Quy tắc 5 giờ của giới tỷ phú

Rất nhiều tỷ phú, dù cực kỳ bận rộn, luôn dành ít nhất 1 giờ/ngày (5 giờ/tuần) cho các hoạt động được coi là học tập hoặc thực hành có chủ đích.

Michael Simmons, một cây viết của tờ Medium, mới đây đã chia sẻ những khám phá về bí quyết thành công của các doanh nhân hàng đầu thế giới. Dưới đây là bài viết của ông.

Hơn 1 năm qua, tôi đã nghiên cứu tiểu sử cá nhân của nhiều doanh nhân được ngưỡng mộ như Elon Musk, Oprah Winfrey, Bill Gates, Warren Buffett và Mark Zuckerberg, nhằm hiểu rõ những bí quyết thành công của họ.

Và tôi nhận thấy rằng, dù cực kỳ bận rộn, những doanh nhân này vẫn dành ít nhất 1 giờ mỗi ngày (hay 5 giờ mỗi tuần) trong suốt sự nghiệp của mình để học tập hoặc rèn luyện có chủ đích. Tôi gọi hiện tượng này là quy tắc 5 giờ và chia những doanh nhân áp dụng quy tắc này thành ba nhóm: đọc, chiêm nghiệm và thử nghiệm.

Đọc

Theo một bài báo trên Harvard Business Review, Phil Knight, nhà sáng lập Nike, có cả một thư viện cá nhân khổng lồ và ông quý nó đến nỗi khách đến chơi phải bỏ giày và cúi đầu khi bước vào.

Oprah Winfrey luôn cho rằng thành công của bà là nhờ sách: “Những cuốn sách chính là chìa khóa đưa tôi đến tự do cá nhân”.

Phil Knight và Oprah Winfey không phải là những người duy nhất. Nhiều tỷ phú khác cũng cực kỳ coi trọng thói quen đọc sách.

• Warren Buffett dành từ 5 đến 6 tiếng mỗi ngày để đọc 5 tờ báo và 500 trang báo cáo doanh nghiệp.

• Bill Gates đọc 50 cuốn sách mỗi năm.

• Mark Zuckerberg đọc ít nhất một cuốn sách mỗi hai tuần.

• Elon Musk đọc hai cuốn sách mỗi ngày từ khi còn bé cho đến lúc trưởng thành.

• Mark Cuban đọc hơn 3 tiếng mỗi ngày.

• Arthur Blank đọc 2 tiếng mỗi ngày.

• David Rubenstein đọc 6 cuốn sách mỗi tuần.

• Dan Gilbert đọc từ 1 đến 2 tiếng mỗi ngày.

Chiêm nghiệm

Nhiều doanh nhân áp dụng quy tắc 5 giờ dưới dạng dạng chiêm nghiệm và suy ngẫm.

Giám đốc điều hành AOL, Tim Armstrong yêu cầu đội ngũ quản lý cấp cao của ông dành 4 tiếng/tuần chỉ để suy ngẫm. Giám đốc điều hành Twitter, Jack Dorsey là một người thường xuyên chiêm nghiệm. Trong khi đó, Jeff Weiner, giám đốc điều hành LinkedIn, dành 2 tiếng mỗi ngày để ngẫm nghĩ. Brian Scudamore, nhà sáng lập O2E Brands, dành 10 tiếng mỗi tuần cũng chỉ để suy nghĩ.

Khi Reid Hoffman gặp bế tắc trong quá trình suy nghĩ, ông thường gọi một trong những người bạn của mình để nhờ họ giúp sức: Peter Thiel, Max Levchin, hay Elon Musk. Khi tỷ phú Ray Dalio phạm một sai lầm, ông công khai với toàn bộ nhân viên trong công ty. Sau đó, ông cùng với họ dành thời gian suy nghĩ để tìm ra nguyên nhân vấn đề. Tỷ phú Sara Blakely là một người thích ghi chép. Cô chia sẻ rằng mình có hơn 20 cuốn sổ tay để ghi lại những vấn đề tồi tệ đã xảy ra và những giải pháp nảy sinh trong quá trình ghi chép.

Thử nghiệm

Nhóm cuối cùng của quy tắc 5 giờ là thử nghiệm.
Trong suốc cuộc đời, Ben Franklin luôn dành thời gian cho những thí nghiệm và thảo luận với những người cùng chí hướng. Google nổi tiếng với việc cho phép nhân viên dành 20% thời gian làm việc để thử nghiệm các dự án mới của riêng họ. Facebook cũng khuyến khích nhân viên làm điều tương tự.

Thomas Edison là điển hình của những người ưa thử nghiệm. Dù là một thiên tài, Edison thường tiếp cận những phát minh mới một cách rất khiêm tốn. Ông đưa ra mọi giải pháp có thể và sau đó thử nghiệm từng giải pháp một cách có hệ thống.

Ông áp dụng phương pháp này cực đoan đến nỗi nhà khoa học đối thủ của ông Nikola Tesla đã nói về phương pháp thử nghiệm và sửa sai này như sau:

“Nếu Edison phải tìm một cây kim trong đống cỏ, ông ấy sẽ không dừng lại để nghĩ nơi có khả năng chứa nó nhất. Thay vào đó, ông ấy sẽ vạch từng ngọn cỏ một cho đến khi tìm được cây kim”.

Sức mạnh của quy tắc 5 giờ: Tốc độ tiến bộ

Những người áp dụng quy tắc 5 giờ sẽ có lợi thế lớn trong công việc. Khái niệm rèn luyện có chủ đích và làm việc chăm chỉ thường bị nhầm lẫn với nhau. Hầu hết mọi người chỉ tập trung vào năng suất và hiệu suất chứ không phải là tiến bộ. Và chúng ta không biết rằng chỉ cần áp dụng quy tắc 5 giờ để học tập có chủ đích sẽ tạo ra sự khác biệt.

Tỷ phú doanh nhân Marc Andreessen đã chỉ ra vai trò quan trọng của tốc độ tiến bộ trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi nghĩ những câu chuyện khởi nghiệp thành công chỉ với lòng nhiệt huyết đã bị thổi phồng quá mức. Việc lĩnh hội kỹ năng và phương pháp làm việc thường bị đánh giá thấp. Những người chỉ biết vô tư khởi nghiệp mà không chú trọng tích lũy kỹ năng rốt cuộc thường ‘chết chìm’”.

Nếu bạn có thời gian tiếp xúc với những giám đốc điều hành vĩ đại, bạn sẽ thấy họ là những cuốn bách khoa sống về quản trị doanh nghiệp. Bạn sẽ không thể biết được mọi thứ ở độ tuổi 20. Bạn phải dành 5-10 năm lĩnh hội kỹ năng thì mới mong thành công được.

Chúng ta nên coi quy tắc 5 giờ như tập thể dục

Để một sự nghiệp bền vững và thành công, chúng ta nên dành nhiều thời gian hơn để học tập có chủ đích mỗi ngày.

Giống như khi chúng ta được bác sĩ khuyên tập thể dục mỗi ngày để có một cơ thể khỏe mạnh, chúng ta nên dành thời gian học tập có chủ đích mỗi ngày để có một cuộc sống vững vàng về kinh tế, nhất là trong xã hội thông tin mà chúng ta đang sống.

Tác động dài hạn của việc không học tập cũng tai hại như việc không duy trì lối sống lành mạnh. Giám đốc điều hành AT&T cho rằng, những người không dành ít nhất 5 đến 10 tiếng mỗi tuần để học trực tuyến sẽ trở nên lạc hậu với công nghệ.

Nhật Trường (Nguồn INC)

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.