Giá như tôi biết 5 điều này khi bắt đầu học ngôn ngữ.

Chúng ta đều phạm sai lầm.

Hơn 20 năm học ngôn ngữ, tôi đã chia sẻ những sai lầm đó với mọi người. Giống như việc học một ngôn ngữ là một quá trình, học cách học ngôn ngữ cũng là một quá trình.

Nói chung, chẳng có đường tắt nào cho quá trình này hết. Bạn chỉ có thể tiến bộ theo thời gian, bằng sự nỗ lực và chăm chỉ thực hành.

Tuy nhiên, có một cách có thể đẩy nhanh quá trình – nếu như ta không thể rút ngắn – đó là học từ lỗi sai của những người khác. Học những bài học mà những người khác phải vất vả, phạm lỗi, và thất bại mới học được, và cố gắng hết sức không lặp lại những lỗi đó.

Tôi đã làm điều này rất nhiều lần. Tôi đã may mắn tiếp xúc với nhiều mô hình học ngôn ngữ xuất sắc trong nhiều năm, và tôi đã học từ chúng.

Nhưng bài viết này không phải nói về cách tôi đã học từ lỗi sai của người khác như thế nào.

Nó là về cách bạn, đọc giả của tôi, có thể học được từ lỗi sai của tôi như thế nào.

Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với bạn 5 điều tôi ước gì mình biết được khi tôi bắt đầu học ngôn ngữ. Tôi hy vọng rằng bạn có thể nhận những bài học này, học hỏi từ lỗi lầm và thất bại của riêng tôi, và áp dụng vào việc học của bạn, để cuối cùng đẩy nhanh quá trình học ngôn ngữ của mình.

  1. Khi học những ngôn ngữ có quan hệ cội nguồn gần nhau, hãy tập nói sớm.

Đôi khi, ta rất dễ mắc phải một thói quen khó nhận thấy khi các phương pháp tiếp cận khác sẽ đem đến kết quả nhanh hơn nhiều.

Ví dụ như thời gian tôi bắt đầu học tiếng Bồ Đào Nha vào năm 2008.

Tôi đã có một phương pháp học khá hay mà tôi đã thử và thử nghiệm với một vài ngôn ngữ khác. Một phần phương pháp này yêu cầu tôi học một ngôn ngữ sử dụng kèm theo khóa Assimil trong suốt 6 tháng trước khi chủ động nói chuyện với người bản địa. (Assimil là một phương pháp học ngoại ngữ bằng cách nghe băng ghi âm và đọc sách về cùng một chủ đề). Đây là kế hoạch học tiếng Bồ Đào Nha của tôi.

Trong khi kế hoạch này có tác dụng với hầu hết các ngôn ngữ, tôi đã bỏ quên một chuyện hệ trọng: Lẽ ra tôi nên bắt đầu tập nói, sớm hơn nhiều!

Bạn thấy đó, tiếng Bồ Đào Nha là một nhánh của nhóm ngữ hệ La Mã, nghĩa là nó có nguồn gốc từ tiếng Latin.

Vào lúc tôi bắt đầu học tiếng Bồ Đào Nha, tôi đã học và thông thạo 2 ngôn ngữ Latinh khác: Tiếng Tây Ban Nha, và tiếng Ý, ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi.

Vì tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý có nhiều điểm chung về ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm và cú pháp, tôi không cần phải tiếp thu thật nhiều thông tin mới để có thể nói lưu loát tiếng Bồ Đào Nha. Tất cả những gì tôi phải làm là “biến đổi” vốn kiến thức tiếng Tây Ban Nha và Ý cơ bản thành tiếng Bồ Đào Nha chuẩn.

Vì tiếng Bồ Đào Nha có quan hệ “gần gũi” với những ngôn ngữ tôi đã biết rõ, hóa ra là tôi chẳng cần phải đợi 6 tháng mới bắt đầu nói được – có lẽ tôi chẳng cần phải đợi tới 6 tuần cơ!

Thời gian một người nên đợi để nói một ngôn ngữ phụ thuộc khá nhiều vào cá nhân đó và kinh nghiệm học ngôn ngữ của anh/cô ta, nhưng giờ tôi biết rằng khi học những ngôn ngữ có quan hệ gần nhau, tập nói càng sớm càng tốt sẽ hiệu quả hơn nhiều, vì rất nhiều các kĩ năng và kiến thức của ngôn ngữ trước có thể chuyển thành ngôn ngữ mới.

  1. Khi học ngôn ngữ có quan hệ cội nguồn xa, hãy học đơn giản thôi.

Sự phong phú, đa dạng của ngôn ngữ trên hành tinh này rất đáng kinh ngạc. Ngôn ngữ vô cùng phức tạp, và chúng có thể khác nhau một cách tinh tế và rõ ràng.

Sự đa dạng này có nghĩa là chỉ vì một thói quen hay một cách tiếp cận đã có thể giúp bạn học một, hai, năm hay mười ngôn ngữ, nó chưa hẳn đã thành công giúp bạn học ngôn ngữ kế tiếp.

Đây là bài học tôi rút ra từ việc học tiếng Nhật.

Như tôi đã đề cập trong ví dụ học tiếng Bồ Đào Nha ở trên, phương pháp học ngôn ngữ của tôi tập trung chủ yếu vào việc tiếp thu kiến thức (nghe và đọc) từ 6 tháng tới 1 năm, trước khi tập trung vào việc truyền tải thông tin (nói và viết).

Thông thường, một khi tôi kết thúc giai đoạn tiếp thu khi học một ngôn ngữ nào đó, tôi có thể xây dựng các kỹ năng nói rất nhanh chóng, và giao tiếp ở trình độ trung cấp trở lên.

Cách này có tác dụng với nhiều ngôn ngữ trước đây tôi học. Ngay cả những ngôn ngữ khó nhằn như tiếng Nga, Ba Lan, và tiếng Quan Thoại.

Tuy vậy, với tiếng Nhật thì tôi lại không may mắn như thế. Khi tôi bắt đầu tập nói, tôi hoang mang nhận ra rằng tôi không thể, dù cho có nỗ lực bao nhiêu.

Do đó, vấn đề mới lại trái ngược với vấn đề tôi đã gặp với tiếng Bồ Đào Nha: thay vì nó là ngôn ngữ có quan hệ quá gần, tiếng Nhật lại là một ngôn ngữ có quan hệ quá xa với những ngôn ngữ tôi đã học.

Cụ thể hơn là, mỗi một ngôn ngữ khác trong vốn kiến thức của tôi vào lúc đó đều có cú pháp là Chủ ngữ (Subject) – Động từ (Verb) – Tân ngữ (Object) (SVO). Có nghĩa là chúng sẽ lập thành những câu như “Tôi (S) đã ăn (V) cái bánh (O).”

Tiếng Nhật thì không như vậy. Thay vào đó, nó có thứ tự là Chủ ngữ – Tân ngữ – Động từ (SOV), tức là câu trên viết lại theo cú pháp tiếng Nhật sẽ là “Tôi cái bánh đã ăn”.

Nếu bạn quen với cấu trúc SVO như tôi rồi, thì cố gắng tập nói theo cấu trúc SOV cảm giác như tự lừa dối bản thân vậy, vì đột nhiên bạn phải bắt đầu tạo câu bằng một cách gần như hoàn toàn ngược lại.

Giờ thì tôi đã biết rằng tiếng Nhật có một trật tự từ khác. Vấn đề là tôi bắt đầu tập nói tiếng Nhật bằng cách cố gắng tạo những câu dễ tạo trong ngôn ngữ có cấu trúc SVO, nhưng cực kỳ phức tạp trong tiếng Nhật. Những câu với nhiều mệnh đề – như “Tôi bắt đầu học tiếng Nhật bởi tôi nghĩ văn hóa Nhật thật hấp dẫn” – thường là “thủ phạm” gây chán nản.

Giá như lúc trước tôi biết điều đó, tôi đã tránh xa những câu phức tạp thế này. Trong khi tôi có thể diễn đạt chúng sau một năm học một ngôn ngữ SVO, chúng đơn giản là không phù hợp với tiếng Nhật. Thay vào đó, tôi cần khiến mọi thứ càng đơn giản càng tốt.

