Lifehack.vn

Để con vâng lời, bố mẹ cần thực hiện 8 nguyên tắc tối quan trọng này

Bé bướng bỉnh, không vâng lời cha mẹ phần lớn là do cha mẹ chưa nắm được những nguyên tắc tối quan trọng khi ứng xử với trẻ.

1. Hãy là một giáo viên giỏi

Một người giáo viên tốt sẽ nắm tay bé, chạm vào trái tim bé và giúp bé mở mang tầm mắt. Để làm được như vậy, bạn phải hiểu rằng cha mẹ chính là những người thầy cô quan trọng nhất trong cuộc đời trẻ. Cha mẹ là hành lang cuộc sống, là lan can trên đường đua cuộc đời, mà trên con đường dài ấy, chiếc xe của bé sẽ có nhiều lần chệch hướng.
Bạn phải chấp nhận sai lầm của bé thay vì mong đợi bé luôn thành công. Tha thứ không phải là đồng tình với tội lỗi mà chỉ đặt lòng tin, sự nhẫn nại và hiểu biết của mình vào bé. Những người cha mẹ đầy nhiệt huyết sẽ nuôi dạy những đứa trẻ có thể chất phát triển, trí tuệ sáng suốt có khả năng thay đổi cả thế giới.

Cha mẹ là những người thầy cô quan trọng nhất trong cuộc đời trẻ.

2. Đặt ra luật nhà

Hãy đặt ra cũng quy tắc chung đơn giản, dễ hiểu để áp dụng trong gia đình. Khi cả bạn và bé đã cũng thống nhất đi đến một thỏa thuận chung, đó là nền tảng cần thiết để làm nên sự tôn trọng lẫn nhau. Mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ cũng công bằng hơn khi cả hai bên đều phải tuân thủ một luật lệ như nhau. Khi họp gia đình để thống nhất những quy tắc, hãy cho bé cơ hội thực hành làm việc nhóm như lắng nghe bé và yêu cầu bé đóng góp.

Đặt ra luật nhà không phải chỉ là những quy luật buộc bé phải tuân thủ mà phải bao gồm cả những quy tắc cho người lớn. Nếu cưỡng ép trẻ một cách vô lý, chúng ta có thể buộc trẻ vâng lời nhưng không thể khiến trẻ tôn trọng. Số quy tắc nên gói gọn trong 4 hoặc 5 dòng, có thể ghi thêm một câu châm ngôn yêu thích về cách ứng xử.

Cùng bé thảo luận và đặt ra quy tắc trong nhà.

3. Đưa ra hình phạt

Dù thế nào đi chăng nữa, làm cha mẹ khó tránh được những lúc buộc phải nghiêm khắc với bé. Tuy nhiên, không thể phạt bé một cách tùy tiện mà nên thống nhất những hình phạt phù hợp với mức độ phạm lỗi.

Trong khi họp gia đình để đặt ra luật nhà, hãy đưa thống nhất luôn hình thức xử phạt mà cả hai bên đều cho là thích hợp. Nếu muốn, bạn có thể để bé tự đưa ra cách thức phạt, điều đó khiến bé không thể trốn tránh khi phạm lỗi. Và khi đã nói sẽ phạt thì bạn nên thực hiện từ lần đầu tiên bé mắc sai lầm bởi nếu không, bé có nghĩ rằng mắc lỗi lần nữa cũng không sao.

4. Đếm đến ba

Trong một nghiên cứu của tiến sĩ Thomas W. Phelen, 1 2 3 là những con số thần kỳ để khiến trẻ vâng lời. Những con số này tượng trưng cho sự báo động đối với hành vi đã ở mức khó chấp nhận của trẻ. Trẻ em không phải từ khi sinh ra đã biết hành động như thế nào là đúng, là sai. Và đó chính là công việc của những người cha mẹ.

