Chúng ta đang sống trong một xã hội mà dường như mọi người đều mắc chung một căn bệnh, đó là “bệnh thành tích”. Căn bệnh này đã, đang phát triển và lây lan nhanh đến độ mà bất cứ ai chỉ cần có 1 thành tựu đáng chú ý một chút liền được ca tụng và gián mác là người giỏi giang. Họ được miêu tả như thể những thiên tài. Bình sinh đã sở hữu tài năng thiên bẩm rồi. Ví như một cô diễn viên vừa đạt giải thưởng diễn viên xuất sắc hay một anh bạn nào đó vừa thành công trong lĩnh vực kinh doanh.
Dư luận thường không quan tâm đến những gì người thành công phải trải qua để có được những thành tựu.Thứ mà chúng ta quan tâm chỉ là kết quả cuối cùng. Chúng ta không ngừng ca ngợi những thành tích mà người khác đạt được. Nào là tác giả một cuốn tiểu thuyết đạt bestseller, nào là một công ty đạt giá trị cao trên thương trường…Và quan trọng nhất chúng ta luôn cho rằng thành công mà họ đạt được tất cả là nhờ vào những tài năng bẩm sinh. Thế nhưng liệu chúng ta đã có một cái nhìn đúng đắn chưa?
Chìa khóa thành công chính là sự chăm chỉ.
Khi bạn nhìn thấy những người thành công đôi khi bạn sẽ nhầm tưởng rằng thành công của họ được là do tài năng bẩm sinh nhưng thực tế phần nhiều tạo lên thành công lại đến sự tự cố gắng, nỗ lực của bản thân họ.
Và có hàng ngàn ví dụ để chứng minh cho điều đó. Hãy xem huyền thoại bóng rổ người Mỹ Michael Jordan, anh ấy đã từng bị đuổi khỏi đội bóng chuyền của trường cấp ba, nhưng bây giờ anh ấy đã trở thành một trong những cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại. Hay người tiên phong trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình Walt Disney. Ông đã nhận được những lời phê bình kiểu như: ý tưởng không có gì độc đáo hay thiếu sự sáng tạo từ phía các nhà báo. Thậm chí Oprah Winfrey đã từng khuyên ông rằng ông không phù hợp với lĩnh vực này.
Hai ví dụ trên chỉ là dẫn chứng trong hàn ngàn dẫn chứng để chứng minh cho một sự thật rằng: Không phải người thành công nào cũng có tài năng thiên bẩm, tất cả những gì họ đạt được là nhờ sự nỗ lực, kiên nhẫn và chăm chỉ làm việc.
Sức mạnh của những nhãn dán.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ai đó nhận được vô số lời khen ngợi? Dù ít hay nhiều tôi tin chắc phần nào học sẽ cảm thấy tự mãn với những gì mình đạt được, và vì tự mãn họ sẽ đánh mất đi tinh thần chiến đấu, mất đi ý chí và quyết tâm để tự giúp mình tiến bộ. Ví dụ nếu một đứa trẻ đã quen với việc nhận được những lời khen kiểu như mình là một đứa thông minh, là một thần đồng…từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông nay bước sang giảng đường đại học, khó tránh khỏi việc chủ quan không biết nỗ lực để bước tiếp. Bởi lẽ chúng sẽ luôn có suy nghĩ mình đã giỏi rồi, vì giỏi nên mình chẳng cần cố gắng thì mình cũng sẽ là người đứng đầu. Vì thế mà chúng sẽ bị shock bởi một sự thật rằng: đại học là một đường đua khốc liệt và bạn chỉ có thể giữ vững vị trí của mình trong đường đua ấy khi bạn cố gắng hết mình.
Còn những con người luôn bị dán mác là “bất tài”, “vô dụng” thì sao? Lẽ dĩ nhiên những nhãn dán như vậy sẽ làm người bị dán mác mất đi tinh thần chiến đấu, khi ấy niềm tin vào bản thân mình sẽ bị lung lay, vì thế mà mất đi cả tinh thần can đảm để chiến đấu cho ước mơ của mình. Ví như một người ghi danh vào lớp học mỹ thuật khi đã 30, 40 tuổi để học tập, thế nhưng lại được người giáo viên nhận xét là” không có năng khiếu”, lẽ thường tình họ sẽ cảm thấy thất vọng và chán nản. Đặc biệt khi họ đã phải vượt qua biết bao rào cản để có thể ghi danh đi học, để có thể sống với đam mê và khát khao của bản thân mình. Và biết đâu, chỉ vì một lời nhận xét như thế, xã hội sẽ mất đi một họa sỹ tuyệt vời.
