Câu chuyện ứng dụng Trí Tuệ Nhân Tạo ở các doanh nghiệp của Trung Quốc

Thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy về mặt công nghệ nói chung và về mặt trí tuệ nhân tạo nói riêng của Trung Quốc. Hãy cùng tìm hiểu về những công ty Trung Quốc để xem họ đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo như thế nào để tăng cường sức mạnh cho doanh nghiệp của mình cũng như đánh dấu tên tuổi của mình trên bản đồ AI của thế giới. Cùng điểm qua những tên tuổi lớn như Alibaba, Baidu, JD, Tencent để hiểu rõ hơn về cách thức sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết những vấn đề to lớn ở các doanh nghiệp này.

BAIDU

ỨNG DỤNG HỌC MÁY VÀO CÔNG CỤ TÌM KIẾM VÀ XE TỰ LÁI

Baidu là một công ty công nghệ Trung Quốc tập trung vào các dịch vụ và sản phẩm liên quan đến Internet. Công ty này vận hành công cụ tìm kiếm phổ biến nhất ở Trung Quốc, cho phép họ truy cập vào bộ dữ liệu khổng lồ được tạo ra bởi hàng tỷ truy vấn tìm kiếm của người dùng. Trên hết, Baidu là cũng là một nhà phát triển ứng dụng, điều hành một nền tảng quảng cáo và được chính phủ Trung Quốc công nhận cũng như hỗ trợ cho việc phát triển xe tự lái. Dự án Apollo của nó là một của các chương trình lái xe tự lái có độ hoàn thiện nhất trên thế giới. Trong năm 2018, Baidu đã trở thành công ty trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên của Trung Quốc tham gia chương trình “Partnership on AI” do Facebook, Amazon, Google, Microsoft và IBM thành lập để khuyến khích phát triển AI đúng quy cách.1

Baidu Áp Dụng Trí Tuệ Nhân Tạo Như Thế Nào?

Cùng với chức năng tìm kiếm, Baidu cũng cung cấp chức năng tìm kiếm bằng hình ảnh, bản đồ, video, tin tức và dịch vụ dịch thuật cho người dùng của nó. AI đã được triển khai trên tất cả các tính năng này để đưa ra kết quả hữu ích với người dùng.

Kế hoạch này được thực tế ủng hộ khi có hơn 800 triệu người dùng internet ở Trung Quốc — lớn hơn hai lần tổng dân số của nước Mỹ,2 có nghĩa là kho dữ liệu để thuật toán AI xử lí lớn hơn nhiều.

Baidu gọi tất cả các hoạt động AI của nó với một tên chung là Baidu Brain. Các nền tảng, hiện đang có trên phiên bản 3, cung cấp quyền truy cập vào 110 công nghệ AI, bao gồm xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận diện hình ảnh, nhận dạng khuôn mặt và dán nhãn tự động cho dữ liệu video. Nó cũng bao gồm công cụ EasyDL, cho phép phát triển các hệ thống học sâu mà không cần phải lập trình.

Tại một hội nghị được tổ chức bởi Baidu ở Bắc Kinh vào tháng 7 năm 2018, một bác sĩ không có những kỹ năng về lập trình đã sử dụng nền tảng này và sau đó có thể phát triển công cụ học sâu có khả năng xác định 40 loại giun ký sinh, hiện đang được thử nghiệm lâm sàng.3

Xe Tự Lái

Baidu đã vượt trên các đối thủ Trung Quốc để trở thành “nhà vô địch” cho sự phát triển của các phương tiện tự lái hoàn toàn. Công ty đang nhắm đến mục tiêu đưa những chiếc xe tự lái lăn bánh trên các tuyến đường Bắc Kinh trước năm 2019,4 và bắt đầu sản xuất hàng loạt trước năm 2021.5

Để đạt được mục tiêu này, Baidu đã khởi động Dự án Apollo, hợp tác với một số nhà sản xuất xe hơi cao cấp, bao gồm Ford và Hyundai.6

AI là yếu tố chủ chốt trong hệ thống xe tự lái. Những chiếc xe được trang bị các cảm biến kết nối với các thuật toán Học Máy trên đám mây và hoạt động cục bộ trong xe để cho phép chúng “nhìn thấy” các điều kiện và mối nguy hiểm trên đường.

