Lí Do Vì Sao Bạn Cần Đặt Ra Những Mục Đích Cho Tương Lai (Và Cách Để Hiện Thực Hóa Chúng)

Thật đơn giản khi sống một cuộc sống mà không có bất cứ một mục đích đáng kể nào. Thật đơn giản khi lảng tránh thách thức của việc đặt ra những mục đích và chịu trách nhiệm cho việc thực hiện chúng.

Nhưng nếu không có bất kỳ mục đích nào thì cuộc sống của bạn sẽ trôi dạt vô định và thiếu đi những kết quả có ý nghĩa. Điều tồi tệ nhất có thể xảy đến với bạn chính là phải đối mặt với những ngày cuối đời và nhìn lại cuộc sống của bạn, rồi tự hỏi làm thế nào mà mình lại phá hủy cơ hội tuyệt vời để xây dựng một cuộc sống có ích mà mình từng có.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét các lý do tại sao bạn nên bắt đầu thiết lập các mục đích trong tương lai và làm thế nào để đặt ra các mục đích giúp bạn có một cuộc sống trọn vẹn.

Lí Do Vì Sao Bạn Cần Đặt Ra Những Mục Đích Cho Tương Lai

Chúng Là Nguồn Gốc Của Hạnh Phúc

Có được những mục đích giàu ý nghĩa giúp bạn sống có chủ đích hơn. Nó là lý do khiến bạn thức dậy vào mỗi buổi sáng, rời khỏi giường và sống một cuộc sống có định hướng rõ ràng.

Những mục đích đem đến cho bạn năng lượng, sức sống và điều gì đó để hướng đến mỗi ngày. Sau cùng, niềm hạnh phúc của bạn sẽ được tăng lên khi bạn bắt đầu nhận thấy bạn đang tiến lên cùng với những mục đích của mình, khi mỗi ngày trôi qua và bạn tiến gần hơn một chút đến những gì bạn đã đề ra thì bạn sẽ tập trung và có nhiều năng lượng hơn để thúc đẩy điều đó thêm một chút nữa.

Chúng Chính Là Một Tấm Bản Đồ Trong Cuộc Hành Trình

Tuy nhiên việc có được những mục đích còn hơn thế nữa. Những mục đích sẽ như một tấm bản đồ trong cuộc hành trình của bạn.

Mục đích của bạn có thể liên quan tới sự nghiệp của bạn. Hãy tưởng tượng tới việc một ngày nào đó bạn sẽ bắt đầu công việc kinh doanh của chính mình. Một ý tưởng như việc bắt đầu kinh doanh xuất phát từ hình ảnh tưởng tượng trong tâm trí bạn.

Khi bạn nghĩ xa hơn về ý tưởng của mình, bạn sẽ bắt đầu hình ảnh hóa việc điều hành công việc kinh doanh của mình sẽ như thế nào. Chẳng có ông chủ nào kè kè theo dõi xem bạn đang làm gì, chẳng có những đồng nghiệp phiền toái luôn cản trở bạn với những vấn đề của họ và phàn nàn về chuyện họ phải làm việc cực nhọc ra sao. Bạn có quền tự do đưa ra quyết định sẽ làm gì và khi nào sẽ làm.

Khi bạn hình dung ra ý tưởng của mình, bạn sẽ tự hỏi mình câu hỏi: Như thế nào? Tôi sẽ bắt đầu công việc kinh doanh của chính mình như thế nào? Tôi phải làm gì để bắt đầu? Những câu hỏi này chính là những bước đầu cho một kế hoạch và một mục đích, nói một cách đơn giản, chính là một kế hoạch cho tương lai.

Mục đích cũng không nhất thiết phải liên quan tới chuyên môn như việc bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của riêng mình. Có thể đó là ước muốn chinh phục đỉnh Kilimanjaro trước sinh nhật lần thứ 50. Một lần nữa, mọi thứ bắt đầu từ một ý tưởng, bạn có thể đã xem qua tài liệu về đỉnh Kilimanjaro, hoặc một người bạn đã chinh phục nó vài năm trước và kể cho bạn nghe đó là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất mà cô ta từng có trong cuộc đời mình.

Dù cho nguồn cảm hứng có đến từ đâu đi chăng nữa thì bạn vẫn bắt đầu hình dung chính mình leo lên đỉnh núi, kiệt sức nhưng đầy hứng khởi vì đã đạt được điều gì đó mà chỉ một số ít người mới có thể làm được trong cuộc đời họ.

Lại một lần nữa câu hỏi: “như thế nào?” lại xuất hiện trong tâm trí bạn, và một lần nữa xuất hiện những khởi đầu mới cho một kế hoạch bắt đầu hình thành. Một mục đích mới nữa.

Chúng Là Một Ý Định Rõ Ràng Cho Cuộc Sống

Khi bạn suy nghĩ về điều đó thì toàn bộ cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành tâm điểm của những mục đích. Thức dậy để làm việc vào một ngày thứ hai mưa gió và giá lạnh yêu cầu bạn phải có mục đích bước ra khỏi giường vào một thời điểm nhất định. Đó không phải là một mục đích dễ chịu tí nào với nhiều người, nhưng mặc dù vậy, nó vẫn là một mục đích. Về nhà đúng giờ ăn tối với gia đình cũng là một mục đích.

