6 việc cần làm để chuẩn bị bắt đầu công việc mới

Bạn vừa được tuyển dụng hay chuyển chỗ làm? Hãy chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ trước khi bắt đầu công việc mới theo lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn tự tin, thích nghi nhanh chóng với môi trường và mọi người xung quanh.

Để có thể nhanh chóng thích nghi, hòa nhập vào môi trường làm việc mới, giảm bớt cảm giác căng thẳng, lo lắng, từ đó tạo ấn tượng tốt với đồng nghiệp và cấp trên, bạn nên thử áp dụng 6 phương pháp chuẩn bị trước khi bắt đầu bước chân vào công ty do Lifehack liệt kê dưới đây.

Chuẩn bị trang phục phù hợp với công việc

Bạn nên chủ động “cập nhật” tủ quần áo cá nhân cho phù hợp với môi trường làm việc mới. Nên nhớ rằng, trang phục dù thời trang, thể hiện cá tính thế nào chăng nữa, quan trọng nhất vẫn phải khiến bạn trông thật chuyên nghiệp khi bước vào văn phòng.

Chuẩn bị phụ kiện hỗ trợ

Chúng ta nên tự xem bản thân như những “siêu anh hùng công sở”. Sau khi đã chuẩn bị xong “trang phục siêu nhân”, bạn cần thêm một số phụ kiện, thiết bị thông minh để hỗ trợ trong suốt quá trình “hành hiệp”.

Chiếc smartphone đã cài đặt đầy đủ các ứng dụng thiết yếu cho công việc, đồng hồ hẹn giờ, máy tính bảng, laptop… sẽ trở thành những công cụ vô cùng hữu ích, giúp bạn “cứu thế giới” dễ dàng hơn.

Tìm hiểu văn hóa và quy định của công ty

Xem thông tin từ website của thông tin, đặt câu hỏi cho cấp trên trực tiếp, tham khảo quy định về tác phong, nội quy lao động… sẽ giúp bạn nhanh chóng thích nghi, quen thuộc với môi trường làm việc, đồng nghiệp mới, tránh khỏi cảm giác bỡ ngở, lo lắng ban đầu.

Khi đã bắt đầu hòa nhập vào môi trường mới, bạn vẫn nên thường xuyên đặt câu hỏi cho đồng nghiệp để làm sáng tỏ những vấn đề còn thắc mắc. Giao tiếp không chỉ giúp chúng ta tự tin, lao động hiệu quả hơn mà còn có ý nghĩa xây dựng không gian làm việc thân thiện, chuyên nghiệp.

Rèn luyện kỹ năng giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp, trong đó bao gồm cả ngôn ngữ cơ thể, thuần thục, duyên dáng sẽ giúp bạn nhanh chóng “ghi điểm” trong mắt đồng nghiệp, thậm chí cả cấp trên. Tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là nỗ lực cá nhân và năng suất lao động, nhưng cách chúng ta trò chuyện, tạo ấn tượng với mọi người sẽ là điểm nhấn cần thiết, tạo bước đệm để có thể phát triển sự nghiệp của bản thân trong tương lai.

Đầu tiên, bạn cần học cách kiểm soát ngôn ngữ cơ thể, dáng đi, đứng, ngồi, phong thái khi nói chuyện, lắng nghe, các cử chỉ từ nhỏ nhất… để giúp bản thân trông thật tự tin; sau đó tập luyện phương pháp làm chủ không gian, thuyết trình, giao tiếp bằng mắt… nhằm bộc lộ hết năng lượng còn ẩn sâu bên trong cơ thể.

Đọc sách

Đọc thêm cách sách tham khảo, hướng dẫn về kinh doanh, phương pháp ứng xử, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn… sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình chuẩn bị để bắt đầu công việc mới.

Thông qua đọc sách, bạn học được cách tìm hiểu, thích nghi với môi trường làm việc, từ chối sao cho lịch sự, giải quyết những mâu thuẫn có thể xảy ra theo hướng ít thiệt hại cho bản thân nhất… hay thậm chí là những chi tiết nhỏ như quy cách trò chuyện, ăn uống trong công sở.

Lập sổ kế hoạch

Bạn hoàn toàn nên lập kế hoạch cho các mục tiêu, dự án được giao, nhưng không nhất thiết phải luôn đem theo cuốn sổ bên mình. Cần ghi chú cẩn thận nội dung công việc, thời gian bắt đầu, hoàn thành cùng một vài lời khuyên, dặn dò, từ đồng nghiệp hoặc cấp trên.

Ngoài công dụng giúp bạn theo dõi tiến độ công việc, sổ kế hoạch còn có thể trở thành “bằng chứng thép” khi có các tranh chấp liên quan xảy ra, khiến bạn trở nên chuyên nghiệp, nề nếp hơn trong lao động.

Hồng Trâm (Theo Lifehack)

 

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.