Những chiếc xe của Baidu cũng sử dụng dữ liệu bản đồ 3D có độ phân giải cao, được thu thập từ hình ảnh vệ tinh cũng như những chiếc xe được trang bị camera đã xây dựng lên cơ sở dữ liệu hình ảnh chi tiết về hệ thống đường ở Trung Quốc.7

Những chiếc xe của Ford sẽ tham gia các thử nghiệm đầu tiên dự kiến ​​vào đầu năm sau, khi chúng sẽ được trang bị Hệ thống Lái Thực tế ảo của Baidu (Virtual Driver System). Hệ thống có khả năng đạt được cấp độ 4 về khả năng tự lái, dựa trên hệ thống cấp độ của Hiệp hội kỹ sư ô tô (SAE).

SAE đã xác định năm cấp tự chủ, từ cấp độ 0 (không tự động hóa) đến cấp độ 5, đó là tự động hóa hoàn toàn — có nghĩa là xe hơi có thể tự lái bất cứ nơi nào con người có khả năng lái tới. Cấp độ 4 — mà Baidu dự định thử nghiệm trên đường vào năm tới — đòi hỏi một chiếc xe hơi để có thể thực hiện tất cả các chức năng lái mà người lái xe không cần phải chú ý đến.8

Cũng như ô tô, nguồn mở Hệ thống Lái Thực tế ảo của Apollo có thể được trang bị cho xe tải, cung cấp khả năng tự vận hành trong khu vực địa lý của đường cao tốc mở.

Trí Tuệ Nhân Tạo Với Nền Tảng Di Động

Baidu đã hợp tác với Huawei để xây dựng một nền tảng AI mở nhằm phát triển nền tảng di động. Mục tiêu là mang đến người dùng di động trải nghiệm “AI hiểu bạn hơn”, để việc sử dụng các chức năng và dịch vụ mà chúng ta đã quen truy cập qua điện thoại thuận tiện hơn bao giờ hết.9

Nó sẽ cho phép các nhà phát triển lập trình để vận hành các tác vụ học máy trên mạch đơn vị xử lý nơ-ron nhân tạo được tích hợp trong điện thoại Huawei. Họ sẽ có thể tận dụng khả năng nhận dạng giọng nói và hình ảnh của học máy, cũng như sự thích hợp của nó để xây dựng thự tế tăng cường (AR). Động thái này cũng đặt nó vào thế cạnh tranh với Apple và Samsung, hai công ty cũng đang phát triển nội bộ framework AI cho nền tảng di động của riêng mình.

Dịch Thuật Tức Thời

Baidu cũng đã phát triển một thiết bị cầm tay có khả năng tạo ra các bản dịch dựa trên học sâu giữa các ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Nhật.10 Nó hiện đang nhắm vào thị trường khách du lịch, hỗ trợ người dùng để di chuyển quanh các thành phố xa lạ khi ở nước ngoài và thực hiện các nhiệm vụ như đặt hàng thực phẩm trong nhà hàng và sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nó sử dụng thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên dựa trên học sâu, và việc dịch được thực hiện trên đám mây.11

JD.COM

ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO TRONG BÁN LẺ TỰ ĐỘNG

JD.com là một trong những nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc, và tự hào là một công ty về các quy trình công nghệ cao ứng dụng trí tuệ nhân tạo, bao gồm hệ thống phân phối bằng máy bay không người lái (drone), phương tiện giao hàng tự động và trung tâm hoàn tất đơn hàng được thực hiện tự động bằng robot.

Chúng tôi đã trao đổi với rất nhiều doanh nghiệp khi cùng thực hiện cuốn sách này, và mặc dù có những ý tưởng khác nhau về tương lai của AI, có một điều mà hầu hết họ đều tỏ ra đồng ý: sự xuất hiện của AI không đe dọa đến việc làm của con người và làm cho chúng ta trở nên dư thừa, mà là để phát triển khả năng của chúng ta.

Nhà sáng lập JD.com, Liu Qiangdong (còn được gọi là Richard Liu) là một ngoại lệ. Trong một cuộc phỏng vấn của Hội nghị bán lẻ Quốc tế 2018, ông nói: “Tôi hy vọng công ty của tôi sẽ là một công ty tự động hóa 100%. Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ không còn nhân công mà 100% công việc được vận hành bởi AI và robot.”1

Có thể ông ta chỉ đơn giản là trung thực hơn hầu hết các CEO công nghệ, những người trong thực tế muốn giảm thiểu hoàn toàn nhân công — được cho là kém hiệu quả hơn và luôn đưa ra nhiều đòi hỏi — ít nhất là trong doanh nghiệp của họ.

