Cho con học Piano như thế nào là lý tưởng nhất

          Bạn có tin vào điều hoàn hảo và lý tưởng trên đời này?  Trong một số phương diện nhất định, sự hoàn hảo vẫn có thể tồn tại.  Cũng như vậy, việc định hình về cách cho trẻ bắt đầu học Piano như thế nào sẽ có những yếu tố tạo nên sự lý tưởng nhất định.  Tuy nhiên, cách cá nhân mỗi đứa trẻ đáp ứng lại sẽ không giống nhau.  Dẫu như vậy, là một phụ huynh, bạn vẫn mong muốn đem đến cho con em mình một điều kiện lý tưởng nhất, ngay cả khi nó không hề đòi hỏi quá nhiều chi phí, phải thế không?

1. Hãy tìm một giáo viên phù hợp

          Một số gia đình tin rằng, đăng ký cho con em mình học tại những trung tâm danh tiếng sẽ đạt được kết quả tốt hơn là học tại những lớp nhạc nhỏ hoặc các trung tâm không mấy có tiếng tăm.   Điều này đúng, nhưng chưa đủ và không phải lúc nào cũng đúng.  Chúng ta thường suy nghĩ sai lầm về việc kết quả của quá trình học đàn tốt hay không tương ứng với khả năng chơi đàn hay hay dở của giáo viên.  Nếu như con bạn mới bắt đầu học Piano, chúng không nên được dạy bởi một giáo viên chơi Piano cổ điển quá giỏi, bởi vì sự chênh lệch giữa khả năng của đôi bên sẽ khiến cả hai không đủ kiên nhẫn để chấp nhận nhau.  Nếu như con bạn mong muốn được đi theo ngành nhạc một cách nghiêm túc, hãy thực sự đầu tư cho chúng một giáo viên có xuất thân từ các trường âm nhạc chính quy của thành phố, hoặc những giáo viên vẫn đang hoạt động tại nơi đó, bởi vì chỉ có họ mới biết được cái “chuẩn” của sự chuyên nghiệp là ở đâu.   Vậy nên, hãy bám vào mục tiêu phù hợp với nhu cầu và lứa tuổi của trẻ để lựa chọn một giáo viên phù hợp nhất cho con em mình.   Theo kinh nghiệm của tôi, giáo viên dạy Piano tốt phải là người nắm vững được các sư phạm phù hợp để truyền đạt kiến thức thật hiệu quả cho con bạn.  

2.  Hãy lựa chọn môi trường phù hợp

       Một trong những câu phụ huynh thường hay hỏi tôi là nên cho trẻ học nhóm hay là học kèm.  Nếu như đó là lần đầu tiên trẻ biết đến khái niệm Piano là gì, tôi xin được trả lời mà không ngần ngại là hãy đăng ký cho trẻ học nhóm.  BMột vài ưu điểm của việc cho trẻ tham gia lớp học nhóm có thể được kể đến như sau:

– Phát triển nhận thức

– Phát triển khả năng giao tiếp

– Thúc đẩy động lực bản thân

– Củng cố tính kiên trì  và tự nguyện trong học tập

Nếu như những yếu tố trên chưa đủ để thuyết phục bạn.   Hãy thử nhìn sơ qua những ưu điểm của một buổi học 1:1:

– Kiến thức vững vàng

– Kết quả đạt được trong thời gian ngắn

– Được GV chỉnh sửa chi tiết

Tôi rất thích được dạy gia đình có cả anh em hoặc chị em cùng học đàn.  Bởi vì nó rất hiệu quả và có tác động mạnh mẽ cả về nhận thức lẫn động lực học tập của hai đứa trẻ đó.  Tuy vậy, một nhóm học đàn lý tưởng nhất chỉ nên có từ hai đến bốn em.   Nếu nhiều hơn bốn học viên một lớp, giáo viên đứng lớp nên có hai người để thay phiên nhau trong việc hướng dẫn các em trong suốt quá trình học.

3.  Hãy lựa chọn một lớp học phù hợp…cho bạn!

À đúng! Tôi đang không nhầm đâu.   Điều thứ ba này là về bạn đấy!  Rất nhiều phụ huynh không biết rằng muốn trẻ học Piano đạt được kết quả tốt, phụ huynh nên là người đăng ký học trước tiên.   Và mỗi phụ huynh, trước khi tìm được một giáo viên phù hợp cho con em mình, nên là một người biết chơi đàn Piano.  Học Piano căn bản không mất nhiều thời gian và cũng không tốn nhiều chi phí, nhưng tác dụng của nó sau đó thật sự sẽ khiến bạn phải lưu ý…Hãy tưởng tượng bạn đã được học xong một khóa Piano căn bản, và sau đây là tất cả những gì bạn có thể làm để hỗ trợ cho con mình:

– Kiểm tra bài tập về nhà của con

– Chỉnh sửa thao tác tay và kỹ thuật cho con

– Dạy con học cảm âm (tôi sẽ dành một bài viết để nói về cách dạy cho con học cảm âm như thế nào)

– Tập luyện cùng với con

– Trở thành một tấm gương tập luyện của con

Tuyệt vời chứ??? Theo tôi là rất tuyệt vời!!! Chỉ cần dành một tuần một buổi khoảng 60 phút đến lớp và mỗi ngày khoảng 15 phút để tập luyện.  Những kết quả đáng mong đợi sau đó sẽ đến rất diệu kỳ không cả cho bạn và cho cả con bạn!