Khi nhận thấy một hành động của trẻ trở nên quá đáng, khó có thể chấp nhận, bạn không nên lớn tiếng quát mắng trẻ. Trước hết, hãy bình tĩnh yêu cầu bé dừng lại. Nếu bé không nghe lời, hãy im lặng trong vài giây rồi giơ ngón tay lên, đếm với giọng điệu cứng rắn cùng ánh mắt nghiêm nghị. Đừng quên cho bé một chút thời gian cân nhắc trước khi đếm đến ba. Nếu cuối cùng bé vẫn cương quyết, luật nhà sẽ được áp dụng.

5. Bỏ qua

Dạy trẻ cách cư xử đúng mực thì dễ dàng hơn nhiều so với kiểm soát tâm trạng của bản thân. Thật khó để không thất vọng khi bé không làm theo những gì bạn mong muốn. Nhưng hãy cố gắng ngừng chỉ trích bé và học cách chấp nhận rằng bé cũng như bạn, cũng có lúc thất bại và thành công.
Một khi bé mắc sai lầm và chịu phạt xong, hãy cho qua mọi chuyện và quay về nhịp sống vui vẻ thường ngày. Nếu bạn vẫn giữ biểu hiện cáu giận trên khuôn mặt, bé sẽ bị đè nặng bởi cảm giác tội lỗi. Suy cho cùng, cha mẹ nào cũng muốn trẻ được vui tươi cùng những suy nghĩ lạc quan, tích cực.

6. Nói chuyện thẳng thắn

Hành động này không chỉ giúp ích cho bé mà còn tốt cho chính bản thân bạn. Sau khi bé mắc sai lầm và nhận phạt mà bạn vẫn cảm thấy khó có thể bỏ qua, hãy cùng bé thảo luận thật công bằng. Hãy nói với bé việc bé làm khiến bạn thất vọng ra sao và dạy bé cách nói lời xin lỗi thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Cha mẹ chính là hình mẫu để trẻ noi theo, là người chịu trách nhiệm cho mọi hành động của trẻ. Trò chuyện thẳng thắn với bé không phải để thống nhất hình phạt cho lần vi phạm tiếp theo mà để khiến bé hiểu cho dù bạn vô cùng tức giận, bạn không thể chấp nhận hành vi của bé, nhưng bạn vẫn yêu bé một cách vô điều kiện.

7. Kiên nhẫn chờ đợi

Dạy bé điều hay lẽ phải không phụ thuộc vào số lượng và vào thời điểm. Bé phải ở trong tâm trạng sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận những gì bạn muốn dạy. Khi tức giận, những lời lẽ của bạn đều trở thành sai trái đối với bé. Nếu bạn quá vội vàng áp dụng những quy tắc xử phạt với bé thì những điều đó có thể phản tác dụng hoàn toàn.

8. Yêu thương, yêu thương và yêu thương

Có một sai lầm các bậc phụ huynh thường mắc phải, đó là dạy con theo cách cha mẹ đã nuôi dạy mình. Nhưng thực tế, thời gian thay đổi không ngừng, tâm lý của trẻ em mỗi thời cũng vậy. Bạn cần linh hoạt hơn để thích ứng với tất cả những thay đổi này.

Tuy nhiên, điều đảm bảo cho sự liên kết giữa bạn và bé, bất kể ở thời đại nào, chính là tình yêu thương. Đúng vậy, tình yêu không tốn một xu nhưng ngàn vàng cũng không mua được. Chỉ cần bé cảm thấy mình được yêu thương trong chính gia đình mình, mọi vấn đề đều có thể được giải quyết. Tình yêu được thể hiện qua những lời ngọt ngào, những cái ôm, không phán xét trẻ, trải lòng mình với trẻ và tôn trọng quyền riêng tư của trẻ. Khi bạn đã đủ gần gũi để chạm đến trái tim bé, bạn sẽ chẳng cần đến biện pháp nào để khiến bé vâng lời.

                                                                                                                      Diệu Linh (Theo Lifehack)
Exit mobile version