Có bao giờ bạn chọn tiếp tục theo đuổi thứ gì đó mặc dù chúng đã chẳng còn làm thỏa mãn bạn chưa? Có thể đó là một chương trình cấp chứng chỉ hoặc một công việc dậm chân tại chỗ mà bạn từ chối vứt bỏ. Có thể đó là việc bạn duy trì một mối quan hệ chẳng qua vì lí do bạn đã gắn bó với nó quá lâu. Thỉnh thoảng, chúng ta đều biện cớ cho việc duy trì cái gì đó bằng cách xem xét những nỗ lực mà ta đã bỏ ra để đạt được đến tình hình hiện tại.
Nhiều người trong số chúng ta chọn một công việc chỉ để sử dụng tốt những thứ ta đã được đào tạo. Chúng ta bỏ tiền và thời gian để có được bằng cấp và hi vọng rằng mình sẽ dùng được nó. Có thể bạn chán ghét công việc của mình, thế nhưng bạn chỉ có thể tưởng tượng được mình làm trong những vị trí tương tự với tiền công và trách nhiệm bằng hoặc hơn. Bạn có thể thấy bế tắc vì những quyết định trước đây của mình, nhưng thực ra bạn không bắt buộc phải như vậy.
1. Bất cứ điều gì mà bạn làm, hãy làm chúng vì bạn yêu thích
Khi bạn đang cố gắng tìm hiểu làm thế nào để đưa ra quyết định về nghề nghiệp, bạn sẽ khá dễ bị ảnh hưởng bởi loại công việc và kiến thức mà bạn đã được đào tạo. Nói chung chung, bạn đã lấy được chứng chỉ và được đào tạo trong một ngành mà bạn thấy hứng thú thì sẽ dẫn tới kết quả là bạn có được công việc trong ngành đó.
Nếu bạn quyết định bỏ việc thì nhiều khả năng bạn sẽ tham khảo những công việc trong cùng ngành với mức lương và trách nhiệm tương tự. Bạn ít có xu hướng xem xét tới việc bản thân vẫn còn thích loại công việc đó hay không – bạn cảm thấy bị buộc tiếp tục rập khuôn con đường nghề nghiệp mặc kệ bạn cảm thấy thế nào.
Đây là nguyên do người ta thường mắc kẹt với những công việc mà họ không thích thú. Thay vì nghĩ đến thứ khiến cho bản trở thành một bản thân tốt đẹp và hạnh phúc nhất, bạn lại đối mặt với sự cám dỗ tiếp tục duy trì hiện trạng của bản thân. Nhiều người trong số chúng ta làm như vậy bởi vì chúng ta sợ bỏ phí những nỗ lực của mình.
Nhiều người khác lại cho rằng sự kiên trì của họ cuối cùng sẽ đem lại kết quả, và việc thay đổi hướng đi thì không phù hợp với những câu chuyện họ đang tạo ra cho bản thân hay công ty mình. Họ có thể sẵn lòng trả những chi phí chìm không thể lấy lại với niềm tin rằng tình hình sẽ cải thiện.
2. Đừng mắc kẹt với chi phí chìm
Quan điểm sai lầm chi phí chìm là sự nhầm tưởng rằng bạn bắt buộc phải đi tiếp một con đường vì bạn đã bỏ rất nhiều nguồn lực vào nghề nghiệp hay nỗ lực của bạn thân. Chúng ta có thể trở nên quả sợ mất mát đến mức bỏ qua cơ hội giành được nhiều thứ hơn bằng việc thay đổi cách tiếp cận.
Nếu bạn đang trăn trở với quyết định về nghề nghiệp, và bạn chọn một công việc chủ yếu chỉ vì bạn đã được đào tạo nhiều năm với nó, thì có thể bạn đang lo lắng về chi phí chìm hơn là hạnh phúc và thành công trong tương lai của mình. Việc từ chối rời bỏ một công việc không làm bạn thỏa mãn có thể là dấu hiện bạn mắc kẹt trong cái bẫy mang tên đầu tư vào công việc, cũng chính là một dạng của quan điểm sai lầm chi phí cơ hội.
Nhiều doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh ngày càng đi xuống chỉ vì họ đã bỏ ra tiền và thời gian cho những bước đi đầu tiên. Ví dụ, một doanh nhân có thể vay mượn để mở ra địa điểm kinh doanh thứ 2. Anh ta lí lẽ rằng vì việc kinh doanh bùng nổ ở địa điểm số 1, thì sự thành công ở địa điểm thứ 2 cũng là việc dễ dàng.
