Vào năm 2003, Aaron Ralston leo núi một mình ở Đông Nam Utah. Là một người chuyên đi đây đi đó, đường đèo đó không có vẻ gì nguy hiểm đối với anh cả. Mọi thứ đều suông sẻ cho đến khi anh trượt và làm vỡ tảng đá 800 Ib (khoảng 362 kg), và bị tảng đá đó đè vào vách hẻm núi. Vì lương thực ít ỏi và không có cách nào để cầu cứu, anh nhận ra rằng cách duy nhất để có thể sống sót ra khỏi đó là từ bỏ cánh tay của mình. Với một công cụ đa năng đã cùn và lực đòn bẩy, anh đã xoay xở thoát thân sau 5 ngày.
Aaron có thể đã sợ đến mất khôn và chết ở hẻm núi. Anh ấy đã phải sẵn lòng đấu tranh vì sự sống còn của mình.
Tất cả chúng ta ai cũng muốn giữ bình tĩnh dưới áp lực, nhưng trên thực tế, một số người trong chúng ta hoảng sợ trong khi những người còn lại có động lực để đấu tranh cho điều họ muốn.
“Chiến Hay Chạy” Giúp Chúng Ta Sống Sót
Khi đối mặt với thử thách, con người ta thường hay hoảng sợ. Não bộ của chúng ta làm mọi thứ nó có thể để giữ cho chúng ta sống sót. Khi ta sợ, nó truyền đến ta tín hiệu chiến đấu hoặc chạy trốn.
Khi sợ, hạnh nhân não (amygdala) phát động một chuỗi phản ứng trong não bộ của bạn. Hạnh nhân não chịu trách nhiệm làm cho bạn chiến đấu hay chạy trốn, và nó thậm chí có thể có vai trò trong các hành vi tự chuốc lấy thất bại và sự phản kháng.
Khi hạnh nhân não nhận thấy bạn đang gặp nguy hiểm, nó sẽ gửi một “tin xấu” đến vùng não điều khiển (hypothalamus). Vùng não điều khiển sẽ tạm dừng phương thức bình thường mà não bạn xử lý thông tin đưa đến. Nó kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, bởi đó khơi gợi lên các cảm xúc mà bạn có lúc sợ hãi.
Chúng ta thường phản ứng với tín hiệu xấu bằng cách chiến đấu hoặc chạy trốn. Khi sự sống còn của bạn đang bị đe dọa, bạn tự động phản ứng mà không cần suy nghĩ. Não bạn hoặc là mách bảo bạn ở yên đó và chiến đấu, hoặc là đầu hàng.
Cạm Bẫy Của Việc Chạy Trốn
Khi bạn gặp nguy hiểm về thể xác, phản ứng chạy trốn có thể cứu mạng bạn. Chạy trốn không phải là không tốt, nhưng đôi khi não bộ mách bảo chúng ta chạy trốn trong những tình huống không nguy hiểm đến tính mạng. Bạn có thể cảm thấy sự thôi thúc phải chạy trốn khi bạn đối mặt với những điều có vẻ quá sức chịu đựng của mình. Có thể bạn tự kể với chính mình một câu chuyện tiêu cực về việc bạn sẽ thất bại như thế nào nếu tiếp tục với con đường hiện tại. Với suy nghĩ đó, bạn đảm bảo sẽ thất bại. Bạn không tin rằng mình có thể làm được nên bạn không làm. Chạy trốn có thể ngăn cản chúng ta đạt đến tiềm năng của bản thân.
Những người luôn chọn cách chạy trốn thường dễ dàng bỏ cuộc. Vừa thấy thử thách là họ nhảy sang một việc khác. Đây là loại người chạy trốn khỏi những khó khăn trong công việc và cuộc sống của mình vì họ không nghĩ rằng mình có thể giải quyết được chúng.
