Trong thời đại hiện nay, người ta nói rất nhiều về platform, trong tiếng Việt có nghĩa là nền tảng kết nối. Vậy nền tảng kết nối (platform) là gì, hãy cùng đi tìm hiểu về nó thông qua quyển sách Cuộc cách mạng nền tảng (tựa tiếng Anh là Platform Revolution).
Theo như quyển sách này: “Nền tảng là hình thức kinh doanh dựa trên việc kích hoạt sự tương tác tạo-nên-giá-trị giữa các nhà sản xuất bên ngoài với người tiêu dùng. Mục đích tổng thể của nền tảng: để tương thích hoàn toàn giữa người dùng với sự thuận lợi trong việc trao đổi hàng hoá, dịch vụ hoặc tiền tệ xã hội, qua đó kích hoạt việc tạo ra giá trị cho tất cả người tham gia.”
Để dễ hiểu, tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ về các platform trên thế giới và ở Việt Nam.
Ví dụ 1: Uber là một nền tảng hoạt động trong lĩnh vực vận tải, nó kết nối tài xế với người những khách hàng có nhu cầu đi lại. Giá trị mà Uber tạo ra đó là những chuyến xe chở khách hàng đến nơi cần đến. Sự thuận lợi mà nó mang lại cho khách hàng là: dễ dàng gọi xe trên điện thoại thông minh, tài xế dễ dàng biết được chính xác khách hàng đang ở đâu, khách hàng dễ dàng thanh toán bằng tiền mặt hoặc là bằng thẻ tín dụng…
Ví dụ 2: Lazada là một nền tảng hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Giá trị mà Lazada tạo ra đó là giúp người bán và người mua có thể thực hiện việc mua bán một cách dễ dàng. Sự thuận lợi mà nó mang lại cho khách hàng: tạo được một marketplace (chợ trực tuyến) để mọi người có thể mua bán dễ dàng, có thể mua hàng mọi lúc mọi nơi, hình thức thanh toán đa dạng…
Thực tế thì hình thức này đã diễn ra từ khá lâu rồi. Có thể nói những chợ truyền thống cũng được xem là một nền tảng kết nối, nó kết nối người bán và người mua. Những sàn chứng khoán cũng là nền tảng kết nối…Nhưng ngày nay, người ta biết đến các platform thường gắn liền với các yếu tố về công nghệ. Nhờ có công nghệ mà các platform có thể kết nối người sản xuất và người tiêu dùng một cách chính xác, nhanh chóng và dễ dàng hơn bao giờ hết. Đặc biệt với sự nổi dậy của các platform như Uber, Facebook, Airbnb…làm cho người ta quan tâm đến chủ đề này nhiều hơn bao giờ hết.
Với những hiểu biết như vậy, giờ chúng ta thử nhận diện và liệt kê ra những doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động theo mô hình platform để hiểu rõ hơn nhé.
Qua đây chúng ta thấy được rằng platform nó hiện hữu trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống chúng ta, vì thế việc trang bị những kiến thức về platform là cần thiết. Nó cần thiết cho người muốn xây dựng một platform cho doanh nghiệp của mình, điều đó là không còn gì để bàn cãi. Và nó cũng cần thiết cả cho tất cả những người khác, dù bạn làm bất kỳ ngành nghề gì, một khi bạn có kiến thức về nó để có thể dùng những platform thích hợp để phục vụ cuộc sống cho chính mình.
Cùng đến với một ví dụ nữa để chúng ta hiểu thêm platform đã phục vụ cuộc sống của mình như thế nào nhé. Nền tảng tôi muốn giới thiệu ra đây đó là Wattpad.com – một nền tảng dùng để chia sẻ những câu chuyện, truyện ngắn của mình. Taran Matharu là một chàng trai trẻ có niềm đam mê về viết lách, anh ta đã đăng những trích đoạn của quyển sách mình đang viết lên lên trang Wattpad này. Sự hấp dẫn của câu chuyện công với một cộng đồng độc giả lớn của Wattpad đã tạo ra được sự thành công bất ngờ của anh ấy: nó đã thu hút hơn 5 triệu độc giả. Sau đó, quyển sách này đã xuất bản rộng rãi trên nhiều nước, và anh cũng đã quyết định trở thành một tác giả chuyên nghiệp. Rõ ràng là nền tảng Wattpad đã mở ra một chân trời mới dành cho những người những người viết sách không chuyên như Taran Matharu.
Khi chúng ta nói đến platform thì không thể không nhắc đến một bài toán kinh điển của nó, đó là bài toán con gà-quả trứng. Platform là một nền tảng trung gian giữa người bán và người mua, người tạo ra giá trị và người tiêu thụ giá trị…Vì thế người bán, người tạo ra giá trị sẽ không tham gia nền tảng nếu như ở đó không có người mua, người tiêu thụ giá trị. Và ngược lại, người mua, người tiêu thụ giá trị cũng sẽ không tham gia vào nền tảng nếu như ở đó không có người bán, người tạo ra giá trị. Bài toán nào rồi cũng có lời giải. Bài viết sau, tôi sẽ giới thiệu đến các bạn những cách thức mà người ta đã dùng để giải bài toán con gà-quả trứng này. Khi nào thì phát triển người bán trước, khi nào thì phát triển người mua trước, hoặc là khi nào phải phát triển cả người bán lẫn người mua đồng thời.
Xem phần giới thiệu của HTV về cuốn sách “Cuộc cách mạng nền tảng”
Huỳnh Hữu Tài (Dịch giả cuốn sách: Cuộc cách mạng nền tảng)