Lifehack.vn

Bạn chắc chắn đã từng bối rối khi được hỏi “Bạn muốn làm gì khi mình trưởng thành”?

Không phải ai trong chúng ta cũng sinh ra với một niềm đam mê hay một sở thích duy nhất- chúng ta nên xem điều đó như một thế mạnh chứ không phải là một điểm yếu. Đó là điều mà Emilie Wapnick, một nhà văn, nhà diễn giả, một nghệ sĩ (và một vài chức danh khác nữa) đã từng nói.

Khi còn nhỏ, bạn có nhớ khi được hỏi lớn lên mình sẽ làm gì bạn đã trả lời như thế nào không? Tôi đã không nhớ mình từng trả lời như thế nào, tôi chỉ nhớ là sau khi tôi trả lời: người hỏi tôi có vẻ mặt rất tán thành và tự hào. Dường như mọi người thường cảm thấy vui vẻ khi tìm ra điểm tương đồng với một người nào khác.

Khi chúng ta lớn lên, chính câu hỏi vui với những câu trả lời đầy mộng mơ ngày nào lại trở thành một vấn đề quan trọng và gây nhiều lo âu cho phần lớn chúng ta. Chúng ta bắt đầu cảm thấy áp lực khi phải trả lời một câu hỏi thực tế, nặng nề và gắn liền với số phận của chính mình. Câu trả lời mà mỗi cá nhân chúng ta đưa ra sẽ được làm cho chắc chắn hơn bằng nhiều cách. Hàng loạt các quyển sách hướng nghiệp cùng với người hướng dẫn sẽ giúp ta tối giản những sự lựa chọn của mình đến một mức hoàn hảo, đồng nghiệp và bạn học thường hỏi chúng ta về kiến thức chuyên môn, nhà tuyển dụng thỉnh thoảng sẽ yêu cầu ứng viên giải thích về những kĩ năng họ có bên ngoài lĩnh vực của mình vì cho rằng họ thiếu khả năng và sự chuyên tâm. Có những người may mắn biết được mình muốn làm gì từ khi còn rất nhỏ. Chúng ta vẫn thường nghe đến một cô bác sĩ nào đó mong ước trở thành bác sĩ từ thuở ấu thơ hay một nhà văn viết quyển tiểu thuyết đầu tay vào năm lên mười. Tuy nhiên, chúng ta lại không nằm trong số đó.

Nếu thật như vậy, bạn có lẽ là một người đa năng, người có nhiều sở thích và những đam mê sáng tạo. Không có một định nghĩa đơn giản nào cho một người đa năng cả. Một vài người sẽ thích có hàng tá dự án phải thực hiện cùng lúc, số khác lại thích ăn dằm nằm dề trên một dự án từ tháng này qua tháng nọ và chỉ tập trung vào một mục tiêu cho đến khi chuyển sang một mục tiêu khác. Những đam mê của bạn có thể đến cùng một lúc hoặc theo trình tự hoặc bất cứ khi nào nó thích.

Hãy cẩn thận: con đường thể hiện sự đa năng của bạn bằng cách này hay cách khác sẽ không dễ dàng hay trơn tru đâu. Những khó khăn thường là thiếu nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp và không đủ thời gian để theo đuổi tất cả những điều mình thích. Nhưng chướng ngại lớn nhất đối với những người đa năng lại là sự tự nghi ngờ bản thân như chúng ta vẫn hay gặp phải. Chúng ta có thể trở thành kẻ thù của chính mình – lo sợ bị người khác đánh giá, chúng ta cứ bám dính lấy cái nghề mà mình không thuộc về. Đó là những điều đáng ngại nhất đối với một người đa năng, vì họ luôn phải suy nghĩ về những cách để giúp mình không bị kéo lùi lại phía sau.