Khi bạn gọi ai đó là thiên tài đồng nghĩa với việc bạn đang không tôn trọng họ. Nó đồng nghĩa với bạn đang đánh đồng mọi nỗ lực, gian lao, khổ nhọc làm việc chăm chỉ của họ bằng một con số không tròn trĩnh. Không chỉ có thế, coi người khác là thiên tài cũng đồng nghĩa với việc tự cho phép bản thân bạn buông xuôi. Vì nếu thành công chỉ dành cho những thiên tài mà bạn thì vốn không có tài năng bẩm sinh, vậy thì bạn còn phải cố gắng làm gì…
Tóm lại việc dán nhãn cho ai đó là thiên tài hay thần đồng là một việc không nên. Bởi vì vốn dĩ nó không phải một lời khen đúng nghĩa.
Làm thế nào để có thể làm chủ sức mạnh từ bên trong bạn?
Tất cả chúng ta sinh ra đều có một khối não và một sức mạnh như nhau. Thành công sẽ đến khi ta biết rèn luyện để biến sức mạnh ấy thành năng lượng, thành chìa khóa để đạt được những thành tựu. Sau đây là gợi ý để bạn có thể khám phá những khả năng tiềm tàng cũng như rèn luyện bản thân.
Đầu tiên hãy tự hỏi, đam mê của bạn là gì?
Những lúc rảnh rỗi bạn thường làm gì? Vấn đề nào là vấn đề bạn thực sự quan tâm? Điều gì thực sự khiến bạn tự hào? Công việc tương lai bạn muốn theo đuổi là gì? Nếu bây giờ bạn chưa có câu trả lời chắc chắn cho những câu hỏi nêu trên, thì tôi khuyên bạn nên xem lại bản thân mình. Một gợi ý nho nhỏ là hãy thử tìm kiếm thêm vài sở thích mới, đầu tư thời gian cho những thứ mà trước nay bạn chưa từng nghĩ tới.
Làm việc thật tích cực.
Ví dụ nếu bạn nhận ra bạn yêu thích vẽ tranh và muốn trở thành một người họa sỹ thực thụ, hãy tìm những nguồn thông tin và kiến thức bổ ích cho mình bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông. Hoặc bạn cũng có thể tham gia vào các lớp đào tạo, tìm một người thầy chuyên sâu để theo học…Tóm lại, bạn làm gì cũng được, miễn là chúng nằm trong tầm kiểm soát và giúp ích trong việc tìm hiểu kiến thức và rèn luyện kỹ năng của bản thân bạn. Hãy đi từ từ, học từ những điều cơ bản nhất, không chỉ lý thuyết mà còn thực hành nữa. Thực hành mới thực sự là yếu tố quan trọng. Nhớ rằng “Trăm hay không bằng tay quen”.
Giữ vững lòng quyết tâm và sự kiên định.
Hãy lắng nghe những lời nhận xét dù tốt hay xấu, dù là chỉ trích hay khen ngợi từ những người xung quanh bạn. Người thành công là người không bao giờ dừng học hỏi. Người thành công là người dám chấp nhận và coi trọng những lời phê bình có giá trị. Và hãy nhớ rằng bạn vẫn cần phải đang cố gắng, bạn vẫn cần phải tự hoàn thiện mình, và quan trọng nhất đừng bao giờ dừng làm việc. Vấn đề không phải rằng bạn có tài năng thiên bẩm hay không mà vấn đề là ở chỗ bạn đã nỗ lực cố gắng hết mình chưa?
Ghì chặt lấy mục tiêu và tin vào chính bản thân mình.
Lúc bạn nhận ra rằng chăm chỉ là chìa khóa của thành công tôi tin chắc rằng bạn sẽ vững tin để theo đuổi ước mơ của mình. Thế nhưng nếu một ai đó nói với bạn rằng bạn thật bất tài vì bạn không có tài năng thiên bẩm hay điều gì nổi trội cả? Lúc này bạn sẽ xử lý ra sao? Hãy chọn im lặng. Hãy chọn tin tưởng vào bản thân bạn. Hãy dùng hành động để chứng minh. Và quan trọng nhất hãy vượt qua chính mình. Nếu bạn làm được những điều ấy tôi tin chắc, thành công chắc chắn sẽ đến với bạn, dù trước hay sau. Và sau này nếu ai đó gọi bạn là thiên tài hãy tự nhắc mình điều gì đã khiến bạn đi đến được ngày hôm nay.
Tuyết Mai (theo nguồn lifehack.org)