Lifehack.vn

Đọc báo là một trong nhiều thói quen tốt giúp chúng ta thông minh hơn

Theo trả lời của đa số độc giả trang Quora, đọc báo là một trong nhiều thói quen tốt giúp chúng ta thông minh hơn.

Sự thông minh, nhanh nhẹn, linh hoạt không phải một sớm một chiều là có được mà phải xây dựng, tích lũy kiến thức mỗi ngày thông qua hình thành các thói quen có chủ đích. Độc giả của trang hỏi đáp Quora đã chia sẻ những thói quen tốt mỗi người nên có khi tham gia trả lời câu hỏi “Làm gì để trở nên thông minh hơn mỗi ngày?”.

1. Mỗi ngày nghĩ ra 10 ý tưởng mới

Muốn thông minh hơn thì mỗi ngày nên nghĩ về bất cứ điều gì đó để “bắt” não hoạt động. Có thể là nghĩ cách tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống hay giải quyết một vấn đề thường ngày hay gặp phải, ý tưởng về bộ phim thú vị. Nghĩ về chủ đề nào không quan trọng bằng cách bạn kích thích bộ não phải hoạt động và đưa ra những ý tưởng mang tính sáng tạo. Hãy viết những điều bạn nghĩ vào quyển sổ, biết đâu đó có thể là ý tưởng khởi nghiệp sau này, Claudia Azula Altucher.

2. Đọc báo

Đọc báo giúp chúng ta đọc biết được những sự việc quan trọng đang xảy ra trên thế giới. Không những thế, chúng ta còn học được cách sắp xếp các quan điểm và kết nối những điều mấu chốt tưởng như rời rạc với nhau. Những bài viết đăng tải trên các báo sẽ mang lại sự hiểu biết ở nhiều lĩnh vực để chúng ta có thể trao đổi, thảo luận và chia sẻ với bạn bè.

3. Tránh rập khuôn tư duy

Suy nghĩ về những thứ mà chúng ta vừa học được để tạo ra ý tưởng, quan điểm độc đáo của cá nhân về vấn đề này mà không nên “sao chép” y nguyên vào tâm trí ngay lập tức. Thử chứng minh cho quan điểm của bản thân bằng các lý lẽ, dẫn chứng cụ thể và sẵn sàng chấp nhận những quan điểm mới sẽ thay đổi ý kiến của chúng ta để tìm ra chân lý cuối cùng. Lặp lại điều này hàng ngày, mỗi người sẽ cảm thấy tốt hơn, có tư duy cởi mở hơn khi “phá vỡ” được những suy nghĩ cũ, theo lối mòn.
Nếu cảm thấy chưa biết bắt đầu làm quen với thói quen này từ đâu, hãy thử đọc sách và phê bình những ý tưởng chưa hoàn thiện trong đó. Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu cách người khác hình thành những bài tranh luận và nhấn mạnh những quan điểm của họ.

4. Đọc sách

Đặt ra mục tiêu đọc một cuốn sách trong một tuần, có thể là tiểu thuyết hư cấu hoặc những cuốn sách viết về người thật, việc thật. Thời gian cho việc đọc sách nên được sắp xếp linh hoạt, bất cứ khi nào rảnh rỗi như đợi bạn ở quán cà phê, khi di chuyển trên các phương tiện công cộng hoặc thời gian xếp hàng chờ đợi. Để nâng cao động lực, chúng ta có thể tham gia vào cộng đồng trực tuyến để kết nối với những người thích đọc sách khác.
Những cuốn tiểu thuyết hư cấu là phương tiện tuyệt vời giúp bạn hiểu được tính cách nhân vật và tiếp thu các quan điểm khác biệt trong cuộc sống. Trong khi đó, những đầu sách viết về người thật việc thật sẽ mang đến những chủ đề mới, từ chính trị, tâm lý học, khoa học hoặc các kỹ năng mềm trong cuộc sống.

