chú ý của chúng ta. Ví dụ, khi bạn thưởng cho cả nhóm môt chuyến đi nghỉ mát ở xa khi kết thúc một dự án lớn, đừng chỉ thông báo rồi khiến nhân viên rỏ dãi mong chờ.
5.Danh tiếng
Người tiêu dùng luôn đánh giá các chuyên gia là người phát ngôn đáng tin cậy nhất, hơn cả các CEO hay người nổi tiếng. Lý giải khoa học cho điều này: trong một nghiên cứu năm 2009, nhà kinh tế thần kinh học ở Đại học Emory Greg Berns phát hiện thấy trung khu ra quyết định trong não bộ hoạt động chậm lại hoặc thậm chí còn ngừng hoạt động khi chúng ta tiếp nhận lời khuyên của chuyên gia. Đây là hiện tượng Tiến sĩ Robert Cialdini gọi là “tôn trọng có định hướng” (directed deference).
Do vậy, đặc biệt là khi bạn muốn thu hút sự chú ý của những người không biết bạn, hãy mạnh dạn khởi đầu với những thành tích của mình, tạo dựng uy tín bằng kiến thức chuyên môn của mình và dẫn lời những người am hiểu nhất về chủ đề được nói tới.
6.Sự bí ẩn
Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao chúng ta không thể dừng đọc một quyển sách hấp dẫn hay ngừng dán mắt vào màn hình đang chiếu phim truyền hình như Mất tích? Trí nhớ của chúng ta được điều chỉnh để ghi nhớ những câu chuyện và nhiệm vụ không hoàn thiện. Có hẳn thuật ngữ khoa học cho hiện tượng này: hiệu ứng Zeigarnik , đặt theo tên của nhà tâm lý học thời Xô-viết đã phát hiện ra hiệu ứng.
Chúng ta cũng không thích những gì không chắc chắn và sẽ chủ động làm mọi cách để giảm bớt sự không chắc chắn đó. Bạn có thể tận dụng điều này để tạo lợi thế cho mình.
Giả sử như bạn gặp gỡ khách hàng hay ứng viên tiềm năng và muốn gặp lại họ. Hãy kể cho họ một câu chuyện hoặc giao cho mình một nhiệm vụ sẽ làm khi gặp lại họ. Thôi thúc có được sự hoàn thiện sẽ khiến họ trăn trở, và như vậy là bạn đã có được sự chú ý của họ rồi
7.Thừa nhận
Tiến sĩ Thomas de Zengotita, nhà nhân học truyền thông và là tác giả của cuốn sách Mediated, cho rằng sự thừa nhận – nhu cầu được người khác công nhận và cảm thông – là một trong những nhu cầu căn bản của con người.
“Tất cả các loài động vật có vú đều muốn có được sự chú ý, riêng chỉ có loài người cần thêm sự thừa nhận”. Mấu chốt ở đây là cảm giác thuộc về một cộng đồng quan tâm đến chúng ta. Tạo được cảm giác đó cho bất kỳ ai bạn muốn gây sự chú ý, thì người đó sẽ đáp lại bạn.
Những nhân viên, quản lý, và giám đốc làm việc hiệu quả là những người biết áp dụng 7 yếu tố trên để làm nổi bật ý tưởng, dự án hay phòng ban của họ.
Hiểu được khía cạnh khoa học của sự chú ý là điều kiện tiên quyết để thành công trong kỷ nguyên thông tin.