Thử thách thứ 1: Sự xấu hổ và mặc cảm tội lỗi

Bạn sẽ cảm thấy rất tồi tệ khi nhận ra rằng mình không còn hứng thú với một thứ gì đó từng là đam mê của mình. Có thể bạn đã đầu tư không biết bao nhiêu là thời gian và tiền bạc, mồ hôi và nước mắt – vì bạn đã nghĩ đó là đam mê thật sự của mình. Và khi bạn mất đi niềm đam mê, đọng lại trong bạn là sự nhận thức đau đớn rằng mình đã sai. Chính bản thân tôi cũng trải qua việc này rất nhiều lần. Tôi mất đi niềm đam mê với âm nhạc khi tôi bước vào tuổi hai mươi, tôi hoàn toàn cảm thấy trống rỗng. Nếu không phải âm nhạc, tôi sẽ làm gì đây? Cũng cảm giác đó xảy đến khi tôi bắt đầu hết hứng thú với phim ảnh rồi với cả môn luật…Trải qua những cảm giác như vậy sẽ khiến bạn lo lắng, tự cảm thấy mình thật thất bại, trống rỗng, thậm chí cảm thấy xấu hổ và mặc cảm tội lỗi. Hơn thế nữa, bạn còn sẽ tiếc thương cho những khoảng thời gian tươi đẹp khi bạn dốc hết cả sức lực cho những đam mê của mình.

Hướng cải thiện: Đối với những người mới bắt đầu, hãy luôn nhớ rằng thử thách ấy là hoàn toàn tất yếu. Hãy cứ tiếp tục với những đam mê khác của bạn và không việc gì phải cảm thấy tội lỗi cả. Vì cảm giác đó giống như việc bạn duy trì quan hệ với những người mà bạn không còn yêu thương chỉ vì sợ bạn sẽ tổn thương họ vậy. Nhưng ở đây không giống như khi ở trong một mối quan hệ, người tổn thương duy nhất chỉ có bạn mà thôi.Và hãy luôn nhớ rằng, rồi nhiều điều thú vị sẽ đến. Hãy cứ để tâm hồn bạn tự tại để có thể bước tiếp đến những cuộc phiêu lưu mới. Tại đó, bạn sẽ học được những kĩ năng mới mà bạn sẽ dùng chúng để chinh phục một lĩnh vực mới, nơi mà bạn biết nó dành cho mình. Bên cạnh đó, bạn còn gặp gỡ được những con người thú vị bởi vì chính bạn đã cho phép mình bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Và cuối cùng, điều bạn đạt được còn to lớn hơn. Không phải cái bạn làm, không phải một điểm lưng chừng ở giữa, cũng không phải công việc bạn có, bạn còn “to lớn” hơn cả những nghệ sĩ, những giảng viên hay thậm chí những kỹ sư điện. Mặc cho chức danh của bạn là gì đi nữa hoặc thậm chí bạn chẳng có một chức danh nào thì bạn đã có tất cả. Vì lúc này bạn đã thoải mái hơn với việc luân chuyển, bạn bắt đầu cảm thấy sự thay đổi thật cần thiết và thú vị hơn rất nhiều so với chỉ làm mãi một việc chán ngán được định riêng cho mình. Hơn thế nữa, bạn còn nhận ra một điều là những thứ bạn làm, bạn tạo ra và bạn học hỏi được là của bạn, giúp bạn có thêm tự tin để dấn thân vào những chân trời mới với một cái nhìn chi tiết hơn và thấu đáo hơn.

Thử thách thứ 2: Cảm giác bất an lặp đi lặp lại khi ở vị trí của một người mới bắt đầu.

Nỗi lo này thường đến khi chúng ta muốn làm và đạt được nhiều thứ khác nhau. Mặc dù những người đa năng rất thích học hỏi, nhưng ngay cả những người tự tin vào chính mình nhất cũng sẽ cảm thấy bất an và không thoải mái khi bắt đầu theo đuổi cái gì đó mới mẽ.

