Vào ngày 9 tháng 1 năm 2007, Steve Jobs đã cho ra mắt phiên bản đầu tiên của iPhone. Nó đã trở thành một khoảnh khắc có sức ảnh hưởng to lớn đến lịch sử của ngành công nghệ – iPhone đã thay đổi gần như tất cả mọi thứ liên quan đến cách thức con người tương tác với nhau, và các thương hiệu trên thị trường, bao gồm cả Android và các hãng khác, cũng nhanh chóng đi theo con đường mà nó mở ra. Nhưng bên cạnh sức ảnh hưởng to lớn đó, bản thân buổi giới thiệu sản phẩm ấy cũng rất thú vị.
Jobs rất nổi tiếng với việc sử dụng các cách diễn đạt như “Khoan đã, vẫn còn một vài điều nữa” hay “Một điều khác là” trong các bài nói chuyện của mình, và ông thậm chí còn mở đầu buổi giới thiệu năm 2007 bằng cách thảo luận về ba sản phẩm mang tính cách mạng mà họ đang chuẩn bị cho ra mắt:
- Thứ nhất, là một chiếc iPod màn hình rộng với bộ điều khiển cảm ứng
- Thứ hai, là một chiếc điện thoại di động hoàn toàn mới lạ
- Và thứ ba, là một thiết bị kết nối Internet đầy tính đột phá
Sau tràn vỗ tay nhiệt liệt từ khán giả, Jobs nói
“Các bạn đã nhận ra chưa? Đây không phải là 3 sản phẩm riêng biệt, mà chỉ là một sản phẩm duy nhất, và chúng tôi gọi nó là iPhone!”
Cách thức mà Jobs đã lên dàn ý cho bài giới thiệu của ông được gọi là “Nguyên tắc số 3”. Vậy nguyên tắc này là gì, và tại sao nó lại đặc biệt như vậy?
Sức mạnh của con số 3
“Nguyên tắc số 3” được nhắc đến trong một cuốn sách của Roy Peter Clark, “How to Write Short” (Làm thế nào để viết một cách ngắn gọn). Ông cho rằng khi các sự kiện và nhân vật được giới thiệu đến khán giả theo bộ 3 sẽ trở nên hài hước, thú vị và hiệu quả hơn trong việc truyền đạt thông điệp và thu hút người đọc hơn. Nguyên tắc này cũng giúp người diễn thuyết trở thành một người có học thức khi biết truyền đạt thông tin một cách đơn giản và hấp dẫn, và khán giả cũng ghi nhớ thông tin một cách tốt hơn.
Martin Luther King Jr., một nhà hoạt động vì quyền công dân và nhà truyền giáo, cũng được biết đến với những lần sử dụng “Nguyên tắc số 3” trong các bài diễn thuyết nổi tiếng của mình.
Trong một bài phát biểu của ông về “Non-Violence and Racial Justice”, “Nguyên tắc số 3” cũng được sử dụng khi ông nhắc đến cặp khái niệm tương phản:
“sự xúc phạm, bất công và bóc lột”,
tiếp theo một vài dòng,
“công lý, thiện ý và tình thân”
Tóm lại, một danh sách bao gồm ba điều gì đó sẽ hấp dẫn hơn là hai, và danh sách đó cũng dễ nhớ hơn là một danh sách dài đến 5 hay 10 điều. Ba lựa chọn sẽ toàn diện hơn, nhưng cũng không phải là quá nhiều tới nỗi khiến cho các khán giả hay người lựa chọn cảm thấy bối rối.
Hãy xem xét một tình huống khi mà bạn chỉ có một sự lựa chọn, hay một thông tin nào đó. Nó có vẻ không đủ, và bạn cũng không có gì để đưa ra so sánh và đánh giá.
Hai thông tin thì khá hơn một chút, nhưng khi bạn có hai lựa chọn, bạn sẽ lập tức đưa ra các so sánh và phản biện trái ngược nhau. Điều đó có thể khiến mọi thứ trở nên cực đoan hơn, và mất đi tính khách quan trong đánh giá.
Vậy ba thì sao? Có phải nó khiến cho mọi thứ trông hợp lý hơn không? Nó bao hàm mọi thứ toàn diện hơn là hai, và cũng cung cấp được những góc nhìn khác nhau của một vấn đề một cách vừa đủ, chứ không quá nhiều.
Hãy đếm đến 3 cho tất cả mọi thứ
Bạn có thể áp dụng “Nguyên tắc số 3” cho hầu hết mọi thứ trong cuộc sống.
- Khi phải giải thích một điều gì đó, hãy đưa ra 3 ví dụ. Như cách Steve Jobs đã làm trong buổi giới thiệu vậy.
- Khi muốn thuyết phục ai đó, hãy đưa ra 3 lý do. Chúng ta nên có một kỳ nghỉ trong năm nay vì chúng ta xứng đáng có được điều đó, chúng ta đang có tiền thưởng và hãng máy bay đang có vé khuyến mãi bay đến Thụy Sĩ.
- Trước khi đưa ra một quyết định, hãy suy nghĩ đến 3 lựa chọn. Chúng sẽ giúp bạn có được một cái nhìn rộng và khách quan hơn.
“Nguyên tắc số 3” có thể sẽ rất quyền lực trong cuộc sống của bạn. Chính nó đã giúp các nhân vật có sức ảnh hưởng lớn như Jobs và King làm nên những bài diễn thuyết nổi tiếng trên toàn thế giới. Hãy thử trải nghiệm và khám phá xem nó có thể giúp gì cho bạn nào.
Nguồn tham khảo:
- Appleblub: [HD] Steve Jobs – iPhone Introduction in 2007 (Complete)
- Standford University: “Nonviolence and Racial Justice”
Hình ảnh: Pixabayvia pixabay.com
Ái Nhân (theo lifehack.org)