Hầu hết mọi thứ mà chúng ta muốn thực hiện và đạt được trong cuộc sống yêu cầu một ý chí để đạt được điều gì đó. Đó chính là lời giải thích cho những mục đích là gì. Một ý chí làm điều gì đó vào một khoảng thời gian xác định

Cách Để Bắt Đầu Quá Trình Phát Triển Những Mục Đích Cho Tương Lai

  1. Bắt Đầu Với Tầm Nhìn Của Bạn

Bắt đầu với thứ mà bạn nhìn thấy rằng mình muốn đạt được. Dù cho nó có là một mục đích cá nhân hay nghề nghiệp thì bạn cũng cần phải có một cái nhìn rõ ràng xem điều mà bạn muốn có là gì.

Dành thời gian để thực sự nhìn xem kết quả sau cùng sẽ như thế nào. Nhắm mắt lại và hình dung ra nó, hình dung ra việc bạn sẽ đạt được mục đích của mình.

Giả sử nếu bạn muốn xây dựng một tương lai tài chính vững chắc cho chính mình và gia đình, điều đó sẽ như thế nào? Sẽ là tiết kiệm tiền trong ngân hàng hay là cả một danh sách những khoản đầu tư tài chính?

Nếu bạn muốn có một kì nghỉ trong đời với những người bạn thân thiết nhất vào mùa hè, bạn sẽ đi đâu? Các bạn sẽ làm gì? Hãy hình dung chính bạn đã đạt được mục đích của mình. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào?

Hãy cảm nhận những cảm xúc đó trong trí tưởng tượng của bạn. Cảm nhận nụ cười trên khuôn mặt bạn, cảm nhận tiếng cười giòn giã, niềm vui và sự phấn chấn khi bạn bước lên máy bay.

2.  Đặt Ra Những Câu Hỏi Đúng Đắn

Câu hỏi hay nhất để hỏi chính là: Tôi phải làm gì để…? Đây chính là một câu hỏi đầy quyền lực bởi vì nó khai mở tâm trí bạn về khả năng đạt được mục đích của mình. Cách mà câu hỏi này được nêu ra có nghĩa là bạn sẽ chỉ cân nhắc về những phương pháp để đạt được mục đích, chứ không phải những cách mà bạn không thể làm được.

Câu hỏi sai lầm chính là “Tôi có thể thực hiện được mục đích của mình bằng cách nào?” Câu hỏi kiểu này gợi ra một đáp án đầy tính xúi giục rằng “bạn không thể”. Những gì bạn muốn làm chính là mở rộng tâm trí mình với những khả năng và những hành động mà bạn phải làm để hiện thực hóa điều đó.

Câu hỏi “tôi phải làm gì?” thường đề cập đến những hành động mà ban đầu bạn có thể cảm thấy không thể, nên bạn sẽ lặp lại câu hỏi lần nữa.

Ví dụ, giả sử bạn muốn xây dựng một tương lai vững chắc cho bạn và gia đình mình, và câu trả lời ban đầu của cho thấy một con số là 1 triệu đô la. Nếu hiện tại bạn đang kiếm được 50.000 đô la một năm, điều đó có nghĩa là bạn sẽ phải làm việc ít nhất 40 năm nữa và để dành một nửa số lương hàng tháng của mình

Thành thật thì điều đó chẳng hề dễ dàng chút nào và thời gian 40 năm có lẽ không khả thi. Vì vậy bạn cần hỏi lại câu hỏi đó lần nữa. “Tôi phải làm gì để có 1 triệu đô la tiền tiết kiệm trước khi nghỉ hưu?” Câu trả lời mà bạn đưa ra sau khi hỏi lại câu này lần nữa sẽ dẫn dắt bạn đến gần hơn với việc vạch ra một mục tiêu với những bước đi khả thi.

3. Xem Xét Những Thói Quen Hàng Ngày Của Bạn

Thói quen và lối hành xử hàng ngày của chúng ta chính là động lực phía sau những kết quả mà chúng ta đạt được trong cuộc sống của mình.

Nếu bạn hút 20 điếu thuốc mỗi ngày, uống hàng đống rượu vang mỗi tối và đi ngủ trong trạng thái say xỉn liên tục thì điều này sẽ gây ra những ảnh hưởng tồi tệ hết sức lên sức khỏe của bạn. Nếu chúng không tiễn bạn đến nghĩa trang sớm thì chắc chắn rằng bạn cũng sẽ phải trải qua những vấn đề chẳng mấy dễ chịu với sức khỏe của mình vào một lúc nào đó thôi.

Những thói quen trên đi cùng với việc ăn uống thiếu lành mạnh và thừa cân quá mức thì bạn sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và bạn bè sau này.