Hướng cải thiện: giai đoạn dở tệ khi làm một thứ gì đó là một phần tất yếu của quá trình để trở nên tốt hơn. Điều này có vẻ hiển nhiên nhưng ta lại thường quên nó. Còn quá sớm để nói rằng bạn “dở tệ về mảng hội họa” hay “không giỏi về lĩnh vực khoa học”. Hãy cho mình thời gian. Khi bạn tiến bộ hơn, hãy đánh dấu lại những thành công nho nhỏ của mình. Bất cứ khi nào bạn hiểu ra một khái niệm nào đó, hoặc thậm chí chỉ một tiến bộ nhỏ, hãy ghi lại ngay vào nhật kí của mình. Nó sẽ nâng đỡ tâm hồn bạn, giúp bạn có động lực để tiếp tục quá trình học hỏi. Nhưng cũng đừng áp đặt bản thân mình. Thay vào đó, hãy lên kế hoạch để làm việc trong những khoảng thời gian ngắn hơn, một cách thường xuyên hơn. Cách này sẽ giúp bạn tiếp thu những thông tin mới nhanh hơn và nhớ lâu hơn. Thời gian làm việc ngắn hơn cũng giúp bạn tránh khỏi những quấy nhiễu. Khi con chó của tôi còn nhỏ, nó rất muốn phản ứng với những yêu cầu của tôi, nhưng não nó không thể phân biệt được như thế nào là “ngồi xuống” và như thế nào là “ở yên đấy”. Nếu chúng tôi huấn luyện nó trong một thời gian dài, nó sẽ rối não và muốn từ bỏ. Cho nên chúng tôi đã chia nhỏ việc huấn luyện ra, chỉ một hoặc hai lần một ngày (cùng với nhiều phần thưởng), và cuối cùng tôi đã huấn luyện được nó.

Một ý nhỏ nữa nhưng cũng không kém phần quan trọng đó là hãy đối xử tốt với chính mình. Khi huấn luyện con chó, tôi học được rằng sự động viên khách quan sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn so với việc la mắng nó. Hãy từ tốn, kiên nhẫn và nhấm nháp một cái bánh khi bạn cần chút thư giãn chẳng hạn.

Thử thách thứ 3: Nỗi sợ khi không phải là người giỏi nhất

Khi trở nên đa năng, một trong những thứ chúng ta bận tâm nhất đó là chúng ta sẽ không sánh kịp với những người chỉ chuyên một lĩnh vực trong một thời gian dài. Chúng ta sẽ tự hỏi “Tại sao người ta lại thuê tôi, một đầu bếp để làm một giám đốc dự án trong khi họ có thể thuê chính những người làm trong lĩnh vực đó hàng năm trời?” hoặc “Tại sao người ta lại muốn làm việc chung với một người vừa là bác sĩ thực tập vừa là một vũ công chuyên nghiệp như mình, trong khi họ hoàn toàn có thể tìm một bác sĩ có thâm niên, đã làm quen với y học từ thuở lên năm?”

Hướng cải thiện: Việc trở thành người giỏi nhất hiển nhiên là không thể. Thậm chí ngay khi bạn dành cả cuộc đời cho một lĩnh vực nào đi nữa, dường như bạn cũng sẽ chẳng đạt được vị trí số một. Sẽ chắc chắn có ai đó giỏi hơn, cũng có ai đó dở hơn bạn, đó là cuộc sống. Chạy theo mục tiêu trở nên giỏi hơn một ai đó sẽ đẩy bạn vào vòng tranh đấu với người khác và khiến cho bạn không ngừng phán xét về bản thân, không ngừng so sánh mình với người khác. Có một bí mật nhỏ là sẽ không có một nhà chuyên gia nào ngoài kia phán xét bạn hết, cũng không ai đưa ra những nguyên tắc để định đoạt đâu là chuyên nghiệp, đâu là nghiệp dư cả. Cho đến khi có ai đó nói bạn không phải thì bạn vẫn chuyên nghiệp, mà thường chẳng ai nói vậy cả. Phần lớn nhà tuyển dụng và những khách hàng tiềm năng chỉ tìm đến những người có thể hiểu được tình trạng của họ và đưa ra cho họ những giải pháp. Nếu bạn tự tin chứng tỏ được bản thân mình có năng lực để tạo ra giá trị thì những người phù hợp với bạn sẽ muốn được làm việc chung với bạn.