4.  Hãy cho con được tiếp xúc với âm nhạc nhiều nhất có thể! 

         Nếu như nói đầy đủ hơn sẽ là: “Hãy cho con bạn được tiếp xúc với âm nhạc và học cách cảm nhận chúng.”  Âm nhạc là một môn nghệ thuật rất hoàn thiện và để cảm nhận được chúng không có gì ngoài cách nghe và thưởng thức chúng.  Một số những nhà giáo dục âm nhạc nổi tiếng  đều chú trọng việc cho trẻ học cách cảm thụ âm nhạc và vận động theo chúng qua cơ thể.  Trên thị trường hiện nay cũng có nhiều trung tâm âm nhạc có lớp Cảm thu Âm nhạc, và tôi nghĩ đó là một tín hiệu đáng mừng.  Đừng nghĩ rằng trẻ còn quá nhỏ để có thể hiểu được Mozart hay Schumann.  Vì sự nghe của trẻ sẽ đến từ lúc 0 tuổi cho đến mãi về sau này, tôi nghĩ là khả năng nghe sẽ dần hạn chế khi trẻ bước vào lứa tuổi thiếu niên (teenager) vì lúc ấy những biến đổi về sinh lý có thể khiến tâm trí trẻ bị xao nhãng nhiều hơn và mất đi sự tập trung chúng từng có. Vì thế chưa bao giờ là quá sớm để cho trẻ nghe nhạc và cảm nhận về âm nhạc cả.

Các lớp học “Cảm thụ âm nhạc” được mở ra cũng với mục đích đem đến những tác động cho tâm hồn và trí tuệ của đứa trẻ bằng âm nhạc.  Một cách đơn giản và ít tốn kém hơn tôi từng đề cập trong những bài viết trước đó là hãy cho trẻ nghe nhạc.  Với mỗi một tính cách khác biệt nhau, trẻ sẽ có sở thích về âm nhạc khác nhau.  Và việc nuôi dưỡng thói quen nghe nhạc từ sớm ở trẻ sẽ giúp ích rất nhiều về sau này cho sự phát triển tâm hồn và trí tuệ của trẻ.  

5.  Hãy thả lỏng và kiên nhẫn

       Ai cũng mong muốn con em mình sẽ đạt được một thứ gì đó sau khi chúng đã dành một thời gian để học môn học.   Đặc biệt với những phụ huynh Việt Nam tôi từng gặp, đa phần họ đều muốn nhìn thấy con mình ngồi ngay ngắn thẳng lưng trên cây đàn, lả lướt từng ngón tay bé xíu để phát ra một giai điệu vui tai.  Nhưng họ đâu có biết rằng, học tập là một quá trình kéo dài chứ không phải là đích đến của một hành trình.  Vì thế, việc suy nghĩ lệch lạc về quan niệm “Tại sao con cô ấy/anh ấy chơi đàn hay thế mà con của tôi cô dạy như thế nào mà vẫn chưa đàn nổi một bài nào hết???” thật là làm khổ tâm cho rất nhiều giáo viên trẻ như tôi.  Theo tôi, cách để cho con bắt đầu học đàn Piano lý tưởng nhất là khi phụ huynh quan tâm đến giá trị thật sự của quá trình học hơn là những bản nhạc nào đó mà con có thể chơi được.  Hãy thả lỏng và kiên nhãn với con em của mình, cũng như cách chúng tôi thả lỏng và kiên nhẫn với con em của bạn mỗi ngày.  Nếu như con bạn tỏ vẻ khó chịu bực dọc khi đến giờ học đàn, đừng quát mắng chúng ầm ĩ, hãy từ tốn dẫn chúng đến chỗ cái ghế Piano và đặt chúng xuống đó.  Nếu như chúng khóc lóc vì không chịu học trước mà muốn chơi thêm một chút nữa, cũng đừng nên đánh chúng trước mặt giáo viên, hãy nói với chúng giờ chơi đã hết và chúng cần nghiêm túc tập trung vào giờ học.   Nếu như giáo viên nói rằng con bạn ít tập đàn ở nhà, hãy dành thời gian ngồi với chúng một chút khoảng 10 phút mỗi ngày thay vì sỉ vả chúng về việc bạn tốn bao nhiêu tiền cho mỗi buổi học chỉ để nghe giáo viên than phiền.  Sau tất cả, nếu như đến tuổi trưởng thành (12t => 16t) con bạn vẫn không có dấu hiệu ham thích chơi đàn, hãy thả lõng tâm trí bạn và chấp nhận điều đó… 

        Mỗi phụ huynh đều là một cá nhân đóng góp vào sự phát triển và hình thành nhân cách ở trẻ.  Tôi luôn mong rằng nhũng thứ chúng ta làm đều sẽ là một điều gì đó hỗ trợ cho trẻ có một điều kiện học tập thật tốt và lý tưởng.   Có thể những điều ở trên đây vẫn chưa thực sự đầy đủ để tạo nên một điều kiện lý tưởng như tựa đề bài viết, nhưng tôi nghĩ rằng phần nào đó những ý tưởng trên cũng đã đem đến cho quý phụ huynh một vài quan điểm cần nhìn nhận lại.  Mong sẽ nhận được nhiều ý kiến từ quý phụ huynh và các bạn đồng nghiệp.  

Nguyễn Lê Kim Ngân