Khoa học chứng minh: tâm trạng không tốt của người cha ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ

“Những người không có một người cha tốt nên tìm cho mình một người cha tốt.” – Friedrich Nietzsche

Hàng trăm nghiên cứu đã củng cố vững chắc lập luận rằng tình yêu của người cha cũng quan trọng đối với sự phát triển của đứa con nhiều như tình yêu của mẹ, và đôi khi còn hơn thế nữa…

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, nhìn chung, tình yêu – hoặc sự chối bỏ – của cha mẹ ảnh hưởng tới các hành vi, lòng tự trọng, sự ổn định tâm lý và sức khỏe tâm thần của trẻ. Theo Ronald P. Rohner, Ph.D, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về sự thừa nhận và chối bỏ của cha mẹ tại Đại học Connecticut, trong một vài trường hợp, thiếu vắng tình cảm, sự thừa nhận và sự hiện diện của người cha có thể đóng vai trò lớn trong các vấn đề về nhân cách, sự thay đổi tâm lý, các hành vi phạm pháp và lạm dụng chất kích thích của trẻ.Khi có người cha bên cạnh thì mọi chuyện sẽ khác. Sự hiện diện về mặt tình cảm của người cha sẽ khiến trẻ hạnh phúc hơn và cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Đây đều là những hiểu biết thông thường. Hầu hết mọi người đều nhận ra tầm ảnh hưởng của người cha lên con cái của họ.

Trạng thái tinh thần của người cha tác động trực tiếp đến con cái họ

Các học giả từ Đại học bang Michigan (Michigan State University – MSU) đã tiến hành một nghiên cứu và phát hiện của họ không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò của người cha trong cuộc sống của những đứa con, nó còn chứng minh rằng trạng thái tinh thần và tâm trạng của người cha có những ảnh hưởng trực tiếp trong cả ngắn hạn và dài hạn lên con cái của họ.

Trong nghiên cứu trên, các nhà nghiên cứu của MSU đã thu thập dữ liệu từ 730 gia đình đã từng tham gia cuộc khảo sát của chương trình Early Head Start tại nhiều địa điểm trên toàn nước Mỹ. Họ tập trung tìm hiểu về các tác động mà những căng thẳng và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm và lo âu ở các bậc cha mẹ có thể gây ra cho những đứa con. Kết quả chỉ ra rằng mức độ căng thẳng của cha mẹ và các vấn đề sức khỏe tâm thần có ảnh hưởng tới cách các bậc phụ huynh tương tác với con em mình và sau đó là tới sự phát triển của trẻ.

Daddy and daughter

Một trong những phát hiện bất ngờ nhất của nghiên cứu này là sức khỏe tinh thần của người cha có liên quan mật thiết và tương quan trực tiếp tới những khác biệt ở các kĩ năng xã hội của trẻ (ví dụ như khả năng tự chủ và hợp tác) trước khi trẻ lên lớp năm. Trên thực tế, sự phiền muộn của người cha trong những năm tháng đầu đời có ảnh hưởng nhiều hơn tới sự phát triển các kĩ năng xã hội của trẻ sau này so với những lo âu, buồn phiền của người mẹ.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh thực trạng những căng thẳng liên quan tới việc làm cha mẹ của người cha có tác động rất xấu tới nhận thức và sự phát triển ngôn ngữ của trẻ khi đứa trẻ mới 2 đến 3 tuổi – kể cả khi sự có mặt của người mẹ mang đến những ảnh hưởng tích cực. Đúng theo dự đoán, người cha có tác động mạnh mẽ hơn tới sự phát triển ngôn ngữ của con trai so với con gái.

Những kết quả dựa trên kinh nghiệm và bằng chứng này là lời nhắc nhở sâu sắc rằng mọi người cha đều có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe tâm lý của con em mình để nuôi dưỡng và thúc đẩy sức khỏe của các em.

Nghiên cứu trên chỉ ra một điểm tích cực, đó là giờ chúng ta đã có những bằng chứng khoa học có cơ sở cho thấy người cha cũng đóng vai trò quan trọng như người mẹ trong việc nuôi dạy con cái, và mảnh ghép của họ trong bức tranh gia đình cũng rất quan trọng đối với sự trưởng thành của một đứa trẻ.

 Thay đổi tâm trạng của cha

Làm cha mẹ là một công việc căng thẳng và dễ làm ta nản chí. Đặc biệt là với những người mới trở thành cha mẹ. Dưới đây là một vài cách để những ông bố có thể hạn chế tối thiểu những tác động tiêu cực mà tâm trạng không tốt của họ có thể gây ra cho những đứa trẻ:

  • Chấp nhận sự thật rằng mình sẽ bị căng thẳng — Hiểu và chấp nhận rằng căng thẳng là một phần trong việc nuôi dạy con cái là chìa khóa giúp giảm tác động lên tâm trạng của bạn. Nếu bạn biết rằng điều đó sẽ đến và có sự chuẩn bị trước, bạn có thể chủ động hạn chế đến mức tối thiểu các ảnh hưởng của căng thẳng đến tâm trạng của mình và điều đó sẽ giúp giảm số lượng các phản ứng tiêu cực mà bạn biểu hiện ra ngoài.
  • Tìm hiểu “ngòi nổ” của bạn và giảm căng thẳng nhanh nhất có thể — Hiểu về mình là điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho bản thân. Hãy tìm hiểu xem những tình huống, suy nghĩ hoặc thời điểm nào khiến bạn căng thẳng nhất. Liệu chúng có thể bị ngăn ngừa? Bạn có thể làm gì để phòng tránh hoặc giảm thiểu tối đa những thời điểm như vậy? Hãy dành thời gian để “làm bố” và tham gia vào những hoạt động giúp giảm căng thẳng như chơi thể thao, thực hiện sở thích, dành thời gian yên tĩnh một mình, đi dạo trên bãi biển hoặc thăm thú các khu rừng.
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ — Nếu bạn đang cảm thấy cực kỳ căng thẳng hoặc bạn có tiền sử bị trầm cảm, lo âu hoặc các bệnh tâm thần, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có chuyên môn. Đó là điều rất cần thiết cho cả bạn và con mình. Hãy nghĩ đến “Mô hình an toàn trên máy bay”. Trong suốt bài hướng dẫn an toàn dành cho hành khách, bạn được hướng dẫn hãy đeo mặt nạ oxy cho bản thân mình trước tiên và sau đó là giúp đỡ những người xung quanh. Thông điệp ở đây là bạn không thể giúp những người khác thở nếu như chính bản thân mình đang bị ngạt.

Thanh Thảo (Theo Lifehack)

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.