5. Xem video giáo dục

Đôi khi xem video liên quan đến chủ đề yêu thích thú vị hơn là đọc về nó trên sách vở. Chúng ta có thể học được nhiều điều từ kinh nghiệm của người khác. Trong video, thông tin thường được trình bày theo cách dễ nhớ, dễ tiếp thu qua những hình ảnh, âm thanh sống động. Vì thế, những thông tin đó sẽ lưu lại rất lâu trong não bộ của người xem.

6. Đăng ký theo dõi những thông tin thú vị

Theo dõi kênh thông tin hay từ những người thú vị trên Facebook, Twitter, mỗi người sẽ học được những điều thú vị, mới mẻ. Chẳng hạn: bạn muốn nắm bắt kịp những tin tức mới nhất về khoa học và kỹ thuật, hãy tham gia nhóm “Cộng đồng Khoa học Công nghệ” trên Facebook.

7. Cập nhật tin tức từ nguồn yêu thích

Mỗi ngày, hãy truy cập bất kỳ nguồn thông tin nào chúng ta biết, kể cả những blog của các blogger được yêu thích để có thể thỏa mãn “cơn đói” kiến thức. Đây là thói quen giúp mỗi người trở nên hiểu rộng biết nhiều hơn vì đã có những người khác tập hợp, chắt lọc và cung cấp sẵn nội dung cho bạn. Tất cả những việc cần làm chỉ là theo dõi những tác giả thường xuyên viết về các chủ đề yêu thích. Thử sử dụng Pocket để lưu các bài báo hay chưa kịp đọc và cố gắng đọc nó trước khi đi ngủ.

8. Chia sẻ điều bạn học với những người khác

Nếu tìm được ai đó để thảo luận và phân tích các ý tưởng, thì khi đó chúng ta có thể bổ sung kiến thức cho nhau và cùng tiến bộ. Thêm vào đó, khi diễn đạt, giải thích cho người khác hiểu ý tưởng của bản thân nghĩa là chúng ta đã nắm vững vấn đề, khái niệm. Đây cũng là cách củng cố kiến thức cũ và dung nạp kiến thức mới.
Ngoài đối thoại trực tiếp, chúng ta có thể chia sẻ những điều học được với nhiều người bằng cách viết blog hay tạo dựng những tài khoản cá nhân trên mạng xã hội…

9. Lập danh sách mục tiêu và những kỹ năng cần có

Có hai danh sách mà mỗi người nên tạo ra, đó là những kỹ năng liên quan đến công việc muốn làm ở thời điểm hiện tại và những điều mong đạt được trong tương lai.
Google Docs là công cụ thuận lợi để thiết lập và theo dõi các danh sách mà chúng ta thiết lập. Sau khi có được 2 danh sách, chúng ta sẽ dễ dàng đưa ra quyết định nên học gì, sưu tập nguồn tài liệu nào để học và luyện tập các kỹ năng cần thiết mỗi ngày.
Chẳng hạn: Nếu đang làm việc liên quan đến lĩnh vực khoa học máy tính, điểm đầu tiên nên ghi vào danh sách những kỹ năng cần có là tham gia khóa học ngôn ngữ lập trình Python và thử sử dụng hệ quản trị dữ liệu MongoDB.
Danh sách thứ 2 là mục tiêu dài hạn như muốn làm marketing hoặc kiến trúc. Hãy viết những bước nhỏ cần thực hiện để đạt được mục tiêu đó như đọc sách của các chuyên gia viết về lĩnh vực đó, tham gia khóa đào tạo…

10. Lập danh sách “Đã làm được”

Vào cuối ngày, hãy liệt kê những việc đã hoàn thành. Điều này sẽ giúp chúng ta kiểm soát được những đầu việc đã làm khiến mỗi người thấy hài lòng hơn, nhất là mỗi khi cảm thấy chán nản. Nó cũng sẽ giúp mỗi người đánh giá được hiệu quả công việc, đồng thời là cơ sở để lên danh sách những việc cần làm cho ngày hôm sau.

