LÀM SAO ĐỂ ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH DƯỚI ÁP LỰC

Theo cơ chế tự nhiên của cuộc sống và xã hội, chúng ta thường xuyên bị ép buộc phải đưa ra các quyết định quan trọng dưới áp lực. Cho dù áp lực đến từ chuyện không đủ thời gian, cảm xúc bị dồn nén, hoặc các lý do khác, thì ta rất khó đạt được trạng thái tốt nhất để có những quyết định đáng tin cậy. Nếu không thể chuyển tâm trí về tình trạng khách quan – hay ít nhất là có một qui trình ra quyết định cho khách quan – chúng ta có thể bị rối trí dẫn đến quyết định sai lầm và rồi hối hận đến mấy năm sau.

Hầu hết mọi quyết định quan trọng của tôi đều được thực hiện trong các tình huống khẩn thiết và bị áp lực lớn. Vì thế, tôi đã tìm ra một qui trình giúp tôi ra các quyết định khách quan. Bạn không bao giờ có thể loại bỏ được hoàn toàn sự ảnh hưởng của cảm xúc và hoàn cảnh. Con người luôn có tính chủ quan. Nhưng bạn có thể hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của cảm xúc và hoàn cảnh khi sử dụng qui trình dưới đây.

  1. Hiểu rõ tình huống

Sức mạnh ở đây chính là sự hiểu biết. Bạn càng hiểu rõ quyết định của mình và các hệ quả kéo theo thì quyết định đó càng đúng. Bước đầu tiên của qui trình này là tìm hiểu mọi thứ liên quan, nghiền ngẫm nó đến khi bạn hoàn toàn hiểu thấu về nó.

Hãy áp dụng các kỹ thuật tìm hiểu khác nhau. Đừng chỉ dựa vào bằng chứng truyền miệng như ý kiến của những người bạn tin tưởng chẳng hạn, nhưng hãy thu thập các ý kiến ấy. Ý kiến tốt nhất là ý kiến của những người đã từng trải qua tình huống tương tự.

  1. Nhận thức được hậu quả

Từ thông tin có được, bạn hãy dự đoán kết quả. Dĩ nhiên không có cách nào để biết trước tương lai, nhưng các hiểu biết của bạn về vấn đề sẽ giúp bạn hình dung được kết quả. Hãy tiên đoán tốt nhất kết quả của những lựa chọn khác nhau mà bạn đang có. Các hệ quả ngắn hạn? Hệ quả dài hạn? Quyết định của bạn có ảnh hưởng đến cuộc sống người khác không? Nếu có thì tác động như thế nào?

Bạn sẽ rất dễ bị cuốn vào các chi tiết vụn vặt để rồi đưa ra lựa chọn cuối cùng dựa trên các yếu tố nhỏ nhặt hoặc các hệ quả ngắn hạn. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, chất lượng quyết định của bạn có thể bị ảnh hưởng bởi điểm mù quen thuộc. Vì vậy, điều quan trọng là phải cẩn thận xem xét quyết định đó sẽ ảnh hưởng đến bạn thế nào trong 1 tuần, 1 tháng, 1 năm, 1 thập niên.

  1. Hỏi ý kiến những người khách quan

Hãy nói chuyện với những người khách quan – những người không phải là bạn bè – họ là chuyên gia hoặc có nhiều hiểu biết trong lĩnh vực mà bạn đang phải ra quyết định. Các chuyên gia khách quan có thể xem xét tình huống và không có bất kỳ cảm xúc nào nên họ sẽ giúp bạn có lời khuyên tốt nhất.

Nếu bạn cảm thấy lời khuyên của họ mang kết quả không phù hợp với các giá trị cốt lõi và niềm tin của bạn thì cũng đừng bỏ qua. Hãy xem xét đến ý kiến thứ hai hoặc gợi ý khác trong số các giải pháp mà họ khuyên bạn.

  1. Cam kết

Cái khó khăn của việc ra quyết định trong tình huống bị áp lực không chỉ là việc bạn khó quyết định, mà còn là khó cam kết với quyết định ấy.

Quyết định tốt nhất thường không phải là cái dễ làm nhất. Hãy chắc chắn là khi bạn đã có quyết định cuối cùng, bạn sẽ cam kết thực hiện nó. Ngay khi tình huống cho phép, bạn hãy thực hiện ngay, bởi vì một khi bạn bắt đầu đi bước đầu tiên thì rất khó để bạn quay ngược trở lại mà lưỡng lự.

Tôi không thể đưa ra một quy trình dưới dạng biểu đồ để giúp bạn bước đi từng bước một trong toàn bộ quá trình ra quyết định. Điều tuyệt vời trong việc phải chọn lựa khi bị cả thế giới tạo áp lực chính là bạn phải động não. Chúng ta sẽ gặp các nguyên tắc đủ linh hoạt cho ta áp dụng trong nhiều tình huống khác nhau, nhưng chúng cũng là các nguyên tắc vững chắc và đáng để tuân theo, và các bước đi tốt hơn sẽ dần lộ diện

MINH CHI (theo Lifehack.org)