Hãy nghĩ đến lần gần đây nhất mà bạn nhận được khen ngợi và bị phê bình. Khỏi phải nói, khi nhận được lời khen, bạn cảm thấy thoải mái biết bao – và khi nhận phải lời phê bình, bạn buồn bã và muốn tống khứ nó ra khỏi cuộc đời thôi.
Bạn không phải ngạc nhiên với phản ứng của mình đối với những lời nhận xét không mấy tích cực, bởi đó chính là cơ chế sinh tồn của con người khi né tránh những sự chỉ trích. Chúng ta, rõ ràng là không muốn được nhìn nhận như một kẻ thất bại, nên chúng ta thà nhắm nghiền mắt và bịt tai lại còn hơn nhận phê bình từ người khác.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này là một vấn đề nghiêm trọng. Cụ thể là, bằng cách làm mọi thứ có thể để tránh bị chỉ trích, chúng ta cho phép mình đi trên một đường cao tốc bất tận của tầm thường.
Nếu không nhận được phản hồi tiêu cực và những lời phê bình từ người khác, sự phát triển và mọi cơ hội của chúng ta sẽ bị kìm hãm. Và trong một thời gian dài, chúng ta không chỉ có khả năng thất bại mà còn thất bại thảm hại nữa là khác.
Dòng KIN phone của Microsoft là một ví dụ điển hình cho việc không nhận được phê bình là cách thức nếm trọn mùi thất bại. Ra mắt vào năm 2010, dòng điện thoại thông minh này là một thất bại lớn dù cho nó đã tốn hết 1 tỷ đô cho việc phát triển và marketing sản phẩm. Thật không thể tin được, mẫu điện thoại này chỉ tồn tại trên thị trường vỏn vẹn 48 ngày. Vấn đề ở đây là gì? Microsoft đã thất bại trong việc thử nghiệm toàn diện dòng điện thoại này với khách hàng mục tiêu. Chỉ sau khi chiếc điện thoại này lên kệ thì nó là minh chứng hiển hiện rằng ở độ tuổi từ 15 đến 30, người ta thích sử dụng Androids, BlackBerrys và Iphone hơn là điện thoại Microsoft KIN.
Nếu như việc chỉ trích và phản hồi được tiếp nhận bởi khách hàng mục tiêu trong quá trình phát triển dòng điện thoại này, thì Microsoft có lẽ đã tránh được một cú mất mặt và không phải tổn thất tài chính như thực tế. Như câu chuyện vừa rồi đã nêu, việc sớm nhận được những lời chỉ trích là yếu tố không thể thiếu cho một tương lai thành công sau này.
Sự tán dương quá mức làm hao mòn động lực cố gắng
Tôi tin rằng phê bình tốt hơn là khen ngợi. Nhưng tại sao tôi lại nghĩ như thế? Tôi sẽ cho bạn một phép ẩn dụ để giải thích điều này.
Phác họa trong đầu mình rằng lời khen là một món ăn thật ngon lành. Bây giờ, không ai phản bác rằng thức ăn dinh dưỡng cho sức khỏe là một thứ tồi tệ. Tuy nhiên, ăn ít thì tốt, ăn nhiều thì lại hại bản thân. Có thể bạn bất ngờ khi nghe về điều này, thậm chí là điều đó còn có tác dụng đối với việc uống nước, ăn trái cây mỗi ngày nữa.
Quá rõ ràng, nạp vào cơ thể quá nhiều loại đồ ăn thức uống – dù cho chúng có tốt cách mấy đi nữa – chúng vẫn khiến bạn bị bệnh. Để có được sức khỏe tối ưu, chúng ta cần phải cân bằng dinh dưỡng từ đồ ăn đến thức uống. Dinh dưỡng giống như một lời khen ngợi. Lúc nào cũng được khen là một điều tốt, song nếu như đó là tất cả những gì bạn nghe được, có thể chúng sẽ tác động tiêu cực đến khả năng mà bạn đạt được mọi thứ trong cuộc sống.
Lời tán thưởng khiến chúng ta khiến chúng ta tách biệt khỏi động lực làm việc ban đầu, đơn thuần chỉ là tận hưởng công việc. Chúng ta bắt đầu thực hiện công việc chỉ vì muốn nhận được những lời tán dương, thỏa mãn chính bản thân mình.
Tuy nhiên, sau một thời gian chúng ta sẽ mắc kẹt, bị giam hãm bởi những lời tán thưởng. Không trông mong vào sự khen nợi, chúng ta mất hẳn động lực để làm việc.
Ví dụ cho vấn đề này, hãy nghĩ đến lúc bạn học cách chơi một môn thể thao mới. Nếu như huấn luyện viên chỉ chăm chăm khen ngợi bạn, thì có thể bạn đã bỏ lỡ những gì bạn đã làm sai. Hệ quả là, khả năng học hỏi và trau dồi kỹ thuật của bạn có lẽ đã bị mai một đi.
Lời chỉ trích khuyến khích cho sự phát triển
Để làm rõ điều này, tôi không nói về những lời chỉ trích lăng mạ, tôi nói về những lời phê bình có cơ sở, tôi nghĩ rằng đó là những lời phê bình có giá trị. Phản hồi giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn.
Nếu bạn cho rằng mình luôn luôn đúng mà quên đi nhận xét của người khác, làm sao bạn có thể biết chắc chắn được những gì mình làm đều đúng? Lắng nghe và hành động với tầm nhìn chân thực sẽ nói cho bạn biết một cách chính xác những gì mình đang làm tốt – và những việc bạn có thể làm tốt hơn nữa.
