Những con số chỉ là nhất thời, cảm xúc mới là mãi mãi – đặc biệt là những cảm xúc về bản thân mình.
Đôi khi sự so sánh là cần thiết… nhưng khi điều đó liên quan đến sự hài lòng và sự trọn vẹn thì rõ ràng sự so sánh lại không còn cần thiết nữa.
Nếu như bạn cứ liên tục so sánh bản thân mình với những người khác thì bạn sẽ rất dễ sẽ cảm thấy thất bại. Nếu bạn là một doanh nhân và bạn so sánh bản thân mình với Richard Branson, bạn sẽ không thể có được chiến thắng. Nếu bạn là một nhạc sĩ và bạn so sánh bản thân với Taylor Swift (đặc biệt khi lại so sánh về thu nhập) thì bạn sẽ không thể chiến thắng. Nếu mục tiêu của bạn là thay đổi thế giới và bạn so sánh bản thân với Steve Jobs…
Đó chính là vấn đề của việc so sánh. Dù bạn cảm thấy mình thành công như thế nào thì dường như còn có người khác thành công hơn. Dường như luôn có ai đó tốt hơn, thông minh hơn, giàu có hơn, và (có vẻ) hạnh phúc hơn cả bạn.
Vì vậy, hãy dừng lại ngay việc so sánh. Hãy tập trung vào bản thân mình mà thôi. Sau đây, hãy nhìn vào các biểu hiện sau để thấy rằng bạn thành công hơn là bạn nghĩ — và chắc chắn thấy rằng, bạn cũng hạnh phúc hơn bạn nghĩ.
- “Tôi có những người bạn thân không?“
Những tình bạn thân ngày càng trở nên ít. Một cuộc khảo sát chỉ ra rằng trong 20 năm qua, số lượng bạn bè mà mọi người cảm thấy có thể chia sẻ các vần đề quan trọng trung bình giảm từ 2,94 xuống còn 2,08.
Nếu bạn có nhiều hơn hai hoặc ba người bạn thân, hãy vui lên vì điều này, không chỉ vui vì có các mối quan hệ xã hội mà còn vì những ảnh hưởng tích cực của các mối quan hệ đến tuổi thọ gấp đôi so với ảnh hưởng của việc tập thể dục và to lớn như việc bỏ hút thuộc vậy.
Và đâu là nơi có những mối quan hệ thân thiết…
- ”Tôi có thể chọn lựa những người ở xung quanh không?”
Vài người có những nhân viên mà khiến họ nổi điên. Vài người có những khách hàng thật đáng ghét. Vài người có quen những người ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mình.
Đoán xem: Chính họ đã chọn những người đó. Những người đó có trong cuộc sống công việc và cá nhân của họ vì họ cho phép điều đó xảy ra.
Những người thành công thu hút những người thành công. Những người chăm chỉ thu hút những người chăm chỉ. Những người tốt chơi cùng những người tốt. Những nhân viên giỏi muốn làm việc với sếp giỏi.
Nếu những người xung quanh bạn là những người mà bạn muốn… bạn đang thành công.
Còn nếu không thì bạn hãy bắt đầu thay đổi.
- ”Liệu tôi có đủ tiền để đưa ra những lựa chọn sáng suốt?”
Rất nhiều người chỉ sống dựa vào tiền lương hàng tháng. Tồi tệ hơn là họ phải lựa chọn giữa những thứ thiết yếu. (Tôi nhớ là mình phải chọn lựa giữa mua thuốc và đổ xăng xe.)
Nếu bạn kiếm đủ tiền và không phải chi tiêu quá nhiều, thì bạn có thể quyết định sáng suốt làm gì với số tiền dư đó — có thể là đầu tư, hoặc đi du lịch, hoặc là đi học thêm điều gì đó… bất kì điều gì bạn muốn làm thay vì là điều bạn phải làm — đó chính là thành công. Bởi vì bạn đã thoát khỏi cuộc sống dựa vào tiền lương và bạn đã tận dụng số tiền dư đó để trở nên thành công hơn.
- ”Tôi có xem những thất bại như là những bài học không?”
Thất bại thật đáng thất vọng, nhưng nó là cách tốt nhất để học hỏi và phát triển. Sẽ luôn có những khó khăn, thử thách và chướng ngại vật — nhưng mà cuối cùng sự kiên trì luôn chiến thắng.
Bất kì người thành công nào cũng đã từng thất bại, rất nhiều lần thất bại nữa là khác. (Đa số họ đều thất bại thường xuyên hơn bạn. Đó là lý do họ thành công như ngày hôm nay.)
Nếu bạn gặp thất bại, hãy rút ra những bài học từ đó, và cam kết với bản thân sẽ làm tốt hơn vào lần sau — đó chính là thành công.
Và từ đó, bạn sẽ càng thành công hơn vì bạn không bao giờ ngừng cố gắng để tốt hơn chính bạn của ngày hôm nay.
- ”Tôi có phải là người thích cho đi?”
Tất cả chúng ta đều đã từng trải qua điều này: Chúng ta đang có một mối quan hệ tốt, chúng ta tìm thấy có rất nhiều điểm chung… nhưng rồi, bùm, người kia nói rằng “Tôi đang cần điều gì đó’.
Và mọi thứ thay đổi.
Những điều đã từng rất thân thiện thì bây giờ cảm thấy như là thiếu thốn… và, nếu bạn giống tôi, cảm thấy có lỗi khi không thể giúp đỡ. (đặc biệt khi bạn quyết định rằng bạn không muốn giúp đỡ.)
Bạn của tôi, Adam Grant, chỉ ra rằng, con người được chia thành ba nhóm chính: những người thích nhận, những người dung hòa, và những người thích cho.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi mà những người cảm thấy mình thành công, có xu hướng không phải là những người thích nhận. Họ nhận sự giúp đỡ nếu ai đó đề nghị, nhưng họ không cảm thấy cần thiết để nhờ vả. Thực ra thì họ lại tập trung vào những gì họ có thể làm giúp cho người khác.
- ”Tôi có coi những người khác là trung tâm không?”
OK, có thể bạn đã làm mọi việc. Có thể bạn đã làm những điều cực kì khó khăn. Có thể bạn đã kiên cường chiến đấu và đánh bại kẻ thù.
Nếu bạn không phải là đang tìm kiếm những lời khen ngợi, thì bạn đang thành công. Điều đó có nghĩa là bạn thấy tự hào từ bên trong. Điều đó có nghĩa là niềm hạnh phúc của bạn đến từ thành công của những người khác. Bạn không cần được tôn vinh, bạn biết bạn đã đạt được những gì.
Nếu bạn thích có sự công nhận từ những người khác nhưng mà bạn không nhất thiết phải cần sự công nhận đó thì bạn đã thành công.
- ”Tôi có cảm nhận được mục tiêu thật sự?”
Những người thành công có một mục tiêu rõ ràng. Vì vậy, họ vui vẻ, cống hiến, đam mê, và không sợ hãi.
Và họ chia sẻ đam mê với những người khác.
Nếu bạn tìm thấy mục tiêu — nếu bạn tìm thấy điều gì đó truyền cảm hứng cho bạn, thúc đẩy bạn, khiến bạn cảm thấy hứng thú để đạt được — điều đó tức là bạn đang thành công, cho dù bạn kiếm được bao nhiêu tiền hay là người khác đang nghĩ gì về bạn.
Tại sao ư?
Bởi vì bạn đang sống theo cách của bạn — và đó là biểu hiện rõ ràng nhất của thành công.
Đinh Văn Sự ( Theo Inc. Southeast Asia)