Siêu tự động hóa tương lai: của chuỗi cung ứng toàn cầu

Các sự kiện như COVID-19 và các vấn đề địa chính trị khác gần đây đã cho thấy nhiều điểm yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Hai năm vừa qua là thời điểm vô cùng khó khăn. Orange Business Services cho biết 40% tập đoàn đa quốc gia không thể đối phó với cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra và 83% công ty đã nhận thức rõ hơn về rủi ro chuỗi cung ứng so với một năm trước. Tuy nhiên, đại dịch cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số diễn ra nhanh chóng hơn. Theo McKinsey and Company, kể từ khi đại dịch bắt đầu, 85% công ty đã tăng tốc số hóa, 67% công ty đẩy mạnh tự động hóa và AI và 36% công ty đã số hóa chuỗi cung ứng của họ. 

Sự tiến bộ của các công nghệ như AI và IoT có khả năng khởi động lại ngành công nghiệp và hồi sinh chuỗi cung ứng, khi chúng được kết hợp với siêu tự động hóa. Gartner dự đoán rằng, vào năm 2025, khách hàng sẽ tương tác trực tiếp với quá trình sản xuất của khoảng 20% sản phẩm. Đồng thời rất nhiều hoạt động đầu cuối trong chuỗi cung ứng sẽ được tự động hóa hoàn toàn trong vòng bốn năm tới.

Siêu tự động hóa (Hyper Automation) là gì?

Siêu tự động hóa đóng một vai trò quan trọng cho thành công của các doanh nghiệp tương lai. Nó bao gồm tự động hóa quy trình bằng robot (RPA – robotic process automation) với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) cùng các công nghệ kỹ thuật số khác như IoT, chatbots và blockchain… để nâng cao hiệu quả và giải quyết các thách thức của chuỗi cung ứng.

RPA đặc biệt phù hơp với các tác vụ trong chuỗi cung ứng vì nó được thiết kế để dễ dàng thực hiện các nhiệm vụ theo kịch bản, thường xuyên, lặp đi lặp lại, dựa trên quy tắc và có thể dự đoán được. Ngoài ra, RPA có khả năng làm việc 24/7, nhanh hơn, ít lỗi hơn và có chi phí thấp hơn so với con người. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi các chuyên gia dự đoán vào giữa những năm 2030, có tới 30% tổng số công việc được tự động hóa. 

Siêu tự động hóa sẽ tiếp nhận các công việc tốn nhiều thời gian và không quá phức tạp, giải phóng con người để họ có thể tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng và có giá trị hơn đối với doanh nghiệp. Có rất nhiều tác vụ và quy trình mà máy tính không thể thực hiện được, nên tự động hóa không có nghĩa người lao động sẽ bị sa thải hàng loạt. Ngược lại, bằng cách sử dụng RPA, người lao động có thể được đào tạo lại và tạo ra nhiều đổi mới có giá trị hơn trong doanh nghiệp. 

Lợi ích của chuỗi cung ứng siêu tự động hóa

Những năm vừa qua đã cho thấy rõ rằng có nhiều lĩnh vực trong chuỗi cung ứng cần phải được cải thiện. Các quy trình kinh doanh có khối lượng lớn cần được sắp xếp hợp lý và tự động hóa nhiều hơn nữa để tăng tốc và phản ứng ngay lập tức với những biến động bất ngờ. 

Nhiều thứ có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, từ sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng, nguồn cung và các yếu tố bên ngoài khác. Nếu không có tự động hóa và khả năng thay đổi nhanh chóng, những yếu tố này có thể tác động đáng kể đến chuỗi cung ứng và cuối cùng là ảnh hưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. 

Nếu không có quy trình hợp lý, hàng tồn kho sẽ không còn phù hợp với nhu cầu, định giá không chính xác, điều chỉnh giá chậm trễ,… Cho dù môi trường thay đổi nhanh đến mức nào thì chuỗi cung ứng cũng cần phải thích ứng để đảm bảo các quy trình phù hợp được thực hiện. Hơn một năm  trước đây, những tác vụ trên được thực hiện thủ công, nhưng với những tiến bộ công nghệ, RPA có thể tự động hóa chúng nhanh chóng. 

Mọi thứ từ mua sắm và bảo trì dự đoán đến quản lý và thực hiện đơn hàng đều có thể gặt hái được những lợi ích từ RPA. Mặc dù RPA vượt trội trong việc tự động hóa các tác vụ thường xuyên, lặp đi lặp lại và ổn định, nhưng không phải tất cả các quy trình nghiệp vụ đều đơn giản như vậy.

Bằng cách kết hợp các công nghệ khác như cảm biến IoT, máy học, trí tuệ nhân tạo.. RPA có thể xử lý hầu hết các khối lượng công việc. Ví dụ: bằng cách sử dụng học máy, robot RPA có thể học cách hành động tốt nhất và bắt đầu thảo luận qua chatbot với người giám sát nếu cần làm rõ thêm vấn đề gì.

Một ví dụ khác về siêu tự động hóa là trong sản xuất với bảo trì dự đoán. Bằng cách gắn các cảm biến IoT vào máy móc dây chuyền sản xuất, dữ liệu có thể được thu thập và phân tích tự động. Thay vì đợi máy móc ngừng hoạt động để xem vấn đề là gì và lên lịch bảo trì, công nghệ mới này có thể tìm hiểu các yếu tố báo hiệu hỏng hóc và lên lịch bảo trì hoặc sửa chữa trước.

Thông qua sự kết hợp giữa IoT và RPA, nhà sản xuất có thể loại bỏ lỗi, cải thiện thời gian phản hồi và quan trọng nhất là giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động do máy móc hỏng hóc.

Siêu tự động hóa chính là tương lai của chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo nghiên cứu của Manufacturing Global, 42% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đang sử dụng tự động hóa để quản lý rủi ro và con số này sẽ tăng gấp đôi trong vòng hai năm tới. 80% các công ty đa quốc gia cho rằng tự động hóa là điều quan trọng để giúp cả nhân viên và các đối tác chuỗi cung ứng làm việc hiệu quả hơn vì họ được tiếp cận những thông tin chi tiết về dữ liệu.

Bằng cách đầu tư vào công nghệ ngay bây giờ, các tổ chức có thể đảm bảo chuỗi cung ứng của họ bền vững trong tương lai, duy trì tính cạnh tranh và giữ cho ngành công nghiệp toàn cầu phát triển … bất kể có phải đối mặt với yếu tố ngoài tầm kiểm soát nào.

Theo Manufacturingglobal