Cách nhận xét này cho phép bạn đánh giá được hành động và cách thức bạn làm việc. Nếu bạn tiếp nhận lời phê bình một cách khôn ngoan, chúng có thể hướng bạn tránh khỏi những thói xấu và dẫn bạn đến những điều tốt đẹp hơn.
Lời phê bình đúng đắn là nhận xét chân thực giúp ích cho bản thân chúng ta.
Phát triển bản thân bằng năng lượng của sự phê bình
Bây giờ bạn đã quen với những lợi ích từ sự phê bình, hãy nghiên cứu một số cách để bạn có thể sử dụng chúng cho việc nâng cao năng suất làm việc và khả năng thành công trong cuộc sống.
Nhìn chung, một lời phê bình có hiệu lực hơn tất cả mọi câu khen ngợi.
Ví dụ, bạn hãy tưởng tượng mình đang học cách chơi guitar, vào hôm biểu diễn đầu tiên của mình, thầy nói với bạn rằng: “Em đã chơi rất hay.” Bây giờ, đấy là những câu từ bạn muốn nghe, nhưng chúng không có tác dụng trong việc giúp bạn cải thiện khả năng của mình bằng câu: “Em cần phải luyện tập nhiều hơn nữa.” Với lời khuyên nhủ như thế này, bạn nhận được hướng dẫn cụ thể cho việc làm thế nào để cải thiện nhanh chóng khả năng chơi đàn của mình. (Có thể bạn sẽ dành hàng giờ liền để luyện tập)
Chủ động tìm kiếm những lời phê bình bằng việc nhờ người khác nhận xét những gì bạn làm. Đây có thể được coi là một dạng câu hỏi.
Tiếp tục với ví dụ chơi đàn guitar ở trên, bạn có thể hỏi người dạy mình (hoặc người đã nghe bạn đàn) rằng: “Tôi có thể làm gì tốt hơn?” Bạn có thể hỏi những câu hỏi mang tính chuyên môn hơn. Chẳng hạn như: “Tôi chơi đoạn dạo đầu như vậy có đúng chưa?”
Hãy chân thành, hầu hết tất cả mọi người đều không biết phải đưa ra nhận xét như thế nào – họ thực chất hay đưa ra những nhận xét mơ hồ với nhiều cảm xúc khác nhau. Hỏi những câu mang tính chuyên môn, bạn sẽ nhặt được những câu nhận xét có giá trị, giúp bản thân học hỏi và phát triển nhanh chóng.
Tuy nhiên, việc đặt câu hỏi là để có được những nhận xét hữu dụng, không phải để bạn nghi ngờ về chính khả năng và kỹ năng của mình.
Đón nhận sự phê bình với lòng kiên nhẫn.
Khi bạn nhận lời phê bình, tôi thiết tha nghĩ chúng ta nên:
- Im lặng và lắng nghe: cố gắng lắng nghe càng nhiều ý kiến càng tốt, để nhận được một bức tranh đầy đủ quan điểm và góc nhìn khác nhau.
- Hỏi những câu hỏi rõ ràng: Mục đích là để hiểu những gì người khác nói khi họ phê bình bạn. Đừng vội phán xét rằng họ sai. Hiểu trước đã, rồi sau đó mới bắt đầu phân tích ý kiến của họ.
- Hỏi về đề xuất cải thiện, nhưng phải luôn nhìn lại mục tiêu của mình. Sau khi làm rõ vấn đề, hãy hỏi về những đề xuất cải thiện, nhưng không phải để cố gắng thỏa mãn tất cả các nhu cầu của người khác. Thay vào đó, hãy nhìn lại mục tiêu của mình để nhận ra cách cải thiện có thể phù hợp như thế nào với những định hướng ban đầu của bạn.
- Nắm giữ quyền kiểm soát vấn đề: Chọn đúng người. Điển hình là, đây nên là một người chân thành, không thiên vị, luôn muốn những điều tốt nhất cho bạn.
Phản hồi nhanh chóng cũng quan trọng.
Tốc độ cũng rất quan trọng mỗi khi nhận phản hồi.
Nhận được phản hồi càng sớm, bạn càng nhanh chóng biết được mình phải cải thiện những gì trước khi bắt tay vào công việc. Ví dụ như, nếu bạn đang lên kế hoạch cho việc kinh doanh của riêng mình, hãy nhờ một người bạn thú vị nào đó đưa ra những nhận xét cho ý tưởng của bạn. Làm việc này trước khi bắt đầu dự án kinh doanh, bạn sẽ tiết kiệm cho mình khoảng thời gian quý báu để học hỏi trên một quãng đường dài và khó khăn.
Tìm kiếm sự phê bình thay cho lời khen ngợi
Quyển sách Sức Mạnh Của Suy Nghĩ Tích Cực của tác giả Norman Vincent Peale đã nói rất đúng:
Vấn đề mà hầu hết chúng ta đều mắc phải chính là chúng ta thà bị chôn vùi bởi những lời tán dương còn hơn được cứu sống bởi sự phê bình.
Điều này hoàn toàn đúng.
May mắn thay, bây giờ bạn đã có được chiếc chìa khóa giúp mình tránh xa khỏi việc tìm kiếm những lời khen ngợi – thay vào đó, là những lời phê bình đầy sức thuyết phục. Và một khi bạn bắt đầu đưa vào sử dụng chiếc chìa khóa này, bạn sẽ mở được mọi cánh cửa dẫn lối đến học hỏi, phát triển và thành công.
Chem (Theo Lifehack.org)