Bạn có trí nhớ kém? Đừng quá lo lắng. Hãy tập trung tâm trí rồi thực hiện theo 9 bước được Lifehack liệt kê để giúp bản thân “sao chép” lại mọi thứ thật nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả.
Bước 1: Chuẩn bị
Để tối ưu hóa quá trình ghi nhớ, trước tiên hãy lựa chọn cho bản thân môi trường phù hợp. Vài người thích không gian yên tĩnh, số khác lại quen học ở nơi công cộng, tùy thuộc mỗi cá nhân. Dù sao, nên cố gắng để tâm trí thực sự thư giãn, thoải mái, từ đó dễ tiếp thu hơn.
Tiếp theo, hãy thưởng thức một tách trà xanh, chất xúc tác tự nhiên giúp tăng cường, cải thiện trí nhớ. Khi chúng ta già đi, các hóa chất độc hại sẽ gây thương tổn cho tế bào thần kinh, gây ảnh hưởng đến não bộ.
Bên cạnh đó, trà xanh còn hỗ trợ ngăn ngừa hội chứng Alzheimer, căn bệnh gây thoái hóa não bộ, khiến nó không thể phục hồi, cuối cùng gây ra tình trạng mất trí trầm trọng.
Bước 2: Ghi âm lại những gì cần thiết
Đây là thói quen cực hữu ích khi chúng ta phải đối mặt với những bài giảng, thuyết trình dài dòng.
Nếu muốn nhớ các bài phát biểu, hãy cố gắng đọc lớn thành tiếng, ghi âm sau đó tự nghe lại. Tiếp nhận thông tin trong ngữ cảnh cụ thể sẽ giúp chúng ta “sao chép” chúng vào não dễ dàng hơn.
Bước 3: Viết
Trước khi muốn hồi tưởng lại những gì đã học được, hãy tập viết thông tin nhiều lần ra giấy. Điều đó sẽ khiến thông tin trở nên “quen mặt” với chúng ta hơn.
Kết hợp thói quen viết cùng với ghi âm sẽ giúp chúng ta lưu giữ lại nhiều dữ liệu hơn. Đây là kinh nghiệm tuyệt vời giúp nhiều người ghi nhớ tốt.
Bước 4: Ghi chú
Sau khi đã ghi chú lại thông tin kỹ lưỡng, cẩn thận, hãy phân chia chúng thành nhiều phần khác nhau, dùng mã màu để phân biệt giúp chúng ta, đặc biệt đối với những người học qua thị giác, cảm thấy dễ tiếp thu hơn.
Viết ra những gì đã học giúp bạn ghi nhớ lâu hơn Ảnh: Shutterstock |
Bước 5: Lặp lại nhiều lần
Đối với mỗi dòng văn bản, cố gắng lặp lại vài lần rồi hồi tưởng lại trong não. Cách học như vậy giúp chúng ta tích lũy thêm nhiều kiến thức vì thông tin ở bộ nhớ ngắn hạn không bị phai mờ. Hãy lặp lại cho đến khi nội dung đã thật sự nằm lòng rồi mới chuyển đến phần khác.
Bước 6: Viết ra những gì nhớ được
Khi đã hoàn toàn nhớ mọi thứ rồi, hãy tiếp tục viết chúng ra để củng cố vững chắc nền tảng kiến thức.
Bước 7: Dạy cho người khác
Phương pháp hữu hiệu nhất giúp ghi nhớ thông tin là dạy chúng cho người thực sự quan tâm. Bạn có thể ngồi đối diện với “học trò” (hoặc chính mình trong gương) và giải thích, phân tích về nội dung của vấn đề.
Phương pháp hiệu quả khác là hãy tự tạo ra các bài kiểm tra dựa trên nền tảng thông tin học được. Nghiên cứu kĩ nội dung, dự đoán các câu hỏi tương ứng phù hợp, sau đó quan sát xem mọi người giải quyết vấn đề như thế nào.
Cơ hội việc làm tốt, những mối quan hệ bền vững, tương lai rộng mở… tất cả đều có thể nằm trong tầm tay nếu ngay lúc này, bạn nhận thức được và kịp trang bị cho mình những kỹ năng sống thiết yếu.
Bước 8: Liên tục lắng nghe đoạn ghi âm
Khi làm những việc thông thường như giặt ủi, lái xe… hãy nhắc lại thông tin lần nữa thông qua các đoạn băng ghi âm để củng cố trí nhớ ngắn hạn.
Bước 9: Nghỉ ngơi
Bước cuối cùng, hãy thư giãn tâm trí. Dành khoảng thời gian ngắn “để trắng” suy nghĩ về những gì đã học rồi mới tiếp tục. Bạn sẽ nhận ra bản thân đã thực sự tiếp thu được những gì, sau đó bổ sung thêm vào phần kiến thức còn yếu.
Ý Hoa – Hồng Trâm (Theo Lifehack)