Platform Talks – Xây dựng nền tảng kết nối: Dễ hay khó?-Phần 1

Vài điều hay ho đúc kết tại “Platform Talks – Xây dựng nền tảng kết nối: Dễ hay khó?”

Chương trình có sự chia sẻ của 3 anh chị đã đang xây dựng 3 Platform ở 3 mảng khác nhau:

– Quảng cáo – Lê Mai Tùng – Founder của sharecarforads.com

– Giáo dục – Nguyễn Trọng Thơ – Founder của Unica.vn

– Việc làm – Phạm Lan Khanh – Founder của freelancerviet.vn

Trong ba nền tảng này, thì mình thích và hứng thú là chỗ Share Car For Ads, thật ra với anh này, mình đã để ý từ lâu. Đó là trên các xe của đối tác ứng dụng công nghệ kết nối có dán các quảng cáo, và phía sau xe của đối tác hiện có dán chữ logo “Share Car For Ads”. Thật ra thị trường quảng cáo ngoài trời, trên các xe buýt, xe taxi chỉ mới nở rộ trong một vài năm trở lại đây với sự thông thoáng của loại hình quảng cáo này về mặt luật định. Trước đây và hiện tại đã có nhiều loại quảng cáo được dán trên xe bus hay xe taxi của Mai Linh, Vinasun. Và giờ đây, với sự phát triển của loại xe công nghệ, thì việc dán quảng cáo trên cánh của xe đối tác, như là một cách hữu hiệu và chi phí phù hợp để tiếp cận khách hàng của các thương hiệu, nhãn hàng.

Sự gia nhập của Share Car For Ads vào ngành quảng cáo ngoài trời này, theo sự chia sẻ của anh Tùng, thì có sự khác biệt và phá vỡ cách nghĩ cũ về cách thức vận hành của hình thức quảng cáo này. Đó là việc trước đây, khi quảng cáo dán trên xe, hay ngoài trời, bạn không thể hoặc rất khó để đánh giá được hiệu quả thật sự của việc quảng cáo này sẽ hiệu quả ra sao về mặt định lượng. Chúng ta cứ nói, cứ quan niệm, xe cứ chạy ngoài đường, thì sẽ có nhiều người nhìn thấy, nhưng hiệu quả ra sao, chúng ta có cách nào để đánh giá hay chưa? Bao nhiêu nguồn khách đến từ việc họ nhìn thấy quảng cáo đó trên xe. Với sự phát triển của công nghệ, và sự lệ thuộc quá đỗi của chúng ta vào smartphone, sự thịnh vượng của internet với sóng 3G, 4G thì việc đánh giá và đưa một nền tảng vào việc đánh giá hiệu quả các miếng dán quảng cáo trên xe đã được định lượng hoá. Theo sự chia sẻ ví von của anh Tùng: việc nảy ra Model kinh doanh cũng như một nền tảng này cũng khá bất ngờ, từ đơn đặt hàng dán mẫu quảng cáo của thương hiệu Hoa yêu thương trên 100 đối tác xe công nghệ chạy từ TP.HCM xuống Biên Hoà (thật sự là chỉ có đặt 10 xe), Anh Tùng đã có một model kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ, mà đó thật sự là thế mạnh của anh. Với sự thất bại của Pink Bike (ứng dụng kết nối đi phượt, sau chuyển sang muốn cạnh tranh với Grabbike nhưng không thành công) trước đây, anh cùng cộng sự đã làm, bản thân Anh đã xây dựng một nền tảng, mà qua đó, với việc dán miếng quảng cáo vô tri trên xe, thông qua hệ thống chip được đặt trên xe và app mobile có thể nắm được thông số về việc khu vực nào khi xe đối tác chạy, có bao nhiêu khách hàng được tiếp cận, lên xe và nhìn thấy quảng cáo được dán trên xe, đồng thời còn nắm được, 1 ngày, quảng cáo ấy trên xe được chạy bao nhiêu km, và miếng quảng cáo có còn được nguyên vẹn trên xe hay không qua mobile app, 2 tuần đối tác phải chụp và cập nhật vào hệ thống.

Chia sẻ của anh về nền tảng Pink Bike mà anh đã từng thất bại, anh nói đó như là một :”Super Stupid” trong việc tạo model kinh doanh của cá nhân khi mà quá tự tin về nền tảng, về việc “team rất gấu về công nghệ”. Bởi lẽ, Pink Bike theo anh chia sẻ, nguyên nhân bị fail là việc người dùng chưa đủ hệ sinh thái, chưa đủ lớn và nhất là người dùng có khả năng hay chịu chi trả cho nền tảng của bạn hay không? Vì xét cho cùng, khi xây nên một nền tảng, thì ngoài việc bạn có được ý tưởng tốt, thì việc có được sự “khớp nhau” giữa “Demand” và “Supply” là điều sống còn cho nền tảng ấy. Không thể nào, bạn tạo ra một nền tảng siêu bựa và bạn cho là tốt nhất, và nghĩ rằng, cái gì tốt nhất thì sẽ có người dùng. Quan điểm đó hoàn toàn sai làm và ngu xuẩn – theo anh Tùng chia sẻ. Và với việc, sau đó nền tảng ấy, có được người dùng chấp nhận, quay lại sử dụng thường xuyên một cách tự nguyện hay không? Lại là một bài toán đưa ra cho người làm Business, chứ không thể ngây thơ như một người lập trình, viết code được.

Qua những chia sẻ hết sức nóng của anh, mình cảm nhận rằng, đôi khi việc xây dựng một nền tảng cho 1 mô hình kinh doanh nào đó, nói tuy dễ, làm tuy khó, nhưng thật sự ra, chỉ khi nào trải qua, kinh qua những “điểm chạm” và những thất bại đắng lòng, thì khi đó mới biết được đâu là dễ là khó. Mà chắc nếu dễ, ai cũng làm hết và thế giới này không còn gì để làm rồi.

Buổi chia sẻ chỉ vỏn vẹn có hơn 2 tiếng, nhưng có quá nhiều thú vị cần chia sẻ, và đầy kịch tính, thôi thì, mình xin khép lại phần 1 tại đây, còn 2 phần của 2 anh chị kia, mai viết tiếp cho mọi người xem vậy.

Hi vọng rằng, những chia sẻ này sẽ giúp ích được cho mọi người.

Trương Hồng Hà