Cú pháp tiếng Nhật khá mới mẻ với tôi nên tôi cần quay lại căn bản; về cơ bản là tập nói như một đứa trẻ. Điều đó có nghĩa là bắt đầu tập trung vào các câu đơn giản (như “Tôi đang học tiếng Nhật” và “Tôi thích văn hóa Nhật Bản”) và dần dần tạo những câu phức tạp hơn với các liên từ (“Tôi đang học tiếng Nhật bởi vì tôi thích văn hóa Nhật Bản”). Kiểu tiếp cận “từ dưới lên” này đã giúp tôi quen dần với cú pháp mới trong khi tránh được sự căng thẳng khi cố gắng nói những thứ vượt quá trình độ của mình.

Nếu bạn đang cố gắng học một ngôn ngữ cực kỳ khác những ngôn ngữ bạn đã học trước đó, tôi khuyên bạn nên dùng cách này. Ban đầu, hãy đơn giản hóa mọi thứ, càng đơn giản càng tốt, cho tới khi bạn thoải mái với kiến thức căn bản. Sau đó, nâng dần độ phức tạp, nhưng hãy làm từ từ thôi. Và đừng sợ phải đơn giản hóa nó một lần nữa nếu bạn thấy quá tải!

  1. Khi học một ngôn ngữ với bảng chữ mới, hãy nhanh chóng tìm được các công cụ thích hợp.

Các khó khăn khi học ngôn ngữ thường có thể xảy ra ở những điểm ít ngờ nhất.

Khi tôi bắt đầu học tiếng Nga vào năm 2004, tôi đã được cảnh báo trước nhiều lần rằng ngữ cảnh trong tiếng Nga có nhiều biến đổi khá rắc rối. Như vậy, nếu tôi chật vật với tiếng Nga, tôi đoán tôi sẽ chật vật với ngữ pháp của nó.

Tua nhanh tới 4 tháng sau, và tôi vừa chuẩn bị bỏ cuộc học tiếng Nga.

Ngạc nhiên ở chỗ những ngữ cảnh đó không phải là nguyên nhân. Mặc dù chúng khá thách thức, nhưng chúng không làm tôi muốn bỏ cuộc.

Chính bảng chữ cái Kirin mới làm tôi như muốn điên lên luôn.

Phải, Kirin, cái bảng chữ cái nửa Latinh, nửa Hy lạp trông vào thì ôi dễ thế, sau thì làm tôi điên cả người.

Và vấn đề là như thế này – tôi có thể đọc và viết mà chẳng có khó khăn gì!

Mà khi gõ thì hoàn toàn ngu người luôn.

Tôi đã thử học bàn phím tiếng Nga, nhưng nó hoàn toàn xa lạ với tôi. Ngay cả những kí tự mà bảng chữ Kirin giống với Latinh (“M”, “T”, “O”, “P”, vân vân.) đều nằm ở vị trí hoàn toàn mới, nên học sử dụng bàn phím tiếng Nga sẽ là bắt đầu từ đầu luôn. Tôi lại không có kiên nhẫn cho việc đó.

Nên, tôi áp dụng một phương pháp khác. Một phương pháp đơn giản hơn nhiều, nhưng lại chậm hơn rất, rất nhiều. Tôi nhập mỗi kí tự từ trình đơn biểu tượng, từng chữ một.  Khỏi phải nói, gõ bất cứ cái gì dài hơn tên tôi thật sự là một cơn ác mộng. Gõ toàn bộ văn bản cuộc trò chuyện là gần như bất khả thi.

Tôi cần các công cụ tốt hơn. Rõ ràng là bàn phím tiếng Nga và trình đơn ký tự sẽ chẳng giúp tôi xong việc được.

Cuối cùng, tôi tìm ra được một công cụ thích hợp cho việc này, nó được gọi là Google Input Tools (Công cụ Nhập liệu của Google). Công cụ này là một cửa sổ văn bản được xây dựng dựa trên trình duyệt nhằm tự động chuyển văn bản từ bảng chữ cái Latinh sang bảng chữ cái Kirin. Nó cho phép tôi gõ tiếng Nga trong khi vẫn giữ bố cục bàn phím như cũ.