Chính vì những thói quen và cách hành xử hàng ngày của chúng ta có ảnh hưởng lớn tới kết quả mà chúng ta đạt được trong cuộc sống nên bạn cần phải bỏ thời gian phân tích những thói quen của mình.

Xác định những thói quen gây ra những kết quả xấu cho bạn. Ăn uống không lành mạnh, uống rượu quá mức, hút thuốc, than phiền và tọc mạch là những thói xấu phổ biến, tuy nhiên những thói quen khác như cố gắng nằm nướng, thức khuya và chơi điện tử cả đêm cũng chính là một trong số ít những thói quen, nếu cứ lặp đi lặp lại, sẽ gây ra những hậu quả xấu cho bạn.

Nếu bạn muốn chinh phục ngọn Kilimanjaro trước khi bước sang tuổi 50, hãy ra ngoài tập thể dục vào buổi chiều tối. Biến nó thành một thói quen. Dành ra 30 phút mỗi sáng để đọc sách và tìm hiểu về đỉnh Kilimanjaro thay vì kiểm tra email, tin tức trên Facebook hay Instagram. Hãy dùng thời gian của mình theo những cách tích cực hơn.

4. Đặt Ra Giới Hạn Thời Gian

Nếu những mục đích của bạn không có một mốc thời gian và ngày kết thúc, bạn sẽ viện lí do trì hoãn điều bạn cần làm để hiện thực hóa mục đích.

Tất nhiên bạn có thể điều chỉnh các mốc thời gian nếu bạn cảm thấy mình đã quá tham vọng với sự nhiệt huyết ban đầu của mình. Nhưng bạn vẫn thực sự cần một giới hạn thời gian.

Nếu mục đích của bạn là có 1 triệu đô la trước khi về hưu, thì mục đích này cần được xây dựng dựa trên việc bạn cần làm gì để tiết kiệm được 1 khoản trước khi một năm qua đi. Với hầu hết mọi người, nghỉ hưu có thể là một khoảng thời gian vài năm sau này, nhưng bằng việc bắt đầu từ bây giờ, bạn sẽ có đủ thời gian để tích lũy tài sản tiết kiệm và những khoản đầu tư. 

Tương tự như vậy, nếu mục đích của bạn là chạy hết đường đua full marathon trước lúc 40 tuổi thì tùy thuộc vào độ tuổi hiện tại của bạn, bạn cần đặt ra những đích chạy 5km, 10km và half-marahton mỗi năm trước khi chạy một vòng lớn.

Đặt ra giới hạn thời gian và các mốc phải hoàn thành mang đến cho bạn cảm giác cấp thiết phải tiến bộ hơn. Bạn không nhất thiết phải đạt được “mục đích lớn” vào năm đầu tiên, nhưng bạn cần phải có một kế hoạch thường niên đưa bạn đến gần hơn với mục đích lớn đó từng ngày, từng tháng, từng năm.

5. Hình Dung Và Xem Lại Tiến Độ Thường Xuyên

Dù cho những mục đích cho tương lai có là gì đi chăng nữa thì bạn cũng nên có cho mình một chiếc bảng tầm nhìn (vision board) nhằm nhắc nhở bản thân về đích đến cuối cùng của mình.

Dù đó có là việc lập ra kế hoạch tài chính vững chắc, chinh phục ngọn Kilimanjaro hay chạy full marathon thì việc có một chiếc bảng tầm nhìn, dưới hình thức kĩ thuật số, kiểu một cuốn album ảnh trong kho ảnh kĩ thuật số của bạn hoặc 1 tấm bảng trên trang Pinterest hay một chiếc bảng thật trong phòng của bạn cùng với những tấm ảnh và những ghi chú được cắt dán ghi ra những điều bạn muốn làm sẽ giúp cho bạn luôn có động lực những khi bạn cảm thấy chán chường.

Nó mang lại cho bạn có cái nhìn trực quan hơn nhằm giúp bạn xem lại tiến trình của mình và điều chỉnh những hạn thời gian nếu cần thiết

Kết

Tất cả chúng ta đều khác biệt và chúng ta muốn những điều khác nhau trong cuộc sống. Nhiều người trong số chúng ta muốn một công viêc kinh doanh thành công, nhiều người khác lại muốn phát triển một sự nghiệp trong ngành y hoặc luật vững chắc.

Dù bạn có muốn điều gì cho cuộc sống của mình thì đó cũng là cuộc sống của bạn và bạn tùy ý tạo dựng nên nó. Bạn có cơ hội để quyết định, hành động và đạt được mục đích và tất cả đều bắt đầu bằng một ý tưởng và tầm nhìn, theo sau đó là vài câu hỏi và trả lời nhằm đưa ra kế hoạch và đích đến cho cuộc hành trình.

Đừng lãng phí cơ hội này. Bạn không muốn kết thúc chuỗi ngày của mình với đầy nuối tiếc và thất vọng đâu. Cái bạn muốn chính là kết thúc mỗi ngày và biết được rằng mình đã sống một cuộc sống khác thường theo ý mình.

Phi Hải (Theo Lifehack.org)