Chiến lược dữ liệu trong bối cảnh kinh doanh hiện nay ở Việt Nam, xu hướng hay tất yếu?

“Tại sao mỗi doanh nghiệp hiện tại là một doanh nghiệp dữ liệu?” Đó chính là câu hỏi lớn ở ngay đầu cuốn sách, giúp dẫn dắt toàn bộ nội dung của cuốn sách CHIẾN LƯỢC DỮ LIỆU. Tôi tự hỏi rằng, điều này có thể thực hiện được ở các nước phát triển với nhiều doanh nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp công nghệ, nhưng liệu có khả thi ở Việt Nam hay không khi đại đa số các doanh nghiệp trong nước thuộc dạng vừa và nhỏ (SME)?

Chúng ta đang sống trong thời đại kết nối và nền kinh tế số. Trong thời đại này, dữ liệu được ví như nguồn “dầu mỏ” cho nền kinh tế số, nói như vậy cũng đủ để hiểu rằng dữ liệu đóng quan trọng như thế nào đối với nền kinh tế cũng như cuộc sống của chúng ta. Và chắc hẳn, chúng ta cũng đã một vài lần nghe qua thuật ngữ “chuyển đổi số” (digital transformation), quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số mà chúng ta vừa đề cập đến.

Những câu chuyện về chiến lược dữ liệu từ các ông lớn như Amazon, Apple, Facebook, Google… luôn luôn hấp dẫn, đó chính là động lực để chúng ta hướng đến. Nhưng như tôi đã nói ở trên, bởi vì phần lớn doanh nghiệp ở Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên tôi nghĩ rằng những bài học cũng như những ví dụ từ các doanh nghiệp mà tôi sắp đưa ra đây sẽ gần gũi đối với doanh nghiệp của bạn hơn, từ đó bạn có được sự tự tin cần thiết để bắt tay vào hành động cho chiến lược dữ liệu của mình.

Bạn có thấy nhận ra rằng, dạo gần đây bạn ít bị làm phiền bởi các cuộc điện thoại giới thiệu sản phẩm/dịch vụ từ các công ty bảo hiểm, bất động sản…? Lấy ví dụ công ty bảo hiểm FWD Việt Nam, để tiếp cận khách hàng, FWD đã tận dụng những dữ liệu sẵn có trên một số nền tảng khác như Tiki để truyền tải thông điệp truyền thông, thông tin sản phẩm, dịch vụ đến các đối tượng khách hàng tiềm năng. Tất cả mọi hoạt động chỉ diễn ra trên môi trường số. Nhờ vậy, FWD Việt Nam đã tạo ra những điểm nhấn khác biệt, mang lại một trải nghiệm khách hàng mới mẻ, ít phiền phức so với các phương pháp truyền thống và đã có được những thành công bước đầu. Còn về doanh nghiệp bất động sản, Rever đã dùng đến dịch vụ inbound marketing của Hubspot để thu thập dữ liệu từ những người khách ghé thăm trang web của họ. Dựa vào đây, họ sẽ phân tích và phân khúc khách hàng thành những nhóm khác nhau để gửi những thông tin cần thiết nhất, có liên quan nhất cho từng nhóm khách hàng ấy. Từ đó, giúp nâng cao tỷ lệ chuyển đổi người có nhu cần thành người mua hàng, với chi phí bỏ ra ở mức thấp. Ở ví dụ này, điều tôi muốn nói đến chính là tính hiệu quả mà dữ liệu mang lại cho chúng ta.

Bạn có nghĩ rằng một doanh nghiệp bán cà phê cũng cần đến chiến lược dữ liệu hay không? Tất nhiên là có! Chuỗi cà phê The Coffee House là một ví dụ điển hình. Họ đã dùng ứng dụng di động (mobile app) để ghi nhận lại thông tin về các món nước uống mà bạn đã đặt, đồng thời khuyến khích bạn quay lại quán thông qua các chương trình thành viên thân thiết. Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt nước tại nhà qua ứng dụng này. Không nhiều chuỗi cà phê ở Việt Nam làm được như thế.

Vẫn còn nhiều bài học thực tế từ cuốn sách này với những câu chuyện mang tính toàn cầu, như cách thức sử dụng dữ liệu của Amazon, Walmart, Facebook, Nexflix… Những ví dụ rất xứng tầm cho các doanh nghiệp Việt đang khát khao trở thành những kỳ lân tiếp theo ở Việt Nam, cũng như ước mơ “Go Global” – vươn mình ra biển lớn.