Kiến thức từ nguồn gõ như Google Input Tools giúp tôi đáng kể khi tôi cố gắng học tiếng Quan Thoại, nó cũng giúp tôi có được một bảng chữ hoàn toàn khác bảng chữ đang dùng. Mặc dù việc cố gắng gõ chữ tiếng Trung có khả năng lại là một cơn ác mộng khác giống như cơn ác mộng mang tên Kirin, nhưng ứng dụng Google Pinyin đã giúp tôi giao tiếp bằng văn bản mà không cần phải thêm trọng âm vào lúc học.

Nếu bạn muốn học một ngôn ngữ có chữ viết bạn nhìn không quen, tôi chân thành khuyên bạn rằng hãy tìm những công cụ thích hợp mà bạn sẽ cần để tập viết và/hay gõ càng sớm càng tốt, và học cách sử dụng chúng ngay lập tức. Hãy xem các sự lựa chọn sẽ giúp bạn viết hay gõ một cách nhanh lẹ mà không làm trì trệ việc học. Bạn luôn có thể tìm thêm các lựa chọn phức tạp sau.

  1. Khi học một ngôn ngữ thanh điệu, hãy sử dụng phương pháp tiếp cận từ trên xuống.

Đối với dân học ngoại ngữ, ngôn ngữ thanh điệu nổi tiếng là khó nuốt nhất. Nếu bạn không nói ngôn ngữ với thanh điệu, thì nghĩa của một từ có thể thay đổi dựa vào độ trầm, bổng và gây khó hiểu. Đó là lí do tại sao nhiều người học những ngôn ngữ như tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông, tiếng Thái, hay tiếng Việt thường hết sức chật vật khi cố gắng nói chuyện.

Khi tôi bắt đầu học tiếng Quan Thoại vào năm 2008, tôi đã cố xử lý các âm bằng cách sử dụng phương pháp tiếp cận từ dưới lên thông thường mà người học được khuyên sử dụng. Tức là tôi bắt đầu học và ghi nhớ âm trước, sau đó áp dụng vào các “đơn vị âm” (trong trường hợp này là các âm tiết) và sau đó kết hợp các đơn vị thành các phần lớn hơn (từ) và sau đó kết hợp các từ thành các phần lớn hơn nữa (các câu).

Sau đó, khi đến lúc phát âm một câu, lần nào tôi cũng phải lặp lại đống thủ tục đó: nhớ số âm của mỗi âm tiết, sau đó đặt các âm tiết lại với nhau, rồi các từ, rồi câu. Thiết nghĩ, theo dõi một lúc tất cả như vậy là quá nhiều  – và theo như một hiện tượng gọi là tone sandhi (hiện tượng biến âm, các âm thay đổi dựa vào những từ trong câu, để khi nói nghe thuận tai hơn), phát âm không phải lúc nào cũng chính xác.

Không hài lòng với mấy trò rối não mà phương pháp yêu cầu, tôi đi tìm một cách khác tốt hơn. Và cuối cùng tôi đã tìm ra nó.

Một ngày nọ, tôi vô tình đọc được một sự việc khá ngạc nhiên về trẻ con bản địa nói ngôn ngữ thanh điệu: chúng chẳng sử dụng số âm!

Tôi nhận ra rằng người nói ngôn ngữ thanh điệu không nhóm chính xác từng âm, từng vần như người học ngoại ngữ thường làm. Thay vào đó, họ học âm theo cụm – hoặc là cả cụm từ hoặc cả câu – và có thể từ đây học ngược lên nếu cần thiết.

Phương pháp tiếp cận “từ trên xuống” này cảm tính hơn, và loại bỏ sự rắc rối bởi biến âm, bởi bạn không tập trung vào sự thay đổi âm ở âm tiết.

Nếu bạn đang học một ngôn ngữ thanh điệu, bạn nên dùng phương pháp này để học các âm, tránh bị đau đầu bởi các phương pháp tiếp cận từ trên xuống.

  1. Tập phát âm chính xác ngay từ ban đầu.

Thành thạo ngữ âm là cực kỳ quan trọng nếu bạn muốn người bản địa hiểu mình.

