Tony Robbins – tác giả, diễn giả kiêm, nhà huấn luyện doanh nghiệp nổi tiếng thế giới – luôn nhấn mạnh một điều: Bước nhảy vọt phi thường lúc nào cũng chỉ đến sau cơn tụt dốc không phanh.
Trên thực tế, rất nhiều doanh nhân trên thế giới đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng ngay sau khi chạm đến đáy thấp nhất của cuộc đời mình.
Những bí quyết vượt qua “cơn bĩ cực” dưới đây được Entrepreneur tổng hợp từ diễn đàn The Oracles – nơi các nhà kinh doanh hàng đầu thế giới chia sẻ những lời khuyên và chiến lược thành công tốt nhất để giúp những người khác phát triển kinh doanh, sống tốt hơn và đạt được thành công nhanh hơn.
1. Dành thời gian nghỉ ngơi – Roberto Orci, biên kịch và nhà sản xuất tại kinh đô điện ảnh Hollywood với doanh thu toàn cầu gần 5 tỷ USD
Tôi với người bạn tâm giao cũng là đồng sự biên kịch đã cùng làm việc trong 24 năm. Chúng tôi đã viết kịch bản và sản xuất nhiều phim bom tấn, thu về gần 5 tỷ USD phòng vé cũng như trở thành một trong những cặp đôi biên kịch được săn đón nhiều nhất trên Tinseltown.
Một số tác phẩm mà cả hai cùng hợp tác như Mission Impossible III, Transformers, và Star Trek. Thế nhưng, chỉ trong tích tắc, mọi thứ đều chấm dứt. Mỗi người một ngả, tôi trở thành chú ngựa cô độc chỉ sau một đêm.
Khoảnh khắc mối hữu hảo gần nửa đời người kết thúc, sợ hãi và nghi hoặc bao trùm lấy tôi: Tôi sẽ ổn chứ? Người khác sẽ nghĩ gì về việc này? Các studio có còn đặt tôi viết kịch bản không?…
Ngậm ngùi, tôi dành thời gian nghỉ ngơi và thậm chí đã cân nhắc “nhảy việc”. Nếu kéo dài con đường biên kịch chỉ đơn thuần để giữ lại danh tiếng và chứng minh bản thân mình với người khác thì quả thật, tôi chẳng mong muốn tiếp tục chút nào.
Thời gian thảnh thơi giúp tôi nhận ra một khía cạnh khác của cuộc sống này: Khoảnh khắc ta chìm trong cơn giông tố cuộc đời lại là lúc bản thân học tập và trưởng thành hơn cả. Chính trong hoàn cảnh ấy, ta mới biết mình thực sự là ai. Một số người sẽ không bao giờ được trải qua khoảnh khắc ấy. Một thân một mình bước tiếp vai trò biên kịch đã đem lại cho tôi trải nghiệm đó.
Tôi đã dũng cảm ôm lấy nỗi sợ của mình, dạn dĩ bước tiếp với tất cả sức lực và nhiệt thành của bản thân. Chính điều ấy đã thổi làn gió mới, sáng tạo và tự do đến lạ thường, mà trước đây tôi chưa từng bắt gặp. Hiện, tôi đang thực hiện 2 bộ phim nhựa và một show truyền hình cùng với nhiều dự án khác trong tương lai.
2. Tầm sư học đạo – Tai Lopez, nhà đầu tư, cố vấn, người thành lập đế chế marketing online trị giá hàng chục triệu USD
Thuở nhỏ, tôi rời khỏi căn nhà lục đục và xào xáo của gia đình để làm công tại một trang trại thuộc Amish, bang Pennsylvania. Ngày nào cũng vậy, khi trời còn tang tảng sáng, tôi đã phải thức dậy làm việc. Nai lưng gồng gánh trong nhiều năm nhưng tôi vẫn mãi co ro trên chiếc ghế bành trong xe, cũng là căn nhà di động của tôi và mẹ.
Tôi đã chẳng có hình mẫu thành công hay thần tượng nào để làm gương cả. Lúc đó, bố tôi đang trong tù. Bế tắc, tôi hỏi người chú phương xa chuyên mua bán xe hơi và nhận được câu trả lời: “Đi bán hàng đi nếu con muốn làm giàu”.