Từ các ví dụ trên, chúng ta thấy được rằng dữ liệu đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, điều này đang diễn ra hằng ngày hằng giờ chứ không còn là xu hướng của tương lai nữa. Những ví dụ mà tôi đưa ra, hầu như đều là các doanh nghiệp truyền thống, hoàn toàn không phải doanh nghiệp công nghệ, nhưng họ đã rất chủ động áp dụng chiến lược dữ liệu cho doanh nghiệp của mình. Điều đó nói lên rằng, việc áp dụng chiến lược dữ liệu cho doanh nghiệp của bạn là điều hoàn toàn khả thi, cho dù doanh nghiệp của bạn đang hoạt động ở bất kỳ lĩnh vực nào.

Vậy thì trên thực tế, các doanh nghiệp thu thập và phân tích dữ liệu như thế nào. Về việc thu thập dữ liệu, họ có thể dùng các ứng dụng di động (mobile app), các trang web của doanh nghiệp, các dữ liệu từ camera an ninh, thẻ khách hàng thân thiết, các cảm biến được gắn trên các thiết bị… Và còn một nguồn dữ liệu cũng khá tốt và đa dạng nữa đến từ các mạng xã hội, tuy nhiên chúng ta phải tuân thủ chính sách về quyền riêng tư khi sử dụng chúng. Nhắc đến đây, bạn có thể dễ dàng liên tưởng đến các công nghệ như điện toán đám mây (cloud computing), IoT, dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain… Nhưng khi có quá nhiều xu hướng công nghệ khác nhau, thì bạn sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong việc chọn lựa công nghệ nào để áp dụng cho việc phát triển doanh nghiệp của mình. Lúc đó, bạn cần quay ngược lại xem xét mục tiêu mà doanh nghiệp của mình đặt ra để biết được công nghệ nào có liên quan đến và cần thiết cho doanh nghiệp của mình. Hãy đặt khách hàng làm trung tâm của chiến lược dữ liệu, bạn phải dùng dữ liệu để giải quyết các vấn đề của khách hàng, để họ có được những trải nghiệm tốt hơn. Tránh chọn xu hướng công nghệ theo trào lưu, theo đám đông. Có được dữ liệu là bước đầu tiên, bước thứ hai là bạn sử dụng dữ liệu ấy như thế nào. Hiểu biết sâu sắc (insight) mà bạn trích xuất ra được từ dữ liệu mới chính là điều quan trọng hơn cả. Khi đó, các quyết định của doanh nghiệp sẽ được định hướng bởi dữ liệu chứ không còn mang nặng cảm tính nữa.

Và trong bất kỳ chiến lược nào thì con người cũng là vấn đề trọng tâm. Thị trường lao động của ngành phân tích dữ liệu, khoa học dữ liệu vẫn đang thiếu hụt nhân sự trầm trọng. Biết được điều này sẽ giúp bạn có kế hoạch tuyển dụng hay đào tạo nội bộ để phục vụ cho kế hoạch và chiến lược dữ liệu của mình. Các chủ doanh nghiệp cũng nên khuyến khích khả năng tự học của đội ngũ nhân viên của mình thông qua các tài liệu và khoá học trực tuyến uy tín từ nước ngoài, ví dụ như nền tảng học trực tuyến Coursera. Người chủ doanh nghiệp cũng nên tạo ra văn hoá dữ liệu trong doanh nghiệp của mình. Một nền văn hóa dữ liệu là tất cả mọi người trong toàn bộ doanh nghiệp hiểu được giá trị của dữ liệu và cách dữ liệu có thể giúp cho doanh nghiệp thành công. Do đó, việc giao tiếp chính là yếu tố then chốt. Các nhà lãnh đạo và các nhà quản lý nên dành thời gian thu hút mọi người vào chiến lược dữ liệu, nhấn mạnh việc chiến lược này sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho tổ chức, cho nhân viên và cho khách hàng của mình.

Vì vậy, lúc này đây, câu hỏi đặt ra không phải là doanh nghiệp của tôi có nên áp dụng chiến lược dữ liệu hay không mà câu hỏi phải là: tôi sẽ thực hiện chiến lược dữ liệu như thế nào? Hi vọng rằng bạn sẽ can đảm và tự tin áp dụng công nghệ và chiến lược dữ liệu vào doanh nghiệp của mình trong thời gian sớm nhất, những phần thưởng xứng đáng đang chờ đợi bạn. Không có “chiếc đũa thần” nào có thể giúp doanh nghiệp của bạn thành công chỉ sau một đêm, nếu bạn vẫn còn đang đắn đo chưa biết phải bước tiếp như thế nào, cuốn sách CHIẾN LƯỢC DỮ LIỆU sẽ phát họa đường đi cho bạn.

HUỲNH HỮU TÀI (dịch giả cuốn sách Data Strategy-Chiến Lược Dữ Liệu)

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.