Làm thế nào để tăng lượng truy cập, tăng lượt tiếp cận và chuyển hóa người xem thành khách hàng là bài toàn đau đầu của mô hình kinh doanh online, bài viết dưới đây sẽ đưa ra 5 lời khuyên hữu ích giúp bạn đạt được nhiều thành công với việc kinh doanh trực tuyến.
Hầu hết những người sở hữu công việc kinh doanh qua mạng đều nỗ lực tìm kiếm câu trả lời cho giải pháp tăng lượng truy cập, tăng mức tiếp cận người dùng và chuyển hóa người dùng để xây dựng thương hiệu. Những chiến thuật truyền thông đa phương tiện, dù không rụng từ trên cây xuống như quả ngọt, nhưng không quá khó khăn để thực hiện như bạn nghĩ.
Nathan Pirtle, một chuyên gia về truyền thông xã hội/tiếp thị số và là nhà sáng lập của Work With The Coach, đã gặt hái được thành công cho mình từ bàn tay của số phận. Pirtle trở thành một nhà tiếp thị chuyên nghiệp nhờ thay vì đi tìm câu trả lời từ người khác, anh tự tìm câu trả lời cho chính mình. 5 lời khuyên sau đây rút ra được từ chiến thuật marketing cá nhân của Nathan Pirtle có thể giúp bạn rất nhiều trên con đường chinh phục và thu lời từ mạng xã hội.
1. Đừng lạm dụng tự động hóa
Trên thị trường có sẵn nhiều phần mềm và ứng dụng đáp ứng mọi nhu cầu tiếp thị xã hội của bạn, từ phân tích dữ liệu tới tự động đăng bài hay tự động nhắn tin. Đây là những khía cạnh không thể thiếu đối với công việc tiếp thị số của bạn, nhưng phải luôn chắc chắn rằng bạn vẫn đang làm phần lớn khối lượng công việc, không phải những robot marketing kia.
Một điều quan trọng Pirtle đã đề cập trực tiếp là cách tiếp cận gần gũi, mang tính cá nhân hóa cao với người xem trên mạng xã hội. Tất nhiên, các phần mềm tự động đăng bài là một công cụ hữu hiệu giúp bạn luôn “nổi” trên mạng xã hội và không bị mọi người nhanh chóng quên lãng, nhưng chúng không thể trả lời từng câu hỏi của khách hàng trong thời gian thực. Vì thế, phần việc này là trách nhiệm của bạn.
Mọi người muốn một cuộc đối thoại và sự chăm sóc từ thương hiệu của bạn – từ chính bạn, không phải từ một hệ thống trả lời tự động vô tri vô giác. Vậy nên bạn không thể trao quyền kiểm soát cho những phần mềm tự động hóa này, vì chúng không phản ánh đúng phẩm chất cá nhân của bạn.
2. Cung cấp cho người xem thứ họ muốn xem trước tiên
Bạn cần hiểu rõ và cung cấp cho khán giả những gì họ muốn xem. Đối với Pirtle, đó là rất nhiều tấm hình tạo động lực, ảnh vui nhộn hay meme khiến khán giả muốn tiếp cận và truy cập vào thương hiệu của anh hằng ngày. Anh còn chia sẻ cách tốt nhất để thu hút sự chú ý của mọi người với nội dung thực đó là giữ cho ngôi nhà (ám chỉ tài khoản mạng xã hội) của bạn luôn sạch sẽ và ngăn nắp. Làm được điều này, người xem sẽ cảm thấy được chào đón và sẽ để tâm hơn tới nội dung sản phẩm mà bạn thực sự muốn tiếp thị.
Nguyên tắc chia sẻ là 80/20. Có nghĩa rằng 80% những nội dung bạn đăng tải hoặc là để giúp ích, hoặc giải trí hay tạo động lực cho người xem. 80% nội dung này không có bất cứ liên quan nào tới thương hiệu hay sản phẩm của bạn cả. Mọi thứ là để thỏa mãn người dùng và mang tới cho họ thứ họ muốn.