11. Viết ra những điều học được

Để ghi chép những kiến thức đã học được hoặc hệ thống lại kiến thức một cách dễ nhớ, chúng ta có thể bắt đầu viết blog hoặc dùng một ứng dụng như Inkpad. Không chỉ là cách ghi lại những việc đang thực hiện, hoạt động này còn tạo nguồn động lực tốt để thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, kiên trì với ước mơ, kế hoạch đã đề ra.

12. “Thử thách” não bộ

Khuyến khích não bộ làm việc, suy nghĩ hàng ngày là phương pháp tuyệt vời để tăng cường trí nhớ, sự thông minh, linh hoạt khi xử lý các tình huống, thông tin mới được tiếp nhận trong cuộc sống.

13. Học trực tuyến

Kiểm tra danh sách khóa học trực tuyến phổ biến nhất để trở thành chuyên gia. Tuy nhiên, hãy chọn lựa và phân bố thời gian học tập hợp lý để không khiến bản thân lâm vào tình trạng “quá tải”. Thông thường cần 1-2 khóa học là đủ, nhưng phải tập trung tuyệt đối vào chương trình học. Khóa học sẽ giúp chúng ta có môi trường để học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm phục vụ công việc.

14. Nói chuyện với người bạn thấy thú vị

Hãy nói chuyện với những người thu hút được bạn, dù đó là những người lạ cũng đừng ngại tiếp cận họ. Bạn có thể hỏi về những sở thích và cách họ khám phá chúng. Thông thường, bạn học được nhiều điều hay nhất từ những người bạn hầu như không quen biết.

15. Gặp gỡ người thông minh hơn bạn

Hãy dành nhiều thời gian nhất có thể ở bên cạnh những người thông minh, tài giỏi. Mỗi ngày, chúng ta nên chủ động và cố gắng gặp gỡ những người truyền cảm hứng cho bạn.
Đặt bản thân ở tình trạng luôn sẵn sàng học tập mọi thứ. Nếu xung quanh toàn là những người thông minh, tài giỏi, bạn cũng có động lực để không ngừng hoàn thiện.

16. Luôn đặt câu hỏi

Nếu nhìn hoặc nghe thấy điều gì đó mới mẻ, đừng để nó trôi qua một cách vô ích. Hãy để sự tò mò của bản thân “theo đuổi” thông tin đó. Đặt câu hỏi vì sao lại thế để tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Đây cũng là hình thức học tập không ngừng nghỉ.

17. Vượt qua giới hạn an toàn

“Ra khỏi phạm vi an toàn sẽ khiến chúng ta khôn ngoan hơn”. Muốn khám phá bản thân và kích hoạt những khả năng tiềm tàng, mỗi người phải vượt qua nỗi sợ hãi, lo ngại, xấu hổ để thực hiện những điều khó khăn. Chẳng hạn: Nếu không tự tin khi nói trước đám đông, lắp bắp khi trình bày ý kiến, thì nên tập phát biểu trong lớp học, trước đám đông, thuyết trình dự án…

18. Khám phá những vùng đất mới

Nếu không có điều kiện du lịch mỗi ngày, ít nhất hãy tìm kiếm những điều mới mẻ tại nơi sinh sống. Có thể là gặp gỡ những con người khác nhau, trải nghiệm văn hóa vùng miền… để biết thêm nhiều điều thú vị trên thế giới. Những trải nghiệm này tuyệt vời hơn việc suốt ngày ở nhà và xem ti vi.

19. Dành thời gian “không làm gì cả”

Đôi khi, ngồi im lặng, tĩnh tâm, nghĩ về những sự việc trong ngày hoặc những trải nghiệm trong quá khứ sẽ giúp bạn có được cảm hứng và năng lượng để thực hiện điều mới mẻ, thú vị.

20. Thực hành những gì đã học

Nếu bạn vừa học được kỹ năng mới: chơi nhạc cụ, trượt patin, vẽ, gấp giấy nghệ thuật… hãy thực hành và thường xuyên luyện tập với những kỹ năng đó. Vừa học, vừa làm là một trong những cách hiệu quả nhất để trở nên thông minh hơn.
 Minh Phương (Theo Business Insider)
Exit mobile version