Những mùa trao giải thưởng từ năm này sang năm khác, nhà sản xuất phim Harvey Weinstein đã thống trị Hollywood như một vị thần.
Trên thực tế, từ năm 1966 đến năm 2016, ông thực sự được so sánh với Đức Chúa Trời vì tổng số lần mọi người cảm ơn ông trong các bài phát biểu nhận thưởng vào đêm Oscar – 34 lần. Các bộ phim của ông thu hút hơn 300 đề cử Oscar. Nữ hoàng phong tặng cho ông danh hiệu Tư lệnh danh dự của Vương Quốc Anh.
Weinstein đã tích trữ quyền lực và sử dụng nó như một loại tiền tệ để duy trì vị trí danh dự của mình: ông có quyền sinh sát một ngôi sao, ông cũng có quyền lực cá nhân đủ mạnh để có thể bật đèn xanh cho một dự án hoặc cũng có thể nhấn chìm nó. Ông ta đem đến vận may cho toàn bộ ngành điện ảnh – và bù lại, ngành này cũng đã bảo vệ ông ngay cả khi ông bị cáo buộc quấy rối và tấn công tình dục trong suốt vài thập kỷ. Ông đã kiểm soát được phương tiện truyền thông bằng cách phát triển mối quan hệ thân tình, đôi bên cùng có lợi, dựa trên sự giúp đỡ và quyền tiếp cận mà ông cung cấp. Ông ta thậm chí còn giành được giải thưởng “Người nói sự thật” của câu lạc bộ truyền thông Los Angeles vào năm 2017.
Ông ta tự mình chống lại bất kỳ một đội luật sư nào, bằng việc trừng phạt các vi phạm “những thỏa thuận không được tiếc lộ” đối với những người làm việc với ông ta, và nếu cần thiết, ông ta sẽ hối lộ cả những người tố cáo. Ông thậm chí còn thuê các công ty an ninh tư nhân – đội ngũ nhân viên từng làm điệp viên – để đào bới thông tin về những người phụ nữ và các nhà báo đã cáo buộc chống lại ông ta. Những người phụ nữ từng bị ông ta làm hại hầu như đều im lặng từ bỏ, để thoát khỏi nỗi lo lắng thực sự về những hậu quả cho sự nghiệp về sau của mình, trong khi những người đàn ông có thể đã đứng lên, thì lại tránh sang một bên và không làm gì cả, họ không muốn dành sức lực của mình cho cuộc chiến này.
Nếu Harvey Weinstein và hệ thống khép kín, phân cấp đó đã đưa ông lên, kể cho chúng ta nghe một câu chuyện quen thuộc về quyền lực cũ, thì sự thất bại sau đó của Weinstein và đặc biệt là những gì đã xảy ra tiếp theo, sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về cách thức hoạt động của quyền lực mới, và tại sao nó lại có tầm ảnh hưởng đến như vậy.
Trong những ngày sau khi tin tức về những câu chuyện của Weinstein và những người tố cáo ông ta nổ ra, nữ diễn viên Alyssa Milano đã khởi động hashtag #MeToo để khuyến khích những người phụ nữ kể ra câu chuyện của họ về vấn đề quấy rối và tấn công tình dục trên Twitter. Nữ nghệ sĩ Terri Conn đã chú ý đến phong trào này. Ở độ tuổi hai mươi, cô được biết đến là một nữ diễn viên mới nổi với vai diễn trong một chương trình truyền hình nhiều tập. Đạo diễn James Toback đã tiếp cận Conn và hẹn gặp nhau tại công viên Trung tâm để trao đổi về một tập phim. Và tại đó, ông ta đã tấn công cô, theo như lời kể của cô với kênh truyền hình CNN.
Cô đã chôn giấu ký ức đó trong nhiều năm. Nhưng khi vụ việc của Harvey Weinstein gây được sự chú ý và sự nổi lên của phong trào #MeToo, những ký ức đó lại trỗi dậy. Cô đã bàn bạc với chồng mình, và cuối cùng cô bắt tay vào hành động. Cô khởi động bằng cách tìm kiếm trên Twitter những người phụ nữ đã sử dụng cả hai hashtag là #MeToo và #JamesToback. Cô tìm thấy những người khác có câu chuyện đáng sợ gần giống với câu chuyện của mình. Họ cùng nhau thành lập một nhóm Twitter riêng tư để hỗ trợ lẫn nhau và tìm kiếm những nạn nhân khác. Các thành viên của nhóm này sau đó cung cấp câu chuyện của họ cho một nhà báo của Los Angeles Times. Chỉ trong vòng vài ngày kể từ khi bài viết được xuất bản, hơn ba trăm phụ nữ đã đứng lên với những câu chuyện của chính họ về Toback.
Chiến dịch của Conn là một trong nhiều chiến dịch như vậy. Gần một triệu mẩu tin tweet đã sử dụng hashtag #MeToo trong 48 giờ. Chỉ trong một ngày, 12 triệu bình luận, bài đăng và phản hồi trên Facebook đã được ghi lại.
Phong trào #MeToo lan rộng trên toàn thế giới như một dòng chảy, các cộng đồng khác đã biến đổi nó để thích ứng với các mục tiêu của riêng họ. Ở Pháp, nó trở thành phong trào #BalanceTonPorc (Tố Giác Kẻ Phạm Tội), một chiến dịch nhằm phơi bày và vạch trần những kẻ quấy rối. Ở Ý, phụ nữ kể lại câu chuyện của họ dưới biểu ngữ #QuellaVoltaChe (Khoảng Thời Gian Mà…). Và phong trào này chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Các thành viên của Quốc hội tiết lộ rằng họ cũng bị quấy rối bởi các đồng nghiệp nam. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh bị buộc phải từ chức. Nghị viện châu Âu cũng từng có phong trào #MeToo của họ. Các vị lãnh đạo doanh nghiệp bị phơi bày và lật đổ. Các cuộc biểu tình nổ ra ngoài đường phố tại các thành phố trên khắp thế giới, từ Paris đến Vancouver. Ấn Độ đã tranh luận về nỗ lực vạch trần hành vi tội ác của các vị giáo sư nổi tiếng. Một bài báo đăng trên China Daily trước đây từng cho rằng quấy rối và tấn công ở nơi làm việc chỉ là các vấn đề của phương Tây, đã thay đổi quan điểm của mình sau làn sóng tố cáo trực tuyến này.
Không ai là người dẫn đầu trong phong trào này cả, và không ai biết rõ trong tương lai nó sẽ đi về đâu. #MeToo ra đời từ một thập kỷ trước, được biết đến như là công việc của nhà hoạt động tiên phong – Tarana Burke, người đã khuyến khích những phụ nữ da màu từng bị tấn công tình dục chia sẻ trải nghiệm này với những nạn nhân khác. Tuy nhiên, giờ đây phong trào này là vô chủ, và đây cũng là nguồn gốc về sức mạnh của nó. Tất cả mọi người, từ các nhà thiết kế táo bạo – những người tạo ra đồ trang sức “MeToo” – cho đến các chính trị gia đầy tham vọng đã liên kết với #MeToo để tìm kiếm cách thức truyền tải năng lượng của nó.
Điều nổi bật nhất về phong trào #MeToo là ý thức về sức mạnh mà nó trao cho những người tham gia: rất nhiều người từng cảm thấy bất lực trong nhiều năm liền trong việc ngăn chặn những kẻ lạm dụng có thâm niên, hoặc từng lo sợ bị trừng phạt, đột nhiên tìm thấy được sự can đảm để đứng lên chống lại chúng. Câu chuyện của mỗi cá nhân được nhân rộng bởi sự gia tăng của một dòng chảy lớn mạnh. Trên thực tế, mỗi một hành động dũng cảm của từng cá nhân được tạo ra bởi nhiều người.
Huỳnh Hữu Tài (Trích từ sách New Power-Quyền Lực Mới)