Khi chúng ta có con, ai ai trong chúng ta đều muốn nuôi dạy con mình nên người và con mình có được những thành công vang dội. Vì thế chúng ta đọc sách về nuôi dạy con cái, hỏi lời khuyên từ những người bạn đã có con cái thành công, và lùng sục thông tin từ Internet. Bên cạnh đó chúng ta cũng dùng bản năng làm cha làm mẹ của chúng ta để nuôi dạy con cái.
Có rất nhiều cách để chúng ta hỗ trợ, dạy dỗ và động viên con cái của chúng ta. Nhưng khi những điều đó thể hiện qua lời nói của chúng ta. Chúng ta có biết là chúng ta đang nuôi dưỡng con mình theo tư duy cầu tiến hay là tư duy bảo thủ hay không? Cách nói chuyện với con cái có ảnh hưởng rất lớn đến thành công của con trẻ sau này.
Tư duy cầu tiến hay tư duy bảo thủ
Thường thì chúng ta rất khó nhận thấy sự khác biệt về sự phát triển của tư duy bảo thủ hay tư duy cầu tiến ở những đứa trẻ của chúng ta. Cùng là một sự khen ngợi, người có tư duy cầu tiến thì đánh giá cao ở quá trình học tập, trong khi đó người có tư duy bảo thủ thì nghiên về kết quả học tập hơn.
Tư duy cầu tiến tạo ra được sự đam mê để học tập hơn là chờ đợi sự đồng ý để làm một việc gì đó. Trong khi đó tư duy bảo thủ đặt nặng vấn đề về kết quả đạt được. Điều đặt biệt quan trọng ở những đứa trẻ được nuôi dưỡng với tư duy cầu tiến, đó là chúng sẽ hình thành nên quan niệm không sợ thất bại. Hay nói cách khác, đứa trẻ với tư duy bảo thủ sẽ nghĩ rằng mình thất bại nếu như mình không hoàn thành công việc. Nhưng định nghĩa về sự thất bại ở đứa trẻ có tư duy cầu tiến thì sẽ khác và rõ ràng hơn, chúng chỉ cho rằng chúng thất bại khi không đạt được kết quả đã đặt ra cho từng công việc chúng làm.
Những ví dụ thể hiện tư duy bảo thủ và tư duy cầu tiến
Tư duy cầu tiến sẽ nhấn mạnh vào khả năng của những đứa trẻ hơn là xem xét xem chúng giỏi giang và thông minh như thế nào. Hãy xem những ví dụ bên dưới để thấy rõ hơn về sự khác biệt này.
Cha mẹ có tư duy bảo thủ sẽ nói: “Con trả lời đúng rồi, con giỏi lắm. Con thật là thông minh!”
Cha mẹ có tư duy cầu tiến sẽ nói: “Con trả lời đúng rồi, con giỏi lắm. Thật xứng đáng khi con đã bỏ công sức nghiên cứu để hiểu được điều này và con đã làm tốt.”
Cha mẹ có tư duy bảo thủ sẽ nói: “Con giải bài toán này nhanh thật! Con thật sự có tài năng đó, chúc mừng con”
Cha mẹ có tư duy cầu tiến sẽ nói: “Chúc mừng con đã làm tốt bài toán này. Giải thêm nhiều bài toán khó nữa nha con, ba mẹ biết con có thể làm được mà!”
Vì sao tư duy cầu tiến là rất quan trọng
Tiến sĩ Carol Dweck là người tiên phong trong việc nghiên cứu về tư duy ở trường đại học Stanford. Ông tin tưởng mạnh mẽ rằng, tư duy cầu tiến là yếu tố rất quan trọng hình thành nên sự can đảm, sự tự tin và cuối cùng là sự thành công. Khi một đứa trẻ thử làm một điều gì đó lần đầu tiên thì chúng không đặt nặng vào việc chúng phải làm tốt việc đó như thế nào, hay phải thể hiện bản thân mình như thế nào. Điều quan trọng ở đây là chúng hiểu được rằng chúng còn rất nhiều cơ hội khác để thử, để làm lại lần nữa.
Nghiên cứu này cũng nói về sự tự đánh giá, đó là sự nuôi dưỡng con cái ở mức độ tự đánh giá và cho phép chúng không biết sợ thất bại để chúng tự tin hơn trong việc hoàn thành các nhiện vụ của mình.
Tiến sĩ Dweck và đồng nghiệp cũng đã làm một nghiên cứu ở các đứa trẻ học lớp 7. Khi bắt đầu năm học chúng có cùng điểm số đầu vào. Chúng được phân vào hai nhóm khác nhau, một nhóm có tư duy bảo thủ và một nhóm có tư duy cầu tiến. Sau 2 năm, tiến sĩ Dweck nhấn thấy có sự khác biệt hoàn toàn ở 2 nhóm này.
Kết quả là, những đứa trẻ có tư duy bảo thủ có hướng né tránh những việc mà chúng cảm thấy chúng còn nhiều thiếu sót. Trong khi đó, những đứa trẻ có tư cầu tiến có một niềm tin rằng sự thông minh có thể có được qua học tập vì thế chúng ra sức nỗ lực học tập bằng mọi giá.
Khi nào thì bạn bắt đầu phát triển tư duy cầu tiến cho con mình?
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng không bao giờ là quá sớm hoặc quá muộn để khuyến khích sự phát triển tư duy cầu tiến ở trẻ con. Điều thú vị là hầu hết trẻ con đều có được tư duy cầu tiến một cách tự nhiên. Nhưng qua thời gian, khi chúng ta đưa cho chúng những lời nhận xét không thích hợp, từ đó đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến chúng và chúng đã trở thành một đứa trẻ có tư duy bảo thủ. Làm cha làm mẹ, ai trong chúng ta đều mong muốn nuôi dưỡng con mình thành công. Tuy nhiên khi chúng ta đưa ra những lời nhận xét về chúng, chúng ta không nhận thức được trẻ con sẽ hiểu những lời nhận xét của chúng ta như thế nào. Đó là mấu chốt của vấn đề. Chúng ta cần học cách nói chuyện với con như thế nào để có hiệu quả nhất.
Vì vậy, thời gian tốt nhất để phát triển tư duy cầu tiến ở trẻ là ở thời điểm trẻ con bắt đầu hiểu được ngôn ngữ của chúng ta.
Ở những đứa trẻ lớn hơn một chút, chúng có cả tư duy bảo thủ và tư duy cầu tiến. Điều đó tùy vào trường hợp, tùy vào sự việc và tùy vào những trải nghiệm của chúng. Làm cha làm mẹ, chúng ta cần khuyến khích con mình phát triển tư tuy cầu tiến. Chính những lời nói đầy tính động viên, hỗ trợ và sự lạc quan của bạn sẽ giúp cho tư duy cầu tiến ở con bạn được nở hoa.
Huỳnh Hữu Tài (Theo Lifehack.org)