Có bao giờ bạn đọc đi đọc lại 1 cuốn sách, và tự hỏi, tác giả đã viết nó như thế nào. Phía sau những câu chuyện là những câu chuyện thú vị. Nhờ đó, bạn hiểu hơn về tác giả và tìm thấy thêm nhiều ý vị khi thưởng thức tác phẩm của họ.
-
The Hunger Games -Truyền hình thực tế và chiến tranh
Nếu tôi nói rằng, đây là bộ ba cuốn viết về chiến tranh dưới cái nhìn của một chương trình truyền hình thực tế, có thể các bạn biết tôi đang muốn nói đến bộ sách nào, nhưng có lẽ rất ít người trong chúng ta biết được, ý tưởng của nó đến từ cuộc chiến tranh Việt Nam và nỗi nhớ thương cha kết hợp với cái nhìn của truyền thông về chiến tranh thời hiện đại.
Câu chuyện bắt đầu vào một đêm muộn, Suzanne Collins vô thức bật qua bật lại các kênh truyền hình. Có một chương trình thực tế về chiến tranh Irac. Trong ánh sáng xanh ảm đạm hắt ra từ ti vi, cô bắt gặp cái nhìn của giới truyền thông, họ cho rằng, chiến tranh mang lại vinh quang. Chính trong khoảng khắc ấy, nỗi đau chia cắt với cha cô trỗi dậy, đã lâu lắm rồi, cô nhớ cái lần cô nhận được điện thoại từ cha của mình. Ông nói, ông phải đến Việt Nam, chiến tranh đang xảy ra.
Chiến tranh, đối với mọi người, chỉ là một chương trình truyền hình nhưng với cô nó chính là thực tế, một thực tế đau đớn khi cô gái nhỏ hiểu thế nào là sự bất lực, cô không thể nào ngăn cha mình phải đến chiến trường.
Nhưng hôm nay, Suzanne Collins không còn là cô gái nhỏ nữa, cô không cần phải bất lực đứng nhìn những gì cô yêu thương vụt qua mất. Cô có ngòi bút, nhiều năm trải nghiệm để có thể truyền tải suy nghĩ của mình. Ý tưởng mới bao bọc lấy cô, và cô bắt đầu viết những dòng đầu tiên ở tuổi 46. Chẳng bao lâu sau đó, nó trở trành bộ tuyển thuyết 3 phần ăn khách và nhanh chóng được chuyển thể thành phim. Cả bộ sách và phim đều đạt doanh thu cao và đưa tên tuổi Suzanne Collins đến toàn thế giới.
-
The Gambler – Con bạc viết Con bạc để trả nợ
Ai cũng biết cờ bạc làm hỏng đời người, nhất là đối với một nhà văn, đam mê đỏ đen kiến ông không thể viết, và khi không thể viết, ông lại càng trở nên điên loạn.
Vậy là, dưới áp lực của nợ nần, Dostoyevsky bắt đầu viết Con Bạc. Ít ai biết bản thân tác phẩm này cũng là một ván cược. Để bù vào số nợ mà ông đang thiếu, Nhà xuất bản đã yêu cầu ông viết một kiệt tác trong thời hạn 1 tháng, nếu không, tất cả những gì ông viết sẽ thuộc về nhà xuất bản trong 9 năm, mà không cần phải trả 1 đồng tác quyền nào. Cuối cùng, ông đã hoàn thành cuốn sách trong đúng 26 ngày bằng cách đọc cho Anna Grigorievna Snitkina (sau này là vợ ông) – một người viết tốc ký – ghi lại.
-
Carrie – Cuốn sách trong thùng rác
Không ai không biết Stephen King là ông hoàng của truyện kinh dị, với nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim, trong đó có Carrie, câu chuyện về một nữ sinh 16 tuổi trả thù cả thị trấn của mình sau một chuỗi ngày dài bị bắt nạt.
Trên thực tế, Stephen King viết Carrie khi ông và vợ đang phải sống trong xe kéo, nghiện ngập, nghèo đói và tuyệt vọng. Dựa trên câu chuyện về cô học trò của chính mình, người đã tự sát vì bị bỏ rơi và bắt nạt, ông đã vẽ ra cho cô gái một kết thúc khác hơn. Tuy nhiên, trong cơn mê muội, ông đã quẳng Carrie vào thùng rác.