Tuy nhiên, qua đó chúng ta có thể hiểu rõ hơn lí do đằng sau chiến lược của JD.com về việc triển khai ứng dụng AI trong kinh doanh, tập trung vào việc sử dụng robot để tự động hóa càng nhiều hoạt động bán lẻ càng tốt.

JD.COM SỬ DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO ĐỂ LÀM GÌ?

JD.com ứng dụng AI nhiều nhất vào việc thực hiện các khâu phân phối, hậu cần và chuỗi cung ứng trên mạng lưới bán lẻ rộng lớn của họ.

Trên thực tế, trung tâm hoàn tất đơn hàng lớn cùa họ ở Thượng Hải, nơi xử lý 200.000 đơn hàng mỗi ngày, chỉ sử dụng tổng cộng 4 nhân công.2

Các robot, được ứng dụng học máy, vận chuyển các thùng hàng lên mạng lưới băng tải, phân phối các món hàng cần đóng gói cho các robot khác để đóng hộp và gửi đi giao.

Việc tích hợp AI và dịch vụ hậu cần đã phát triển đến mức JD.com có thể cung cấp dịch vụ giao hàng sau 1 ngày cho khách hàng, bất kể họ ở đâu trên toàn lãnh thổ Trung Quốc rộng 10 triệu km2 và 1,3 tỷ dân. Bây giờ, họ thậm chí đang chuẩn bị tiến tới việc giao hàng nhanh trong ngày.

JD.com cũng đang ứng dụng AI để cải thiện trải nghiệm khách hàng. Công ty đã tạo ra một chatbot có khả năng sáng tác tự động một đoạn thơ, gửi đến người nhận hàng như một món quà. Người mua có thể nhập đặc điểm tính cách của người sẽ nhận quà và thông tin về dịp tặng, và robot sẽ thực hiện phần còn lại — thật lãng mạn!

Công ty cũng đã hợp tác với các gã khổng lồ truyền thông ở Trung Quốc, Tencent và Baidu, để tích hợp các sản phẩm của mình vào các sản phẩm cực kỳ phổ biến như ứng dụng nhắn tin và chia sẻ hình ảnh. Một lần nữa, AI đóng vai trò then chốt. Dựa trên dữ liệu hồ sơ của khách hàng, hệ thống sẽ gợi ý các sản phẩm được bán bởi JD.com mà có thể thu hút họ. Các sản phẩm xuất hiện dưới dạng những quảng cáo được tài trợ, người dùng có thể đặt hàng và thanh toán mà không cần rời khỏi các ứng dụng xã hội đang mở.4

GIAO HÀNG TỰ ĐỘNG BẰNG CẢ ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG VÀ ĐƯỜNG BỘ

Năm 2016, trong khi Amazon đang thực hiện những chuyến giao hàng thử nghiệm đầu tiên bằng máy bay không người lái, JD.com cũng đã đưa mạng lưới phân phối bằng máy bay không người lái của mình vào hoạt động thương mại. Giao hàng bằng máy bay không người lái đã thực sự được hiện thực hóa ở Trung Quốc, khi đội tàu của JD.com đã hoàn thành hơn 300.000 phút bay cho đến nay.5

JD.com đang nghiên cứu và phát triển máy bay không người lái có thể vận chuyển hàng hóa có trọng lượng lên tới 5 tấn. Hiện tại, dịch vụ này chủ yếu được sử dụng để giao hàng trong khu vực gần các trạm máy bay không người lái — khoảng cách giao hàng xa nhất có thể là khoảng 15 km. Nhưng trong tương lai gần, đặc biệt là khi xuất hiện loại pin có tuổi thọ dài hơn, họ hy vọng việc giao hàng đến các vùng xa xôi và hẻo lánh sẽ trở nên dễ dàng và chi phí thấp hơn. Cũng như việc giao hàng cho khách, họ cũng sẽ chuyển hàng giữa các kho hàng với nhau bằng máy bay không người lái, công việc trước đây vốn thường được thực hiện bằng xe tải.

