Kết nối khi khởi nghiệp: Thoả mãn cả người bán lẫn người mua

(TBKTSG Online) – Băn khoăn lớn nhất của các startup (khởi nghiệp) khi xây dựng nền tảng kết nối là làm thế nào để tạo ra sản phẩm có thể thu hút người bán lẫn người mua. Nếu thiếu một trong hai đối tượng này thì startup sẽ thất bại.

Các sáng lập viên đến từ các startup quen thuộc đang chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nền tảng kết nối, cách thức triển khai dự án. Ảnh: Chí Thịnh.

Công ty cổ phần sách Alpha (Alpha Books) cùng nhóm doanh nhân khởi nghiệp CEO SG2 tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Xây dựng nền tảng kết nối dễ hay khó?” tại Saigon Innovation Hub chiều 9-12. Các diễn giả đang là sáng lập viên của những công ty khởi nghiệp đã trình bày về cách thức xây dựng nền tảng kết nối (platform); chia sẻ kinh nghiệm sáng tạo sản phẩm…

Ông Nguyễn Trọng Thơ, sáng lập viên startup Unica.vn; hệ thống đào tạo trực tuyến, cổng kết nối các chuyên gia cho biết, cũng giống như khi kinh doanh mảng thương mại điện tử (PV: mở sàn giao dịch), startup sẽ phải thu hút cả đối tác bán hàng lẫn khách hàng lên mạng mua hàng. Phải có thật nhiều sản phẩm để thu hút người mua, nhưng người bán lại yêu cầu có nhiều khách hàng truy cập thì họ mới chịu đưa sản phẩm đăng bán lên mạng.

Vậy, con gà và quả trứng, cái nào phải có trước?

Nói về cách thức tạo dựng nền tảng kết nối, ông Lê Mai Tùng, sáng lập viên mạng lưới quảng cáo chia sẻ ShareCarForAds.com (kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo với các chủ xe) chia sẻ, trước đây, khi tôi mở startup PinBike (hình thức xe ôm công nghệ) đã nhận được một bài học kinh nghiệm; nếu dịch vụ không có độ phủ lớn (nhiều xe) thì khách hàng sẽ không sử dụng. Sau đó, tôi đã chuyển qua mô hình chia sẻ dịch vụ đi chung bằng ô tô (sharecar.vn) rồi tiến tới mở startup quảng cáo chia sẻ trên ô tô (ShareCarForAds.com).

Còn bà Phạm Lan Khanh, sáng lập viên trang web freelancerViet.vn (sàn giao dịch việc làm tự do) cho biết, để có thể tạo ra nền tảng kết nối một cách hiệu quả, người sáng lập dự án khởi nghiệp cần xác định thị trường trước khi khởi sự. Có thể chạy thử một phần dự án nhằm khảo sát nhu cầu sử dụng sản phẩm của khách hàng. Ví dụ như trước đây, xuất phát từ nhu cầu cá nhân tôi đã tạo ra nhóm dành cho các Freelancer (hành nghề tự do) kết nối mọi người trên Facebook. sau đó cộng đồng ngày càng lớn lên, nhu cầu sử dụng nhân sự của doanh nghiệp cũng tăng lên nên tôi đã mở trang web freelancerViet.vn.

Các diễn giả cũng cho biết thêm, khi đã có kế hoạch xây dựng một nền tảng kết nối, các startup cũng phải mạnh dạn xây thử rồi mới biết được khách hàng cần gì và mở thêm tính năng. Mỗi thời điểm phát triển sản phẩm/nền tảng kết nối sẽ cần tới một chiến lược phù hợp cho việc đầu tư mở rộng phía người bán (nhà cung cấp) hay người mua (doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo, tuyển dụng nhân sự…).

Trên thế giới, các startup nổi tiếng như Airbnb, Uber, Grab, YouTube, Amazon, Facebook… cũng chính là những nền tảng có số lượng đông đảo người dùng. Các công ty này đã thành công trong việc kinh doanh theo mô hình nền tảng kết nối. Đó cũng chính là điểm nhấn của Platform Revolution– Cuộc cách mạng nền tảng (sách dịch), một cuốn sách tổng hợp về cuộc cách mạng thay đổi nền tảng khởi nghiệp trong mọi lĩnh vực trên thế giới. Trong cuốn sách này (do Alpha Books phát hành) đề cập tới các mô hình thành công trong việc xây dựng nền tảng kết nối.

Dẫn nguồn từ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn