Lifehack.vn

7 điều thú vị về Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất

Với 700 chuyên gia đến từ cách ngành công nghệ và lĩnh vực tương lai hội tụ về một đất nước có mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu về đổi mới, mục đích của Hội nghị Thường niên về Hội đồng Tương lai Toàn cầu lần này là nhằm tập hợp các sáng kiến và hành động để chuẩn bị cho tương lai thế giới. Kể từ sau khi diễn ra Hội nghị năm ngoái, tại đó Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tuyên bố ý định phát triển một chiến lược quốc gia cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, thì đây là những gì mà quốc gia này đang làm để biến tầm nhìn thành hiện thực.

Quốc gia đầu tiên có Bộ trưởng Trí tuệ nhân tạo. Là một phần của chiến lược quốc gia cho Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư được tuyên bố vào tháng 9 năm 2017, UAE đã nhanh chóng hành động để chuẩn bị nhân tài nhằm biến mình thành một trung tâm toàn cầu về đổi mới và công nghệ mới nổi. Trong số sáu bộ trưởng mới được bổ nhiệm để chuẩn bị cho Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, thì Omar Bin Sultan Al Olama, 27 tuổi, đã trở thành Bộ trưởng Trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới.

Tàu siêu tốc và taxi bay. Không chỉ có tham vọng trở thành quốc gia đầu tiên đưa vào sử dụng hệ thống tàu mang tính cách mạng Hyperloop One của tỷ phú Elon Musk – một bước tiến giúp chúng ta có thể đi từ Abu Dhabi đến Dubai chỉ trong 12 phút – UAE đang tiến những bước dài trong việc cách mạng hoá hệ thống giao thông ở cả những khu vực khác. Một kế hoạch tương tự sẽ ra mắt thế giới với những chiếc taxi không người lái đầu tiên. Thành công với cuộc thử nghiệm công khai đầu tiên, Dubai cùng với hãng máy bay Volocopter của Đức hi vọng mọi người sẽ có thể vẫy một chiếc taxi bay từ “sân bay Volo” gần nhất trong vòng năm năm tới.

Đầu tư hàng tỷ đô la cho giáo dục. Các dự án cơ sở hạ tầng cứng như đường hầm Hyperloop hay sân bay cho drone (máy bay không người lái) mới chỉ là một phần. Một lĩnh vực đổi mới ít được nhắc đến nhưng rất sâu rộng là giáo dục và phát triển xã hội. Vào tháng 10 năm 2017, nước này đã công bố dự án Một triệu lập trình viên Ả Rập nhằm trang bị kỹ năng lập trình máy vi tính cho giới trẻ trên khắp Trung Đông. Ngân sách liên bang mới đây nhất của nước này được công bố vào tháng 11 năm 2017, cụ thể là chi tới 43,5% tổng chi tiêu chính phủ cho phát triển xã hội, trong đó 17,1% là cho giáo dục.

Ngày càng nhiều robot cảnh sát. Kế hoạch của UAE nhằm cải tiến năng lực phản ứng khẩn cấp của nước này còn đi xa hơn tuyên bố gần đây trong việc trang bị cho cảnh sát Dubai loại mô tô bay tốt nhất. Cũng trong năm 2017 Dubai đã thử nghiệm robot cảnh sát đầu tiền có khả năng đưa ra mức tiền phạt, báo cáo bằng video về căn cứ và tìm người thông qua nhận dạng khuôn mặt. Đây là bước đi đầu tiên trong chiến lược thay thế 25% lực lượng cảnh sát bằng robot vào năm 2030. Ở những nơi khác, với nỗ lực vượt qua khó khăn mà xe chữa cháy truyền thống gặp phải khi xử lý đám cháy ở các toà nhà cao tầng, có thể bạn sẽ được chứng kiến lính cứu hoả Dubai thực hiện nhiệm vụ khi họ bay bằng động cơ phản lực.

Mua sắm trực tuyến phổ biến trên khắp vùng Vịnh. Có lẽ không mấy ngạc nhiên đối với một nước có trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới, UAE cũng là nơi phát triển thương hiệu internet nổi tiếng nhất trong khu vực. Trang web mua sắm souq.com gần đây được Amazon mua lại với giá 580 triệu đô la đang hướng đến những thị trường mới như Ả Rập Xê Út. Trong khi đó, với nỗ lực duy trì vị trí dẫn đầu về thương mại điện tử trong khu vực và thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, nước này vừa chọn Trung Đông – Bắc Phi là khu vực tự do đầu tiên áp dụng thương mại số.

Dubai xây cả một toà nhà văn phòng bằng công nghệ in 3D. Là toà nhà in 3D đầu tiên trên thế giới với diện tích 250m2 chỉ mất 17 ngày và 18 kỹ sư để xây dựng, tiết kiệm một nửa chi phí so với công nghệ xây dựng truyền thống. Là công trình đầu tiên của Tổ chức Dubai Future (Dubai Future Foundation), tòa nhà sẽ được sử dụng như một không gian triển lãm, hội thảo và sự kiện trong thời gian tới.

Dubai – thành phố blockchain đầu tiên trên thế giới. Trong suốt năm 2017 tiểu vương quốc này đã tổ chức thực hiện các dự án thử nghiệm nhằm đánh giá khả năng ứng dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) để thay đổi cách thức cung cấp các dịch vụ của chính quyền. Các lĩnh vực ứng dụng đầu tiên cho công nghệ sổ cái phân tán này bao gồm việc xin thị thực, thanh toán hoá đơn, gia hạn giấy phép, hồ sơ sức khoẻ và giao dịch bất động sản.

Trịnh Ngọc Hoa (Theo Weforum.org)

Exit mobile version