5 loại người độc hại bạn nên loại bỏ khỏi cuộc sống

Kết giao với đúng người tạo nên sự khác biệt giữa hạnh phúc và đau khổ. Chắc hẳn bạn từng nghe câu nói dưới đây:

“Bạn là trung bình cộng của 5 người bạn gặp nhiều nhất.”

Dù muốn hay không, những người xung quanh ta đều ta đều có một tác động nhất định đến cuộc sống của chúng ta. Vậy nên, hãy lựa chọn bạn bè và kết thân một cách thông minh để có được các mối quan hệ lành mạnh và tích cực.

Bởi vì chúng ta chỉ có một quỹ thời gian nhất định để sống một cuộc đời ý nghĩa.

Những người độc hại tựa như đồ uống có ga, họ sẽ hủy hoại ta từng chút một

Thuốc lá hay ma túy sẽ hủy hoại bạn rất nhanh, nhưng những người độc hại thì ngược lại. Khi bạn uống một lon soda, nó sẽ không khiến cho bạn gặp nguy hiểm ngay lập tức, và chắc chắn nó không giết được bạn. Nhưng nếu ngày nào bạn cũng uống một lon soda như thế, đến một lúc bạn sẽ nhận ra sự ảnh hưởng của việc uống nhiều đồ có ga lên sức khỏe của mình.

Tương tự như vậy, những người độc hại từ từ khiến bạn mất dần sức sống. Bạn càng dành nhiều năng lượng với họ, bạn càng cảm thấy mệt mỏi và trống rỗng. Một số người lại tạo ra một tác động tiêu cực lên cuộc sống của bạn, biến bạn thành một người độc hại giống như họ mà chính bạn cũng không nhận ra.

Bạn có thể tận hưởng sự sảng khoái tạm thời khi nốc cạn một lon Coca, nhưng lâu dần thói quen đó có thể khiến bạn bị béo phì hoặc tiểu đường chẳng hạn. Việc quan hệ với các cá nhân độc hại trông rất ổn lúc đầu, nhưng càng về sau, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và bị lạm dụng.

5 loại người độc hại bạn nên tránh bằng mọi giá

Không ai muốn thiết lập một mối quan hệ với mong muốn niềm vui và sức lực của mình bị bòn rút cả. Nếu bạn không để ý, những người độc hại sẽ xâm nhập vào cuộc sống của bạn, họ sẽ sử dụng nguồn năng lượng tinh thần, sự kiên nhẫn và niềm vui của bạn mà bạn không nhận ra.

Chúng ta đều đã gặp những người như thế, và một số trong chúng ta thậm chí có những lúc trở thành những cá nhân độc hại giống như họ. Nếu chúng ta thật sự là trung bình cộng của 5 người mà ta tiếp xúc nhiều nhất, thì dưới đây là 5 loại người mà chúng ta nên tránh tiếp xúc.

  1. Người hay “ngồi lê đôi mách”

Những nhân vật “bà tám” này là một lực lượng quỷ quyệt xuất hiện trong tất cả các tổ chức. Những người này khiến bạn cảm thấy như mình đang được hòa nhập vào với tập thể bằng cách nói cho bạn biết những thông tin tế nhị. Có lẽ họ chỉ có một việc là đi thu thập và kể lại những câu chuyện phiếm về người khác.

Khi một người muốn nói chuyện với bạn về một người thứ ba sau lưng người đó, thì đó chắc chắn là một tình huống độc hại. Việc này không đem lại một tí giá trị nào cả, và nếu một “bà tám” nào muốn nói chuyện với bạn, thì bạn hoàn toàn có thể chắc rằng họ cũng sẽ nói với người khác sau lưng bạn như vậy.

Tại công sở, đây là loại người sẽ dồn bạn vào góc tường trong giờ nghỉ và bắt đầu nói xấu về thái độ làm việc của một đồng nghiệp khác. Khi những người này cảm thấy họ có thể tiếp cận bạn, họ thường có xu hướng lập lại điều này. Còn những người khác khi thấy bạn đang nói chuyện với kẻ “ngồi lê đôi mách”, họ cũng sẽ xếp bạn vào hạng “cùng hội cùng thuyền” với loại người này.