Tất nhiên, JD.com cũng tự động hóa cả việc giao hàng bằng xe tải. Xe tải tự lái do công ty triển khai đã tích lũy được 17.000 giờ kinh nghiệm lái xe trên đường và đã được sử dụng trong một số trường hợp để giao hàng. Hiện tại, mặc dù phương tiện này có thể tự hành tốt ở đường lớn ngoại ô, nhưng nó vẫn cần sự giám sát của một người ngồi sau vô-lăng khi đi vào khu vực đô thị. Người đứng đầu bộ phận X-Business của công ty, Xiao Jun, đã phát biểu: “Việc chỉ có thể cắt giảm 3 người lái xuống còn 2 người hay 1 người không có mấy giá trị với chúng tôi. Điều chúng tôi hướng tới là xe tải không người lái hoàn toàn.”6

CÔNG NGHỆ NHẬN DẠNG KHUÔN MẶT

JD.com ứng dụng công nghệ nhân dạng khuôn mặt trong việc định danh khách hàng. Khách hàng chỉ cần chọn lựa các sản phẩm trong cửa hàng vật lý, công nghệ nhận dạng khuôn mặt được dùng để xác minh danh tính của khách hàng và giao hàng tự động đến tận nhà họ.

Trước đó, khách hàng cần phải đăng ký danh tính bằng cách tải lên một ảnh chân dung có độ phân giải cao thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Việc ứng dụng học máy có thể dự đoán khuôn mặt sẽ như thế nào ở các góc nhìn khác nhau. Nhận dạng khuôn mặt được xem là an toàn hơn so với các kỹ thuật nhận dạng sinh trắc học khác như dấu vân tay, trong thực tế có thể được sao chép và làm giả tương đối dễ dàng.

TỦ LẠNH THÔNG MINH

Như trường hợp của các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ như Amazon, JD.com cũng mở rộng phát triển và marketing các sản phẩm tiêu dùng thông minh có tích hợp AI.

Đặc biệt, JD.com đã nghiên cứu tủ lạnh và đã cho ra mắt một “tủ lạnh thông minh” sử dụng máy ảnh được trang bị công nghệ nhận dạng hình ảnh. Các máy ảnh quét (scan) các sản phẩm trong tủ lạnh và có thể thông báo cho người dùng khi nào chúng sắp hết hạn sử dụng. Người dùng theo dõi các thông tin về sản phẩm trong tủ lạnh qua ứng dụng điện thoại thông minh, và có thể dùng ứng dụng này để đặt hàng cho các sản phẩm sắp hết.7

Khi người dân Trung Quốc ngày càng giàu hơn và quan tâm đến lợi ích của việc ăn uống lành mạnh, các thiết bị như tủ lạnh thông minh được bán bởi JD.com, cũng như các đối thủ bao gồm cả Alibaba và Baidu, cũng có thể đưa ra các đề xuất có lợi cho sức khỏe, những gì khách hàng nên ăn nhiều hơn hay ít hơn, cũng như đề xuất các công thức nấu ăn lành mạnh từ các thực phẩm có sẵn trong tủ lạnh.

CỬA HÀNG THÔNG MINH

Không giống như các đối thủ như Amazon và Alibaba kinh doanh trên mạng internet từ khi mới thành lập, JD.com bắt đầu với một cửa hàng vật lý tại Thượng Hải, Trung Quốc, trước khi chuyển sang môi trường trực tuyến vào năm 2014. Không ngừng quan tâm đến bán lẻ “ngoại tuyến” (offline), công ty đã khai trương cửa hàng không người bán đầu tiên tại trụ sở chính ở Bắc Kinh. Ở đây, khách hàng có thể thanh toán bằng cách nhìn vào máy ảnh để đăng ký nhận dạng thông qua thuật toán nhận diện khuôn mặt và tiền hàng tự động được trừ vào tài khoản của họ. Vào năm 2018, một cửa hàng không người bán khác cũng đã được mở tại Jakarta, Indonesia.8