Lấy ví dụ với Facebook – một trong những mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất về kinh doanh online tại Việt Nam, nếu bạn gặp khó khăn với công tác xác định thị hiếu người xem, bạn có thể sử dụng Facebook Audience Insights. Gõ vào một vài sở thích bạn tìm kiếm, và công cụ sẽ trả về cho bạn các page thương hiệu khác đang làm tốt hơn bạn với những sở thích đó, bạn có thể tham khảo, học hỏi những page này và sau đó áp dụng lên page của mình.
3. Theo dõi để được theo dõi
Ai cũng muốn mình có hàng triệu người theo dõi, nhưng không ai muốn phải bấm theo dõi hàng triệu người, và marketing không hoạt động theo cách như vậy. Để có được một lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội và thu được kết quả thực sự, bạn cần phải vừa là người có lượng theo dõi cao vừa là người theo dõi nhiều người khác. “Bạn cần học cách theo dõi để được theo dõi lại, vậy nên bấm nút theo dõi tất cả những người có liên quan đến công việc của bạn là việc làm cần thiết”, Pirtle cho biết.
4. Đo thành công dựa trên lượt tiếp cận
Có vô vàn cách để cân đo đong đếm thành công của một người trên truyền thông xã hội. Thông số từ các phần mềm phân tích là một cách tốt để giúp bạn rút kinh nghiệm và xây dựng công việc kinh doanh. Tuy nhiên, Pirtle đo mức độ thành công của mình dựa trên lượt tiếp cận xã hội mà thương hiệu của anh thu hút được hàng ngày trên mạng xã hội.
Có bao nhiêu người thường xuyên tương tác với các bài đăng của bạn? Hãy tìm hiểu xem các nhân tố chủ chốt dường như luôn có mặt khi bạn chia sẻ nội dung là những ai. Bất kể khi nào mọi người like, bình luận, retweet hay chia sẻ bạn đều nên để ý tới và tương tác lại với họ.
Một cách rất hay để đo mức độ thành công với mỗi bài đăng đó là đặt ra một mục tiêu cụ thể. Ví dụ, với mỗi bài đăng bạn đặt mục tiêu nhận được ít nhất 25 lượt bình luận và 15 lượt chia sẻ chẳng hạn. Bằng cách này, bạn có thể thay được thay đổi tích cực hay tiêu cực về lượt tiếp cận qua mỗi bài đăng trên page.
5. Xây dựng mối quan hệ
Lời khuyên cuối cùng và cũng là lời khuyên quan trọng nhất: xây dựng mối quan hệ. Nghe thì dễ hiểu, nhưng làm thì khó. Hầu hết mọi người đều thoải mái với thương hiệu của bạn trên mạng xã hội, với điều kiện bạn không cố gắng tiếp thị bất cứ thứ gì ngay từ đầu (quy tắc 80/20).
Marketing dựa trên các mối quan hệ tạo ra sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu cùng với đó là một nguồn thu nhập cho những người bạn mới xây dựng mối quan hệ hợp tác. Bạn dành ra thời gian để gây dựng một mối quan hệ, và thiết lập niềm tin. Đổi lại, bạn xây nên được cầu nối giữa những người chưa biết tới bạn cũng như thương hiệu của bạn qua mối quan hệ vừa thiết lập. Tầm với của Relationship Marketing rất mạnh nếu bạn biết cách tận dụng nó với kĩ năng xã hội của mình, và bạn nên học cách áp dụng chiến thuật này vào công việc tiếp thị ngay bây giờ.
Vẫn còn rất nhiều chiến thuật giúp bạn trở nên phổ biến và từ đó thu được lợi nhuận từ mạng xã hội, nhưng trên đây là 5 chiến thuật/lời khuyên mà nhà tiếp thị tài năng Nathan Pirtle cho là quan trọng nhất mà mọi người cần phải ghi nhớ và thực hiện hằng ngày. Có một quy tắc bất di bất dịch trên mạng xã hội đó là: Dù bạn làm gì đi nữa, thành công chỉ đến khi bạn đầu tư thời gian, công sức của chính mình vào khán giả. Và với những chiến thuật này, bạn sẽ nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công bất ngờ.
Công Minh (theo Entrepreneur)