Tôi không thích buôn bán xe nên quyết định dấn thân vào tài chính. Tuy nhiên, tôi lại chẳng có tấm bằng đại học nào lận lưng cả. Túm lấy quyển niên giám điện thoại, tôi gọi và xin được gặp mặt Mike Stainback, ông chủ một doanh nghiệp bảo hiểm trong vùng.
Tôi nói rằng hẳn ông phải là người thành công lắm khi có thể “bao” nguyên một trang quảng cáo trên cuốn niên giám này và tôi sẽ sẵn sàng làm việc không lương cho ông nếu ông chịu dạy tôi tất thảy những điều mà ông biết. Mike Stainback đáp: “Nhóc, tôi đã tìm người như cậu suốt 20 năm rồi”.
Stainback đã chỉ cho tôi “cold call” (gọi điện tiếp cận khách hàng qua điện thoại) và bán hàng là như thế nào. Bên cạnh đó, tôi cũng cố gắng tích lũy kiến thức và kỹ năng thông qua sách vở, các khóa huấn luyện và hội thảo. Trong quá trình “dùi mài kinh sử”, tôi tình cờ phát hiện ra một phương án tiếp thị khá mới mẻ vào thời đó nhưng lại rất phổ biến bây giờ: Google Adwords.
Chẳng mấy chốc, tôi bắt đầu mở các chiến dịch quảng cáo và tìm được kha khá leads (đầu mối kinh doanh). Bình quân, cứ mỗi 200 USD bỏ ra tôi mang về cho khách hàng khoảng 1.500 USD, và tôi “bỏ túi” 20% mỗi phi vụ.
Điều này đã làm Stainback chú ý. Ông đã giới thiệu tôi làm việc cho trưởng chi nhánh của Công ty GE Capital trong khu vực. Tại GE Capital, tôi đã sử dụng những kỹ năng mình có để đạt doanh số bán hàng gấp 15 lần nhân viên tốt nhất tại đó.
Trải nghiệm cùng Mike Stainback đã cho tôi biết tầm quan trọng của một người thầy, một người cố vấn và việc tận dụng xu hướng công nghệ là như thế nào. Những kinh nghiệm ấy, đến giờ vẫn là nguyên tắc vàng trong chiến lược kinh doanh của tôi.
3. Có kế hoạch đúng đắn – Kevin Harrington, nhà phát minh của infomercial (quảng cáo tự giới thiệu qua TV), người đi tiên phong trào lưu “As Seen on TV” và là nhà đầu tư của Shark Tank với giá trị tài sản lên đến 450 triệu USD
Những năm đầu của thập niên 90, doanh số bán ra của công ty tôi rất cao nhưng chi phí kho bãi hàng hóa tại khoảng 20 nước khiến lãi ròng thu về không nhiều. Rồi, Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất diễn ra.
Ảnh hưởng bởi cuộc chiến, khách hàng toàn cầu dừng hẳn việc mua hàng thông qua quảng cáo TV và dĩ nhiên, doanh số bán ra của chúng tôi tụt 30-40% chỉ trong vài tuần ngắn ngủi. Lúc ấy, chúng tôi cứ đinh ninh rằng hiện tượng này sẽ mau chóng trôi qua. Nhưng không, nó kéo dài đến hàng tháng trời.
Cả công ty, trên dưới đều chao đảo khi phải hứng chịu cú đánh như trời giáng này. Lợi nhuận bằng không, tăng trưởng đình trệ và cứ mỗi tuần trôi qua, chúng tôi lại càng rơi vào hố sâu tuyệt vọng vì nguồn quỹ dự trữ không đủ để khỏa lấp tổn thất.
Chưa bao giờ một kế hoạch ứng phó lại bức thiết như lúc đó. Thế nên, chúng tôi đã lập ra một đội gồm các chuyên gia tư vấn luật cũng như tài chính đến từ châu Âu, Mỹ Latin và Hoa Kỳ. Biết trước được cuộc chiến sẽ đến hồi kết, chúng tôi đã cùng nhau thảo luận và soạn một bản kế hoạch kéo dài 60 ngày để bù lỗ, mở rộng điều khoản với nhà cung cấp cũng như thu hút đầu tư.
Phương châm của công ty khi đó là giải quyết vấn đề một cách mau chóng với tinh thần mạnh mẽ và cấp thiết, hệt như khi bắt tay xây dựng doanh nghiệp. Thay vì ngồi yên đợi “trời quang mây tạnh”, chúng tôi đã quyết định cùng nhau vượt qua “tâm bão” một cách quyết liệt.