Khoảng một năm sau, người chủ nhận ra cửa hang số 2 hao mòn kha khá tiền, và cách duy nhất để ngưng tình cảnh chảy máu doanh nghiệp là thu nhỏ phạm vi về một cửa hàng như cũ. Những con số không biết nói dối, nhưng bất kể chứng cứ không thể chối cãi, người chủ vẫn không thể cắt bỏ tổn thất của anh ta. Người chủ nghĩ nhiều đến nỗ lực, thời gian và cả tình cảm đã bỏ ra cho cửa hàng số 2.
Từ quan điểm của người ngoài, có thể dễ dàng thấy rằng người chủ trong ví dụ hay một người nào đang mắc kẹt trong công việc không hứng thú nên thử trải nghiệm những thứ mới. Việc vứt bỏ chi phí chìm trở nên khó hơn khi ta tự đối diện với bản thân mình.
3. Bạn không phải là con ngựa độc nhất trên một đường chạy
Chỉ vì bạn đã học được thứ gì đó ở trường không có nghĩa là bạn phải gắn mình với những chuẩn mực đó suốt phần đời còn lại. Khi bạn đang cố gắng quyết định về nghề nghiệp của mình, hãy trả lời những câu hỏi sau:
- Làm việc gì khiến bạn hứng thú? Nếu bạn tâm huyết với công việc của mình, nó sẽ không khiến bạn cảm thấy như một gánh nặng.
- Kĩ năng nào bạn cần cho công việc? Chúng ta thường nghĩ về bằng cấp hoặc đào tạo chính quy như lựa chọn nghề nghiệp mặc định, nhưng mặc định có thể không phải là lựa chọn tốt nhất. Nếu bạn cần phải chuyển đổi, những kĩ năng chung nào bạn có, và cần phải học thêm gì để bạn có thể thành công?
- Công việc này có đủ tiềm năng phát triển? Ngày nay, nhân viên ở lại với công ty trung bình khoảng 4.2 năm trước khi chuyển đi. Những kĩ năng nào bạn có thể học được trong công việc hiện tại? Làm thế nào để sự trưởng thành của bạn có thể làm đòn bẩy cho một công việc khiến bạn cảm thấy thỏa mãn và trọn vẹn?
- Bạn có cơ hội làm việc với nhiều người khác nhau không? Tạo quan hệ với nhiều người là một trong những thứ tốt nhất bạn có thể làm được cho nghề nghiệp bản thân. Bạn sẽ không chỉ hạnh phúc hơn ở nơi làm việc, mà bạn sẽ xây dựng được kết nối vững chắc trong ngành mình nếu thay đổi công việc.
- Công việc này có thể cho bạn những gì trong 3 năm? Xem xét những kì vọng của bản thân về thu nhập và quyền hành trong vòng ba năm tới. Công việc này có cho bạn thứ bạn muốn không? Nếu không, việc chọn vị trí này sẽ làm thế nào để bạn hướng tới được mục đích cuối cùng?
- Công việc này có giúp bạn trở thành người mà bạn mong muốn trở thành không? Được truyền cảm hứng trong công việc có thể chiếu sáng những ngày tăm tối nhất trong đời bạn. Bạn có thấy ý nghĩa trong công việc mình làm không? Nó có giúp bạn đến được với bản thân hoàn hảo không?
4. Biết cách nắm chặt và buông bỏ
Bạn không thể lấy lại được những chi phí chìm, nhưng bạn không cần phải kéo dãi vĩnh viễn vòng tròn tổn thất đó. “Mình đã bỏ ra quá nhiều thời gian cho thứ này” không phải là biện minh đủ tốt để tiếp tục một con đường nào đó.
Quyết định thay đổi hướng đi không có nghĩa là bạn thất bại. Nó chẳng có nghĩa lí gì khi tiếp tục bỏ ra nguồn lực cho thứ mà không phải dành cho bạn. Mặc dù bạn có thể cảm thấy đã phí phạm một trải nghiệm hoặc tốn thời gian, hãy nhớ rằng bạn đã học được những thông tin có giá trị khi thực hiện quá trình. Chỉ vì nó không theo ý bạn muốn không có nghĩa nó hoàn toàn là tổn thất.
Thành công và theo đuổi ước mơ nhiều khi không có điểm chung. Hãy sử dụng những gì bạn học được để tiếp tục trưởng thành, đừng nhụt chí nếu bạn phải thay đổi khi đang ở giữa con đường.
Châu Đoàn (Dịch từ lifehack.org)