Ví dụ như học âm tiếng Trung (ở trên) là một trong những ví dụ điển hình và rõ ràng nhất. Nếu bạn không thể phát âm đúng và rõ, thì sẽ rất khó để người ta hiểu bạn đang muốn nói gì.

Tuy nhiên, các ngôn ngữ thanh điệu cực kỳ hiếm, nên bạn sẽ dễ nghĩ rằng mình có thể lờ đi ngữ điệu khi học ngôn ngữ không có hệ thống âm phức tạp.

Nhưng điều đó không đúng đâu nhé. Và tôi đã phát hiện ra điều đó một cách khó khăn.

Năm 2008, tôi đăng video đầu tiên lên Youtube. Trong video, tôi đã thể hiện kỹ năng của mình bằng 8 ngôn ngữ tôi biết vào thời điểm đó.

Video nhận được đón nhận rộng rãi, và tôi nhận được nhiều phản hồi tốt.

Tuy nhiên, có một ngôn ngữ mà tôi nhận được góp ý về lỗi tôi không biết mình mắc phải.

Một vài người thấy rằng tôi nói tiếng Thụy Điển không nhấn nhá gì cả. Tôi thấy lạ, bởi tôi chưa bao giờ có vấn đề gì lớn về âm điệu với những thứ tiếng châu Âu khác cả, và đã nói lưu loát những ngôn ngữ liên quan như tiếng Đức và Hà Lan.

Ban đầu tôi cho rằng những người đó quá khó tính, nhưng người ta vẫn tiếp tục bình luận. Nên tôi quyết định tìm hiểu.

Hóa ra mặc dù tiếng Thụy Điển không phải là một ngôn ngữ thanh điệu, nhưng nó có thể được coi là “bán thanh điệu”, bởi nó có đặc điểm âm gọi là “pitch accent” (dấu nhấn giọng). Có nghĩa là một số từ trong tiếng Thụy Điển có thể được chia thành 2 cách đọc khác nhau, mỗi âm điệu có một nghĩa khác.

Đây là một đặc điểm quan trọng trong ngữ âm tiếng Thụy Điển mà tôi chỉ phát hiện ra (hoặc ít nhất là chú ý đàng hoàng) gần hai năm sau khi bắt đầu học. Vào lúc đó, ngữ điệu không đúng đã ăn sâu vào tiếng Thụy Điển của tôi, và để xóa bỏ tất cả “thiệt hại” đó sẽ cần nhiều năm trời cố gắng.

Kể từ đó, tôi đã dành rất nhiều thời gian và nỗ lực học lại âm điệu tiếng Thụy Điển, nhưng tôi vẫn chưa hoàn toàn xóa được cái kiểu nói sai lầm lúc trước.

Đây là lí do tại sao tôi xin bạn tập trung vào ngữ âm càng sớm càng tốt khi bạn học một ngôn ngữ. Hãy tập phát âm và nhấn nhá và nhận góp ý thường xuyên để bạn có thể chỉnh ngay các lỗi sai ngay khi vừa mắc phải. Các lỗi sai có thể bị lờ đi hoặc trở thành thói quen, và có thể khó chỉnh hơn về sau. Nếu bạn muốn nói càng tự nhiên càng tốt, thì đừng mắc lỗi đó.

Kết luận

22 năm kinh nghiệm học ngôn ngữ đã dạy tôi rất nhiều điều. Một số bài học tôi rút ra từ người khác, một số tôi rút ra từ thành công của cá nhân mình. Tuy nhiên, hầu hết các bài học, tôi học từ lỗi sai của mình.

Dĩ nhiên, bạn cũng có thể mắc những lỗi tôi đã mắc phải. Tuy nhiên, nếu bạn học từ 5 bài học trên, bạn sẽ không phải mắc những lỗi thế nữa. Sau cùng, việc này sẽ khiến trải nghiệm học ngôn ngữ của bạn dễ dàng hơn rất nhiều, nhanh hơn, và đáng giá hơn.

Viết bởi Luca Lampariello và Kevin Morehouse

Nhã Văn (Theo thepolyglotdream.com)