Cuối cùng, nhờ bàn bạc và có phương án đúng đắn, công ty chúng tôi cũng đã thành công trong việc vượt qua cơn sóng gió.
4. Không lùi bước – Com Mirza, CEO của Mirza Holdings, phá sản 8 công ty liên tiếp và hiện làm chủ doanh nghiệp hơn 600 nhân viên với doanh thu 9 con số
Nhớ lại khi ấy, tôi đang mấp mé trên bờ vực của thất bại ê chề và có nguy cơ mất trắng tất thảy. Tôi cần phải kêu gọi được hơn 1 triệu USD tiền vốn trong 60 ngày.
Suốt 58 ngày, tôi đã gặp mặt mọi nhà đầu tư có thể và thảy đều nhận lấy cái lắc đầu cùng lời từ chối thẳng thừng từ họ. Sau khi “đá đít” tôi ra khỏi cuộc hẹn, người ta đã bĩu môi và gọi tôi là “thằng thất bại”. Tôi đã hoàn toàn suy sụp.
Thế nhưng, điều kỳ diệu của cuộc sống này nằm ở chỗ có một con đường sẽ mở ra cho bạn ngay trong thời khắc bạn thấy bế tắc nhất. Ngày tiếp theo, tôi tiếp tục nài xin nhà đầu tư vừa gặp hôm trước và dĩ nhiên, vẫn bị ném ra khỏi văn phòng.
Tưởng chừng mọi thứ đã kết thúc, tôi lấy hết can đảm và nhủ thầm sẽ chiến đấu với tất cả những gì mình có, phải tìm cho ra giải pháp. Tôi đánh liều gõ cửa văn phòng công ty sát bên, và vận may đã mỉm cười. Tôi có được 1,5 triệu USD để thành lập công ty của mình và hiện nó được định giá hàng triệu USD.
5. Đừng hốt hoảng. Hãy ứng biến, linh hoạt và khôn ngoan – Craig Handley, đồng sáng lập và CEO của ListenTrust
Vào tháng 2/2016, một khách hàng quan trọng của công ty đã khước từ chi trả một khoản tiền lớn và đẩy chúng tôi vào tình huống vô cùng khó khăn. Lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ qua, toàn bộ ban quản lý công ty không nhận được bất cứ đồng lương nào.
Trong bối cảnh sự sống còn của công ty như “chỉ mành treo chuông”, CFO và COO của tôi đã dự trù cho cả kế hoạch phá sản: “đóng băng” mọi thứ, cắt giảm mọi phần và làm “bốc hơi” 500.000 USD hạn mức tín dụng. Sau khi vay 350.000 USD với lãi suất 14%, chúng tôi sống sót được vài tuần nhưng đã mắc nợ đến 850.000 USD.
Nghiên cứu kỹ, chúng tôi phát hiện một phòng ban đã tính toán sai lệch, dẫn đến mất 7.000 USD/ tuần. Dù hợp đồng cho phép, chúng tôi đã không nâng giá thành sản phẩm mà thay vào đó, chú trọng nâng cao hiệu quả bán hàng.
Đồng thời, công ty cũng vạch ra một lộ trình sản phẩm tích cực cho các khách hàng mà vẫn giữ nguyên mức giá để kích thích lượng bán ra. Nhờ đó, chúng tôi từ mất tiền chuyển sang thu về 20.000 USD/tuần.
Sau đó, chúng tôi đẩy mạnh việc chi trả cho nhóm bán hàng, thưởng nhiều hơn cho các nhân viên giỏi một chút. Bên cạnh đó, người khách hàng không trả tiền cũng để lại hơn 100 đại lý sau khi “lặn mất tăm”.
Chúng tôi đã ứng biến, tiến hành đào tạo những đại lý này để bán hàng cho người nói tiếng Anh, trong khi kế hoạch ban đầu chỉ nhắm đến đối tượng khách Tây Ban Nha. Những đại lý này chẳng mấy chốc đã đem về cho công ty 150.000 USD doanh thu hàng tuần.
Đến cuối năm, công ty từ thiếu 850.000 USD tiền vay đã trả hết nợ, thu về hơn 400.000 USD tiền lời một tuần và duy trì mức lợi nhuận khá ổn định.
Khủng hoảng tưởng chừng cướp đi từ chúng tôi nhiều thứ lại mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho công ty nhờ sự bình tĩnh và linh hoạt cũng như ứng biến khôn ngoan của mọi người.
Theo Entrepreneur