Lifehack.vn

Đừng cố gắng nhiều hơn, hãy cố gắng khác biệt: 5 cách để phỏng vấn tốt hơn

Chúng ta đều đã từng nghe đến câu “có công mài sắt, có ngày nên kim” và đó là câu châm ngôn nên làm theo… hầu hết thời gian. Nếu bạn đã sẵn giỏi một việc gì đó rồi hoặc bạn đang làm theo những phương pháp đã được sử dụng và đúng đắn, cứ làm đi và luyện tập đến khi nó thật hoàn hảo, nhưng nếu phương pháp đó không tốt thì sao? Đây là một trong những vấn đề lớn nhất mà những nhà phỏng vấn gặp phải. Hãy nghĩ tới kinh nghiệm của chính bạn – bạn biết là bạn có kỹ năng cho công việc này và bạn biết bạn là một thành viên phù hợp với công ty, nhưng bạn cũng biết là bạn phải trả lời phỏng vấn tốt hơn để có được công việc ấy, thế là bạn lại luyện lại những phương thức cũ rích ấy lần này qua lần khác, mong rằng lần sau bạn sẽ làm được và có được công việc bạn hằng ao ước.

Luyện tập là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng chỉ khi bạn luyện tập đúng phương pháp. Trên thực tế, bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết được có bao nhiêu ứng viên được tuyển dụng bởi cách họ vượt qua buổi phỏng vấn, chứ không phải bởi những kinh nghiệm của họ. Dưới đây là 5 con đường để củng cố kỹ năng phỏng vấn của bạn – 5 phương pháp đã được thử nghiệm và có kết quả rất đáng để bạn áp dụng đấy!

1.Thay đổi cách bạn nghĩ về những buổi phỏng vấn

Phỏng vấn tuyển dụng có vẻ như là buổi trả lời câu hỏi, rất nhiều người đưa ra những câu trả lời tốt và thuật lại những câu trả lời đó cho đến khi họ hiểu nó thật rõ ràng. Tuy nhiên, những người phỏng vấn lại cần nhiều hơn là chỉ những câu trả lời tốt. Buổi phỏng vấn là cơ hội duy nhất của họ để biết bạn ngoài đời, và để xem bạn có phù hợp với công ty không. Đúng là bạn phải trả lời câu hỏi thật tốt, và bạn nên chuẩn bị cho bất kỳ một kiểu câu hỏi nào, nhưng tới khi bạn nghĩ đến câu trả lời của mình nên như thế nào, hãy nhớ là nó phải thể hiện con ngời của bạn ngoài đời và cho phép bạn giao tiếp một cách bình thường, chứ không phải một ai đó đang thuật lại một văn bản học thuộc. Vì vậy, nếu bạn muốn luyện tập phương pháp này để phỏng vấn tốt hơn, đừng nghĩ phỏng vấn là một bài kiểm tra nữa, mà nó đơn giản chỉ là một buổi gặp gỡ giữa 2 người có nhu cầu muốn tìm hiểu xem họ có thể làm việc cùng nhau hay không mà thôi. Bạn có nghĩ là bạn phù hợp với công ty này không? Cách duy nhất là thể hiện con người bạn một cách thoải mái nhất khi đi phỏng vấn.

2.Nhấn mạnh từ “Phù hợp”

Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết việc phù hợp với công ty hay nhóm làm việc lại vượt qua cái bóng của kinh nghiệm và bộ kỹ năng khi các công ty tuyển nhân viên. Ứng viên xin việc thường tập trung quá nhiều vào kinh nghiệm của họ, lịch sử làm việc và kỹ năng chuyên môn, và thường quên mất một nguyên tố khác cũng quan trọng không kém: phù hợp. Những kinh nghiệm của bạn rất có giá trị và bạn vẫn nên tập trung vào những khía cạnh này khi đi phỏng vấn, nhưng đừng quên mất sự phù hợp. Vì chẳng có công ty nào muốn tuyển một người không thể hòa hợp trong nhóm làm việc cả, cho dù lịch sử làm việc của họ có tuyệt vời đến thế nào hay họ làm việc giỏi như thế nào. 9 trên 10 lần các công ty muốn tiêu tiền vào việc đào tạo nhiều hơn là tuyển một người chưa chắc đã phù hợp. Hãy chắc chắn rằng hồ sơ của bạn bao quát được trình độ của bạn đối với công việc, nói ra những kinh nghiệm ấy và cho họ thấy những kinh nghiệm này khiến bạn phù hợp với công ty này trong buổi phỏng vấn. Nếu bạn biết bạn không giỏi như những ứng viên khác, chắc chắn bạn cần phải nhấn mạnh và yếu tố phù hợp.