Bạn xem coi mình có nhận được gì từ những cuộc truyện trò như vậy không? Chắc chắn bạn sẽ nhận ra mình chẳng nhận được gì. Mà trái lại, kết thân với những “bà tám” trên còn có thể khiến bạn bị tổn thương. Thử nghĩ xem bạn sẽ cảm thấy ra sao khi biết được có người đang nói xấu sau lưng mình. Hay thử tưởng tượng có ai đó bắt gặp chính bạn đang đi nói xấu người khác xem. Bạn không muốn đời mình trông giống một vở bi hài kịch như vậy đúng không?

  1. Người thích thao túng

Một kẻ thích thao túng người khác biết mình muốn gì và sẽ sử dụng bạn để đạt được điều đó. Họ sẽ không quan tâm đến của xúc hay suy nghĩ của bạn. Bạn càng dành nhiều thời gian của mình cho hạng người này bao nhiêu, thì quyền quyết định số phận của bạn sẽ càng ít đi bấy nhiêu. Chơi với hạng người này lâu, cuối cùng bạn sẽ làm theo bất cứ điều gì họ muốn thay vì đặt bản thân bạn lên trên hết.

Mặc dù hầu hết chúng ta đều không hành động mà không có một mục đích nào, nhưng những kẻ thao túng sẽ quyết tâm đạt được mục dích của mình bằng cách làm hại người khác xung quanh họ. Có rất nhiều hình thức để thao túng, cách cổ điển nhất là thông qua lòng thương hại của đối phương.

Lấy ví dụ, tôi có một người bạn đang ở trong một mối quan hệ độc hại. Bạn gái của anh này thích kiểm soát và chì chiết bạn trai mình, cứ mỗi lần anh ấy muốn thoát ra khỏi mối quan hệ này,  cô bạn gái lại thao túng anh ta ở lại. Mỗi lần anh ấy muốn chia tay, người bạn gái giả bệnh nặng để khiến anh ấy thương hại cô. Bởi vì anh bạn tôi khá tốt bụng, nên anh ta chọn ở lại để giúp cô gái kia cảm thấy khỏe hơn.

  1. Người thích phán xét

Nhiều nền văn hóa tập trung vào sự xấu hổ, và những người thích phán xét đã tận dụng cảm giác khó chịu của chúng ta về cảm xúc này để đánh cắp năng lượng của bạn. Bất kể bạn làm gì, nghĩ gì nay nói gì, hạng người này sẽ luôn luôn chỉ trích bạn.

Họ sẽ không bao giờ đặt mình vào vị trí của bạn. Điều họ quan tâm duy nhất chính là điều bạn đã làm hay không làm. Càng dành thời gian nhiều với những “người phán xử”, bạn sẽ càng cảm thấy chán nản. Bạn sẽ không bao giờ khiến họ vui, và nếu ý kiến của họ về bạn đụng chạm đến lòng tự trọng của bạn, bạn sẽ bị nhấn chìm trong đau khổ. Khi bạn đối đầu với một người hay phán xét, bạn sẽ luôn nhận được sự chỉ trích.

Tôi có một người bạn kết hôn với một doanh nhân chăm chỉ. Vị doanh nhân này yêu vợ mình hết mực. Thật không may, người vợ của anh lại là một ví dụ hoàn hảo cho hình mẫu “người phán xử.” Bình thường, anh chàng doanh nhân hay phải đi công tác xa nhà. Người vợ đổ lỗi và tức giận với anh chồng vì anh xa nhà quá lâu, bất chấp đó là yêu cầu công việc của anh.  Cho dù anh chồng có cố gắng trả tiền thuê nhà, giúp hai vợ chồng được an toàn và có một cuộc sống thoải mái thì điều này cũng không có ý nghĩa gì. Cho dù anh đã cố gắng làm cho cô hạnh phúc như thế nào đi chăng nữa, thì cô ấy vẫn đắm chìm trong việc bới lông tìm vết để đánh giá chồng mình.

