Thị trường đám mây Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ

Theo BCG, thị trường công nghệ đám mây Châu Á Thái Bình Dương tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến chi tiêu cho ngành này đạt 200 tỷ USD vào năm 2024.

Công nghệ đám mây ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế thế giới. Trong đại dịch COVID-19, nó đã củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu và hỗ trợ làm việc từ xa. Bắt đầu từ năm 2018 và kéo dài cho tới nay, hoạt động đầu tư vào công nghệ đám mây tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương không ngừng tăng cao, với tốc động tăng trưởng kép hàng năm hơn 20%.

Dự kiến chi tiêu tổng thể cho công nghệ đám mây ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2024. Con số này tiếp tục tăng lên khi nhiều ngành công nghiệp tiến hành chuyển đổi số để tồn tại trong môi trường kinh doanh không ngừng biến đổi.

Trong đó, Úc, New Zealand, Ấn Độ và Singapore là những thị trường lớn nhất về chi tiêu công nghệ thông tin, dự kiến sẽ có hơn 50 tỷ USD đầu tư cho công nghệ đám mây vào năm 2024. Ấn Độ, Indonesia và Malaysia là những thị trường chi tiêu mạnh tay nhất, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 25%; nhanh hơn so với dự báo ở Úc, New Zealand (17%) cả Singapore (20%).

Tại Việt Nam, thị trường đám mây trị giá khoảng 133 triệu USD và dự kiến ​​sẽ tăng lên 500 triệu USD vào năm 2025. Khảo sát của Viện IBM về Giá trị Doanh nghiệp (IBV) cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch tăng chi tiêu cho các dịch vụ đám mây kết hợp từ 41% hiện tại lên 43% vào năm 2023.

IBV cũng cho biết 56% doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng nền tảng quản lý đám mây. Thị trường điện toán đám mây của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Thực tế, theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, thị trường đám mây Việt Nam tăng trưởng trung bình 30% và đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng đạt 40%.

Khi mọi người phải làm việc tại nhà, Desktop-as-a-service (DaaS) – một mô hình điện toán đám mây, trong đó nhà cung cấp dịch vụ cung cấp cho người dùng khả năng truy cập và làm việc với các máy tính ảo (virtual desktop) thông qua kết nối Internet – nổi lên như một nhu cầu thiết yếu, bên cạnh các dịch vụ đám mây truyền thống khác như phân IaaS (cơ sở hạ tầng như một dịch vụ) và SaaS (phần mềm như một dịch vụ).

Mặc dù các công ty có cách tiếp cận khác nhau với công nghệ này, nhưng họ đều chú trọng việc đầu tư và chuyển dần sang các dịch vụ liên quan đến đám mây vì những giá trị thiết thực mà công nghệ này mang lại. 

Theo BCG