Thử thách thứ 4: Hội chứng lo sợ trở thành kẻ gian dối

Biểu hiện của hội chứng này là khi bạn nghĩ mình đang lừa dối người khác, rằng bạn không đủ tài năng như mọi người nghĩ, rằng bạn không nên ở đây và lo sợ một ngày nào đó mọi người sẽ nhận ra sự bất tài của mình. Và mọi thứ sẽ chỉ tệ hơn thôi vì nó sẽ khiến bạn bỏ lỡ không biết bao nhiêu là cơ hội tốt và đạt được những thành công lớn hơn.

Hướng cải thiện: Nếu bạn thật sự là một kẻ gian dối bạn sẽ không mắc phải hội chứng này. Kẻ gian dối là những kẻ lừa dối người khác để trục lợi cho bản thân mình. Đó không phải là bạn. Bạn chỉ đang cố gắng làm tốt công việc của mình và nổ lực tạo ra cái mới đôi lúc sẽ mang đến sự không chắc chắn hoặc sự nghi ngờ. Và nếu bạn thỉnh thoảng cảm thấy nghi ngờ về khả năng của mình thì đó là dấu hiệu bạn nằm trong số những người giỏi. Không việc gì phải lo lắng cả.

Thử thách thứ 5: Đối mặt với dư luận xung quanh bạn

Sự bất an của bạn không chỉ đến từ bên trong. Bạn có thể sẽ lo lắng vì phản ứng của những người xung quanh bạn: vì cha mẹ bạn quan tâm, vì đồng nghiệp bạn nghi ngờ và cũng có thể vì người thầy cổ hủ của bạn. Cái cảm giác khi chia sẻ một điều mới mẻ với ai đó và nhận lại là một cái nhìn sáo rỗng hoặc dáng vẻ không đồng tình, chúng ta đều đã hiểu quá rõ.

Hướng cải thiện: có người nói rằng chúng ta là kết quả của năm người bạn thân nhất. Những người xung bạn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến động lực của bạn, đến mục tiêu và cả những điều bạn cho là có thể. Đừng ngần ngại rời xa những người bạn chưa tốt. Hãy tìm kiếm và kết bạn với những người có cùng quan niệm sống và có niềm tin vào hướng đi mà bạn muốn theo đuổi. Nếu ai có đánh giá về những quyết định của bạn một cách tiêu cực, bạn có thể không chơi, không ai bắt ép bạn chuyện đó cả. Bạn hoàn toàn có quyền quyết định người mà bạn muốn đi cùng. Sau khi đã rời xa những người nghi ngờ bạn, hãy tìm cho mình một nhóm người ủng hộ. Hãy theo đuổi những gì bạn hứng thú và tìm lấy những người ủng hộ mình.

Vào một hôm tệ hại nào đó, bạn có thể nghĩ rằng giữ kín những đam mê cho riêng mình có lẽ lại tốt hơn. Tuy nhiên, việc kìm hãm hay chuyển sự đa năng của mình vào vùng riêng tư có thể gây hại cho chính bạn và cả những người khác. Điều bạn cần làm là tương tác với mọi người, học cách nói về công việc và lắng nghe trái tim mình bằng cách đối diện với nỗi sợ hãi và sự phản đối của mọi người. Sẽ không dễ dàng hay thoải mái khi nói về bản thân mình. Nhưng hãy cứ thử, cho mọi người thấy bạn tài giỏi như thế nào, vì nó giúp giảm thiểu những phản đối về việc làm nhiều thứ của bạn. Bạn sẽ cảm thấy tốt hơn và cũng giúp những người đa năng khác sống thật với chính họ. Như một làn sóng, hãy làm điều đó cùng nhau!

Trích từ quyển “Làm thế nào để làm được mọi thứ: Lời chỉ dẫn cho những ai vẫn chưa biết phải làm gì khi trưởng thành”  (Tựa đề tiếng Anh: How to Be Everything: A Guide for Those Who (Still) Don’t Know What They Want to Be When They Grow Up) bởi tác giả Emilie Wapnick.

Mỹ Phương (Dịch từ ideas.ted.com)

 

Exit mobile version