May mắn thay, vợ của ông tình cờ nhặt được chúng và thuyết phục ông gửi nó cho nhà xuất bản. Cuối cùng, Carrie đã trở thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Stephen King được xuất bản và mở đường cho những tác phẩm vang dội sau này.
-
A Wrinkle in Time (Nếp gấp của thời gian)- Nỗ lực cuối cùng
Nếp gấp của thời gian là tiểu thuyết thiếu nhi kinh điển của thế kỷ XX, với nội dung vô cùng sáng tạo, sâu sắc, là một câu chuyện ma thuật nhưng cũng rất khoa học với các chi tiết toán học và thiên văn học, nhưng nó cũng từng là lý do Madeleine L’Engle muốn từ bỏ đam mê sáng tác của mình.
Madeleine L’Engle mê viết văn từ nhỏ, cô muốn viết nên những bộ tiểu thuyển nổi tiếng thế giới, sản xuất thành phim truyền hình nhiều tập… Cô muốn khám phá các khái niệm như bản chất của không gian và thời gian, sự cứu rỗi của cá nhân và gia đình, khám phá tiềm năng của kiến thức con người thông qua tiểu thuyết. Tuy nhiên thất bại chồng thất bại, Madeleine tròn 40 tuổi, công ty nhỏ của cô không kiếm đủ tiền và cô bận rộn thực hiện bổn phận của một người mẹ. Vào đêm giao thừa, nhìn chồng thư từ chối chất như núi từ các nhà xuất bản, cô tự hứa với bản thân mình sẽ từ bỏ nghiệp viết, tập trung vào những gì thực tế hơn.
Để bắt đầu quên việc viết lách, cô tổ chức chức một buổi tiệc trà cho mẹ mình và cố hết sức để làm hài lòng tất cả khách khứa. Tại chính buổi tiệc này, cô đã gặp một người đàn ông, một người sẵn sàng ngồi nghe ý tưởng của cô, và sau này đã giúp cô xuất bản. Vậy là, mục tiêu từ bỏ nghề viết của Madeleine đã thất bại thảm hại. Cuốn sách Nếp gấp của thời gian đoạt huân chương Newbery danh giá, đưa tên tuổi của Madeleine L’Engle đến với bạn đọc.
-
The Gulag Archipelago (Quần đảo ngục tù)– Cuốn sách bí mật
Solzhenitsyn bắt đầu viết cuốn sách này từ tháng tư 1958, kéo dài hơn 10 năm trời, trong khoảng thời gian ông bị bắt giam, bị đói khát và khủng hoảng. Thỉnh thoảng ông viết ngấu nghiến những ý tưởng trên mảnh giấy vệ sinh, nhưng đa phần, ông chỉ có thể viết nó trong đầu. Ông chỉ xuất bản cuốn sách sau khi người đánh máy cho ông bị bắt, thẩm vấn và buộc phải treo cổ tự tử.
Trên cuốn sách của mình, Aleksandr Solzhenitsyn viết lời tựa như sau: “Thiên tiểu thuyết này viết xong đã lâu mà tôi vẫn ngần ngại chưa muốn xuất bản. Thà phụ lòng người chết còn hơn gây hại cho những người còn sống. Nhưng bản thảo bất ngờ lọt vào tay mật vụ thì tôi đành phải cho ra ngay, càng sớm càng tốt. Xin lưu ý là trong Quần đảo ngục tù không có người bịa chuyện. Nhân danh, địa danh đều ghi rõ tên thực. Nếu có ghi tên tắt chỉ là bắt buộc cũng như nếu có thiếu sót chỉ vì người viết không nhớ nổi, nhớ hết. Vì tất cả trong Quần đảo ngục tù đều có thực, nghĩa là thấy sao viết vậy.”
Thành công không đến dễ dàng, vào một ngày mưa tháng 11, tôi lật lại những trang viết này, bên li cà phê để nhắc mình không bỏ cuộc.
Bến Hà (Theo Medium.com)