  1. Người thích làm quá

Người thích làm quá thường thích việc bé xé ra to. Những người này thường nói những câu đại loại như: “Bạn chẳng bao giờ làm cái này…” hay “Bạn lúc nào cũng…” Họ không dành thời gian để xem coi bạn đã làm gì để xử lý vấn đề hay sửa những lỗi bạn gây ra. Thử làm sai một điều gì trước mặt kẻ làm quá xem, bạn sẽ bị dán nhãn bằng chính lỗi lầm hay sai sót mà bạn vừa gây ra. Đối với một người thích làm quá, mọi thứ đều giống như ngày tận thế vậy.

Tưởng tượng bạn đang trong một nhóm, và bạn đang lên kế hoạch một bài thuyết trình lớn. Bạn được chỉ định thực hiện một phần bài thuyết trình, nhưng đột nhiên một thành viên trong gia đình bạn đổ bệnh và phải đi bệnh viện. Điều này khiến bạn trễ hạn nộp phần bài của mình cho nhóm, nhưng vẫn còn hơn một tuần nữa mới tới ngày thuyết trình chính thức.

Hầu hết các thành viên đều hiểu được tình cảnh khó khăn của bạn, thậm chí một số còn đề nghị giúp bạn hoàn thành công việc trong hoàn cảnh áp lực đó. Nhưng, kẻ thích làm quá không nghĩ vậy. Họ sẽ thấy điều này là một sự thiết sót ghê gớm thể hiện sự thiếu cống hiến của bạn đối với nhóm. Họ thậm chí còn tiếp tục treo cái lỗi này trên đầu bạn một thời gian dài sau khi bài thuyết trình kết thúc.

  1. Người thích bộc lộ cảm xúc

Khả năng bộc lộ cảm xúc vừa đủ rất đáng giá trong các mối quan hệ, nhưng đôi khi một số người lại đẩy nó đi quá xa. Những người thích bộc lộ cảm xúc thích nói về cảm xúc, nhưng họ chẳng bao giờ làm điều này với mong muốn xây dựng. Đây là kiểu người lúc nào cũng nói với bạn rằng mọi thứ xung quanh khiến họ thấy tệ ra sao, nhưng không bao giờ hành động để cải thiện tình hình tồi tệ đó.

Ta rất dễ rơi vào cái bẫy chỉ biết nói mà không biết hành động. Nếu bạn tiếp xúc với một người thích thể hiện cảm xúc, không sớm thì muộn bạn cũng sẽ trở nên giống như họ. Những người như vậy thường bị cuốn vào cuộc tranh luận cảm xúc và mất đi khả năng giải quyết vấn đề của chính mình. Đây chắc chắn không phải là một cách sống hiệu quả và lành mạnh.

Những người thích bộc lộ cảm xúc đến với bạn và mang theo một vấn đề cá nhân cần phải giải quyết. Họ sẽ kể cho bạn nghe về mối quan hệ tồi tệ của họ, kể về người sếp xấu tính, nhưng họ lại không sẵn sàng làm điều gì để xử lý những chuyện đó. Họ không cắt đứt quan hệ với người khiến họ đau khổ, họ cũng không chịu tìm một công việc mới.

Bất kỳ lời đề nghị nào bạn đưa ra nhằm cải thiện cuộc sống của họ đều bị khước từ. “Tôi không thể…” và “Tôi đã thử cách đó rồi…” là những câu nói mặc định mà loại người này trả lời bạn mỗi khi bạn thách thức họ đối mặt với khó khăn trước mắt.

Khi bạn cho phép những người này bước vào cuộc sống mình, cũng là lúc bạn cho phép mình trải qua sự buồn phiền, chán nản và mệt mỏi về mặt cảm xúc. Bạn sẽ cảm thấy khó khăn để loại bỏ những người này ra khỏi cuộc đời mình, nhưng họ đang có ảnh hưởng tiêu cực lên bạn nên bạn phải hành động.

Thời gian và năng lượng của bạn là hữu hạn, hãy dành chúng cho những điều có ích đối với cuộc đời mình. Đừng để những người độc hại đánh cắp mất tiềm năng của chính bạn.

Đỗ Duy (theo Lifehack.org)