3.Hiểu được phía bên kia của buổi phỏng vấn thông qua đóng vai

Không có nhiều ứng viên xin việc biết được cảm giác khi ngồi phía bên kia của chiếc bàn. Bạn có thể tự gây áp lực cho mình, cố gắng tìm hiểu xem nhà phỏng vấn đang cần gì, nhưng con đường duy nhất để biết được điều đó là xỏ chân bạn vào chính chiếc giày của họ. Tìm một vài thông báo tuyển dụng gần giống với công việc mà bạn đang tìm kiếm, và tìm một vài người bạn muốn luyện kỹ năng phỏng vấn, và hơn thế nữa, bảo họ tìm thêm một vài người bạn khác (những người mà bạn không biết) và họ có thể luyện tập kỹ năng phỏng vấn của mình với bạn. Tìm hiểu công ty và hiểu được họ cần gì ở ứng viên và mở ra vài buổi phỏng vấn. Cách này sẽ giúp bạn biết được cảm giác của nhà phỏng vấn, và bạn sẽ có thể chỉ ra một vài thứ mà người đi phỏng vấn đang làm không đúng. Ghi chép lại, và so sánh với những kinh nghiệm phỏng vấn của bạn để xem bạn cần trau dồi điều gì.

4.Hiểu bản thân hơn bằng những lời phê bình mang tính xây dựng

Rất nhiều người làm rất tốt ở đoạn đầu của buổi phỏng vấn, chỉ ngập ngừng khi những câu hỏi mang tính cá nhân hơn một chút. Bạn có thể nghĩ đó là những câu hỏi dễ trả lời nhất. nhưng rất nhiều người không hiểu bản thân mình như họ nghĩ. Để giúp bạn hiểu được bản thân mình, hỏi một vài người bạn tốt nói với bạn (một cách lịch sự) những gì họ nghĩ là điểm mạnh nhất và yếu nhất của bạn, cách mà bạn xử lý những tình huống gây áp lực, điều gì khiến bạn thành công, và bạn có thể cải thiện như thế nào. Ghi chép lại và so sánh với những quan điểm của cá nhân bạn khi bạn ở một mình. Hãy nhớ, bạn của bạn quan tâm đến bạn và sẽ không làm tổn thương bạn. Những lời phê bình mang tính xây dựngc ủa họ có thể giúp bạn trả lời phỏng vấn tốt hơn.

5.Nghiên cứu thật kỹ là chìa khóa để trả lời phỏng vấn tốt hơn

Rất nhiều những người tìm kiếm việc làm nghe nói rằng họ phải nghiên cứu về công ty trước buổi phỏng vấn và dành ra 15 phút đọc kỹ trang web của họ, ghi nhớ một vài thông tin và mang chúng đến buổi phỏng vấn, để họ có một vài thông tin để nêu chúng ra một lúc nào đó và có thể hỏi một câu hỏi thật tốt để gây ấn tượng với giám đốc tuyển dụng. Việc này chẳng làm bạn khác gì những người khác cả.

Bạn muốn có công việc này cỡ nào? Hãy thể hiện nó bằng việc đầu tư thời gian của bạn vào việc nghiên cứu một cách kỹ lưỡng công ty ấy. Tìm hiểu xem họ thành lập như thế nào, những lỗi lầm và thành tựu trong quá khứ của họ, lòng tin, tầm nhìn, mục tiêu tương lai, CEO quá khứ và hiện tại và họ đã làm gì để giúp công ty thành công, và bất kỳ thứ gì khác mà bạn có thể kiếm ra được. Bây giờ, nhìn lại hồ sơ của bạn, nhìn lại con người bạn dưới góc độ nghề nghiệp, và nghĩ tới những điều bạn có thể mang lại cho họ. Nghĩ đến cách mà bạn sẽ phù hợp với công ty này, điều bạn ngưỡng mộ ở họ và những gì bạn có thể học được từ lịch sử của công ty. Bạn sẽ muốn xây dựng lại một vài câu trả lời phỏng vấn của bạn để liên tục chèn những thông tin này vào câu trả lời của mình.

Huỳnh Hữu Tài (Theo Lifehack.org)

Exit mobile version