Công nghệ này đã được thử nghiệm trong mạng lưới cửa hàng tạp hóa của công ty, nơi tập trung bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống. JD.com đã công bố kế hoạch mở thêm 1.000 cửa hàng mang nhãn hiệu 7Fresh để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng về chế độ ăn uống lành mạnh của người dân. AI được sử dụng ở mọi cấp độ, từ việc quyết định vị trí cửa hàng dựa trên nhân khẩu học, đến việc duy trì mức tồn kho và đảm bảo bảo nguồn cung ổn định cho bất cứ mặt hàng nào đang có nhu cầu.9 Màn hình thông minh cũng được sử dụng trong các cửa hàng có thể hiển thị quảng cáo theo sở thích cá nhân của khách hàng dựa trên giới tính và độ tuổi của họ, được xác định bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt.10

TENCENT

Sử dụng trí tuệ nhân tạo để tăng cường sức mạnh WeChat và ứng dụng trong y tế

Tencent là một tập đoàn đa quốc gia của Trung Quốc, chuyên về các lĩnh vực công nghệ và các dịch vụ trên nền tảng Internet. Ngày nay, nhờ những thành công trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử và truyền thông xã hội, Tencent đã trở thành một trong những công ty công nghệ có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới. Công ty này nổi tiếng nhất với ứng dụng WeChat, một dịch vụ nhắn tin di động và mạng xã hội đi kèm với chức năng chia sẻ hình ảnh và thanh toán. Đây là nền tảng mạng xã hội lớn nhất trên thế giới, với hơn 1 tỷ người dùng hoạt động mỗi tháng.

Nguồn doanh thu và lợi nhuận của Tencent trải rộng trên nhiều ngành, từ ngân hàng, bất động sản tới thăm dò vũ trụ và chăm sóc sức khoẻ, nhưng công ty luôn tập trung vào ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực trò chơi điện tử và giải trí. Có lẽ đây là lý do tại sao phương châm của phòng nghiên cứu AI của Tencent là “Hãy để AI có mặt ở khắp mọi nơi.”1

Tencent sử dụng Trí tuệ nhân tạo như thế nào?

Tencent đầu tư mạnh mẽ vào các công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo khi công ty nhận thấy rằng công nghệ có thể thúc đẩy hiệu quả trong mọi hoạt động kinh doanh của mình. Vào năm 2017, công ty thực hiện một loạt thương vụ đầu tư liên quan tới AI ở Mỹ, nhiều hơn bất kỳ gã khổng lồ nào khác của Trung Quốc.2

Tencent đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ nhận diện khuôn mặt. Thậm chí 3 tỉnh của Trung Quốc đã cho phép nhận diện công dân của mình thông qua thẻ ID điện tử của WeChat mà không cần đến thẻ vật lý.3

Công nghệ này cũng đang được sử dụng trong các ứng dụng trò chơi điện tử của hãng. Trong bối cảnh người dân Trung Quốc quan ngại về việc chơi game liên tục trong thời gian dài có thể gây ra những tác hại xấu tới sức khoẻ và việc giáo dục trẻ em, Tencent đã thử nghiệm một công nghệ giúp xác định xem người chơi có đủ tuổi hay không bằng cách yêu cầu họ trải qua một cuộc kiểm tra tự động bằng camera. Nếu như người chơi từ chối kiểm tra hoặc không đủ tuổi thì sẽ bị từ chối tham gia trò chơi.4

Tencent cũng huấn luyện cho “robot” phần mềm của mình trở nên thành thạo mọi chiến thuật trong game Starcraft 2, tới mức nó có thể đánh bại “người chơi ảo AI” của máy tính ở cấp độ khó nhất. Điều thú vị ở đây là “người chơi ảo AI” này không thực sự được xây dựng dựa trên trí tuệ nhân tạo mà chúng ta đang đề cập tới trong quyển sách này. Chúng không được điều khiển bởi những thuật toán tự học, chúng đơn giản được lập trình để thường xuyên chiến thắng bằng cách gian lận.

Các robot AI của Tencent đủ khả năng để thách thức “AI” của Starcraft và đánh bại nó bằng cách bắt chước chiến thuật của những người chơi giỏi nhất. Hệ thống đã nghiên cứu dữ liệu trực quan từ những người chơi nổi tiếng, thu thập hình ảnh với tốc độ 16.000 khung hình/giây trong vòng hai ngày. Và sau đó, nó đã có thể đánh bại máy tính AI ở cấp độ cao nhất.5

Robot và sự tự động hóa

Tencent luôn dành sự quan tâm lớn cho robot tiêu dùng (consumer robotics). Năm 2018, công ty đã đầu tư vào một công ty startup có tên là Ubtech, chuyên về robot gia dụng.6 Cùng với việc tạo ra những robot hai chân với hình dáng giống như con người, có thể di chuyển được, thậm chí leo cầu thang, hãng cũng cung cấp rất nhiều máy móc khác có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, giải trí, trợ giúp và an ninh cho gia đình.

