10 quy tắc của người biết lắng nghe

Một người biết lắng nghe sẽ không chỉ lắng nghe điều được nhắc tới mà còn biết lắng nghe cả những điều không được nhắc tới hoặc chỉ một phần điều được nói ra.

Vậy nên kỹ năng lắng nghe tốt bao gồm cả việc quan sát ngôn ngữ cơ thể và sự chú ý tới điểm bất nhất giữa thông điệp từ lời nói và thông điệp phi lời nói cũng như những điều đang được nói tại bất cứ thời điểm nào.

Ví dụ, nếu ai đó nói với bạn rằng họ đang sống hạnh phúc nhưng thông qua hành động nghiến răng hoặc chảy nước mắt thì bạn có thể thấy sự bất nhất giữa thông điệp từ lời nói và thông điệp từ ngôn ngữ cơ thể.

Vì vậy lắng nghe còn là việc sử dụng đôi mắt chứ không phải chỉ sử dụng đôi tai. Có 10 quy tắc của một người lắng nghe tốt.

10 quy tắc lắng nghe hiệu quả:

1. Ngừng nói

Đừng nói, hãy lắng nghe

“Nếu chúng ta phải nói nhiều hơn nghe, thì chúng ta đã có hai cái lưỡi và chỉ một cái tai.”

_Mark Twain_

Khi một ai đó nói với bạn rằng hãy lắng nghe họ nói, thì đừng ngắt lời họ, đừng nói leo hay tự kết thúc câu nói của họ. Hãy dừng lại, chỉ lắng nghe thôi.

Khi người khác đã nói xong, bạn có thể cần phải làm rõ để chắc rằng mình đã nắm được thông điệp của họ một cách chính xác.

2. Chuẩn bị để lắng nghe

Thư giãn

Hãy tập trung vào người đang nói chuyện với bạn. Đặt những thứ khác ra ngoài tâm trí của bạn. Tâm trí của con người thường dễ bị phân tâm bởi những suy nghĩ khác – ăn gì trưa nay, mấy giờ cần đi để kịp chuyến tàu, trời có mưa không – hãy đặt những suy nghĩ gây phân tâm ra khỏi tâm trí và tập trung vào thông điệp đang được giao tiếp.

3. Để người nghe cảm thấy thoải mái

Hãy giúp người nghe cảm thấy thoải mái khi nói

Hãy nhớ điều họ cần và điều họ quan tâm. Gật đầu hoặc sử dụng các cử chỉ hay lời nói khác để khuyến khích họ tiếp tục nói.

Duy trì sự giao tiếp bằng mắt nhưng đừng nhìn chằm chằm vào họ – điều này cho thấy bạn đang lắng nghe và hiểu những gì họ đang nói.

4. Loại bỏ sự phân tâm

Tập trung và điều đang được nói tới.

Đừng ngồi vẽ nguệch ngoạc, vo giấy, nhìn ra cửa sổ, cắn móng tay hay làm việc khác tương tự vậy. Cần tránh những gián đoạn không cần thiết trong khi người khác đang nói. Những hành vi trên sẽ làm gián đoạn quá trình nghe và truyền thông điệp tới người nói rằng bạn đang chán hoặc đang bị phân tâm.

5. Thông cảm

Hãy cố gắng nhìn theo quan điểm của người khác.

Hãy xem xét vấn đề từ quan điểm của người nói. Hãy bỏ đi những định kiến. Với suy nghĩ cởi mở, chúng ta có thể cảm thông với người khác một cách trọn vẹn hơn. Khi người khác nói điều mà bạn không đồng ý, thì hãy đợi họ nói xong rồi nêu lên lập luận để phản biện nhưng phải giữ suy nghĩ cởi mở với quan điểm và ý kiến của người khác.

Xem bài viết sau: Cảm thông là gì?

6. Kiên nhẫn

Tạm dừng, thậm chí là tạm dừng một lúc lâu không có nghĩa là người nói đã nói xong.

Kiên nhẫn và để người nói tiếp tục nói, đôi khi người nói cần thời gian để hệ thống lại điều mình muốn nói và cách diễn đạt. Đừng cắt ngang lời hoặc nói thay lời kết của họ.

Bài viết về Kiên nhẫn

7. Tránh định kiến cá nhân

Hãy cố gắng công bằng

Đừng trở nên cáu kỉnh và đừng để thói quen và phong cách riêng của người khác làm bạn rối trí với những điều người nói đang thực sự nói tới.

Mỗi người đều có cách nói khác nhau – một vài người thường ngại ngùng và e dè hơn người khác, một vài người có giọng địa phương hoặc có những cử động tay nhiều hơn bình thường, một số người thích vừa đi vừa nói – người khác thì thích ngồi nói.

Tập trung vào điều đang được nói và cố gắng loại bỏ những phong cách nói chuyện.

8. Lắng nghe giọng điệu

Âm lượng và giọng điệu đều được thể hiện khi người khác đang nói.

Một người nói hay sẽ sử dụng cả âm lượng và giọng điệu để giúp người nghe chú ý hơn, mọi người sẽ sử dụng cao độ, giọng điệu và âm lượng của giọng nói trong một số hoàn cảnh nhất định – hãy để những điều này giúp bạn hiểu điều người khác nhấn mạnh.

Bài viết: Nói chuyện hiệu quả

9. Lắng nghe quan niệm – không chỉ từ ngữ

Bạn cần nhìn toàn cảnh bức tranh chứ không phải chỉ những mảnh ghép riêng lẻ.

Có thể một trong những vấn đề lớn nhất của việc lắng nghe là khả năng liên kết các mẩu thông tin để tìm ra quan niệm của người khác.

Khi bạn tập trung, loại bỏ những điều xao nhãng, điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn.

10. Đợi và theo dõi giao tiếp phi ngôn ngữ

Cử chỉ, nét mặt, cử động mắt có thể là những điều quan trọng nhất.

Chúng ta không chỉ lắng nghe bằng tai mà còn lắng nghe bằng mắt – theo dõi và nhận các thông tin bổ sung được truyền tải thông qua giao tiếp phi ngôn ngữ.

Bài viết: Giao tiếp phi ngôn ngữ

Vàng Anh (Theo Skillyouneed.com)