Làm Cho Việc Chiến Đấu Trở Thành Lựa Chọn Duy Nhất
Bạn có thể bị thúc giục chạy trốn, nhưng bạn có thể thay đổi cách bạn hình dung sự việc. Lần sau, khi bạn hoảng sợ trước một thứ thách trong công việc, hãy lựa chọn chiến đấu bằng cách kể với chính mình một câu chuyện tích cực. Hãy thay thế việc tự nhủ tiêu cực bằng một cuộc độc thoại nội tâm đầy hi vọng.
Kể cả khi câu chuyện tích cực của bạn cuối cùng không thành hiện thực, nó vẫn đủ để bạn kiên trì tiếp tục. Những người vượt qua được những tình huống bất lợi thường làm được điều đó bằng cách hình dung một viễn cảnh tốt đẹp. Khi bạn xác định là sẽ tiếp tục tiến tới, điều đó khiến bạn kiên trì hơn và duy trì động lực của bạn. Hy vọng mang con người ta qua những thời điểm khắc nghiệt nhất.
Chiến Đấu Như Bạn Đang Chơi Điện Tử
Nếu dành thời gian suy ngẫm về tình huống của mình, bạn có thể tưởng tượng ra một thông điệp tích cực mà sẽ làm lu mờ câu chuyên tiêu cực bạn đang tự nhủ. Bất cứ khi nào sự tự ngờ vực lẻn vào tâm trí bạn, hãy bật câu chuyện tích cực lên.
Hãy làm cho việc vượt qua nỗi sợ trở thành một trò chơi. Trò chơi luôn thú vị, và nó thường chia các thử thách thành các phần dễ hơn. Chơi trò chơi dễ thắng thì rất chán, do đó mà các thử thách rất thích hợp để biến thành một trò chơi.
Các trò chơi có tính thách thức cao thì khó, nhưng chúng thú vị và hấp dẫn hơn. Những trò chơi hay nhất thường có nhiều cấp độ, kẻ thù, với độ khó tăng lên khi bạn chơi tốt hơn, và đạt được những phần thưởng ở mỗi chặng đường. Khi bạn đạt được một phần thưởng, bạn có động lực để cố gắng trong cấp độ tiếp theo.
Một trong những cách hiệu quả nhất biến thử thách thành trò chơi là chia nhỏ mục tiêu thành nhiều bước. Các cột mốc giúp bạn kiểm tra diễn biến của mình và duy trì động lực. Vượt qua một cột mốc giống như bước vào một cấp độ trò chơi mới. Đặt ra phần thưởng và hình phạt để có thêm động lực tiến lên.
Trải nghiệm suýt chết của Ralston chắc chắn không phải là một trò chơi thú vị, nhưng anh ấy cũng có các cột mốc phải đạt đến trước khi quyết định việc làm tiếp theo. Trước hết, anh cố gắng sống sót với đống lương thực ít ỏi mà anh có. Anh đã hi vọng có ai đó sẽ tìm thấy mình.
Khi hết lương thực, và chắc chắn rằng không ai tìm thấy mình, anh bắt đầu hành động. Sau khi biết rằng tay của mình đang chết dần vì kẹt dưới sức nặng của tảng đá, anh nhận ra đằng nào cũng mất một phần cánh tay. Ý thức này cộng với mục tiêu quan trọng nhất là sống sót đã thúc đẩy anh làm việc mà anh phải làm.
Mặc dù việc anh làm rất kinh khủng, anh kể rằng anh đã cười mãn nguyện khi thấy mình sắp thoát khỏi hẻm núi. Khi giải thoát cho chính mình, anh vượt qua rào cản lớn nhất trong cuộc khủng hoảng của mình.
Tiếp Tục Cuộc Chơi
Nếu Aaron Ralston quyết định không chiến đấu, anh chắn hẳn đã chết. Đối với anh, không còn chỗ nào để chạy trốn, nhưng nếu chiến đấu, anh có khả năng sẽ thành công.
Những người đạt đến tiềm năng cao nhất của bản thân không dễ dàng bỏ cuộc. Họ không chạy trốn khi thấy những vấn đề khó khăn. Họ chịu trận và tiếp tục tiến lên.
Hồng Ân (Theo Lifehack.Org)