Hãng cũng phát triển xe tự lái, cửa hàng không quầy thu ngân và thiết bị loa trợ lý ảo tại nhà, cạnh tranh trực tiếp với Alibaba, Baidu ở Trung Quốc và Amazon, Google tại Mỹ.

Kỹ thuật y khoa

Tuy nhiên, điều khiến Tencent nổi bật hơn so với những công ty khác là việc ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế.

Tencent đã tích hợp nền tảng nhắn tin WeChat nổi tiếng của mình vào các hệ thống đặt lịch hẹn tại 38.000 cơ sở chăm sóc sức khỏe. Điều này có nghĩa là khách hàng có thể sử dụng ứng dụng để đặt lịch hẹn trực tuyến, cũng như thanh toán chi phí điều trị thông qua các hệ thống thanh toán của WeChat.7

Tencent cũng hợp tác với công ty khởi nghiệp iCarbonX, sử dụng hệ gen học (genomics) và công nghệ quét tiên tiến để xây dựng các mô hình kỹ thuật số chi tiết nhất cho từng cá nhân, thu thập dữ liệu giá trị trong việc phát triển các loại thuốc đặc trị.8

Điều này cho phép công ty truy cập vào một bộ dữ liệu khổng lồ ghi lại các tương tác của bệnh nhân với các cơ sở y tế, những dữ liệu này có thể được sử dụng để huấn luyện các mô hình học máy để dự đoán nhu cầu điều trị trên toàn quốc.

Tencent cũng có một hệ thống sử dụng học máy và thị giác máy tính để theo dõi sự tiến triển của bệnh Parkinson, sử dụng các đoạn video của bệnh nhân. Bằng cách đo đạc các chuyển động của bệnh nhân trên camera, hệ thống có thể giúp các bác sĩ cập nhật tiến triển của quá trình điều trị và hỗ trợ điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp. Trong nhiều trường hợp, điều này có thể làm giảm nhu cầu bệnh nhân đến bệnh viện để kiểm tra định kỳ.9

Tencent Miying — Trí tuệ nhân tạo trong bệnh viện

Tencent Miying là một nền tảng chẩn đoán và hình ảnh y khoa AI mà Tencent đã triển khai tại 10 bệnh viện ở Trung Quốc, hứa hẹn sẽ tiếp tục triển khai tại hơn 100 bệnh viện khác.10
Nền tảng bao gồm hai hệ thống chính — một hệ thống sử dụng thị giác máy tính để hỗ trợ các bác sĩ trong việc nghiên cứu hình ảnh y khoa như quét MRI và X-quang, và một hệ thống hỗ trợ chẩn đoán và kê đơn điều trị.11

Miying là một sản phẩm được phát triển nội bộ trong các phòng thí nghiệm AI của Tencent, và sử dụng học sâu để cung cấp các thuật toán nhận dạng hình ảnh mạnh mẽ được huấn luyện trên hàng ngàn lần quét. Bằng việc học cách phát hiện mối tương quan giữa các triệu chứng bất thường có thể là dấu hiệu của bệnh, Miying trở thành một công cụ ngày càng có giá trị, giúp giảm bớt gánh nặng công việc của các bác sĩ vốn đang thiếu hụt nghiêm trọng ở Trung Quốc.12

Sau khi hoàn thành phân tích các bản quét, chức năng AI thứ hai áp dụng học sâu được huấn luyện dựa trên hàng nghìn tài liệu y tế và hồ sơ để hỗ trợ chẩn đoán bệnh nhân và kê đơn điều trị.

AI được huấn luyện để mô phỏng cách tiếp cận của bác sĩ trong việc nghiên cứu dữ liệu, nhưng ở mức độ thực hiện nhanh hơn và nhất quán hơn. Nó có thể xác định các triệu chứng của hơn 700 bệnh.13