ĐỪNG NÊN CHẠY ĐUA ĐỂ CÓ ĐƯỢC NHIỀU THÓI QUEN, CHỈ NÊN XÂY DỰNG NHỮNG THÓI QUEN CÓ Ý NGHĨA

Dường như gần đây mọi người hay quan tâm đến việc sẽ mất bao nhiêu lâu để hình thành một thói quen mới. Và 21 ngày trở thành một con số kỳ diệu, và theo nhiều người, đây là số ngày cần thiết để biến một hoạt động thành thói quen.

Con số 21 ngày này được lan truyền sau một phát hiện của Tiến sĩ Maxwell Maltz. Ông nhận thấy các bệnh nhân của mình, sau khi tiến hành chỉnh sửa khuôn mặt, mất 21 ngày để trở nên quen thuộc với nó. Và vì vây, ông đưa ra một lưu ý rằng, cần ít nhất 21 ngày (hay 3 tuần) để áp dụng một thói quen mới.

Mọi người liền đưa ra ý tưởng để có thể thiết lập một thói quen mới trong 21 ngày và chạy đua để thực hiện nó. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy “thử thách 21 ngày” trên internet, từ việc giảm cân, thức dậy sớm, hay đọc sách…. Cho dù vậy, cũng không thể chứng minh điều đó là đúng. Trong một nghiên cứu khác năm 2010, trường UCL (University College London) nhận thấy có nhiều biến thể về thời gian để hình thành một thói quen, nhưng đa phần, con người trung bình mất 66 ngày để thực hiện.

Vậy là, chúng ta đã biết được những gì mà các nhà nghiên cứu đã nói. Trên thực tế, chúng tôi đã thay đổi thành công những thói quen của mình, và những thói quen mới được xây dựng từ những nền móng phù hợp. Vậy, nếu chúng tôi nói, bạn chỉ cần 3 ngày để xây dựng một thói quen mới thì bạn thấy sao?

Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường

Không giống như việc cố gắng học một kỹ năng mới, các thói quen mới hình thành nhờ sự quyết tâm, cần rất nhiều kinh nghiệm và nỗ lực để có thể thành công. Nếu chúng ta có một nền tảng để học tập hiệu quả, chúng ra có thể làm chủ nhanh chóng những điều mới mẻ, nếu không, sẽ cần rất nhiều thời gian.

Ví dụ, khi so sánh việc học một ngoại ngữ mới ở nhiều đối tượng khác nhau. Chúng ta có thể nhận thấy, một đứa bé 5 tuổi sẽ học nhanh hơn so với người học 85 tuổi, bởi vì bộ não của một đứa trẻ 5 tuổi đang ở giai đoạn hình thành và phát triển ngôn ngữ, vì vậy, nó dễ dàng “thẩm thấu” bất cứ ngôn ngữ nào. Cùng một ví dụ đó, hãy so sánh một người học có tiếng mẹ đẻ được viết bằng chữ Latinh với một người đang sống ở quốc gia dùng chữ tượng hình. Rõ ràng, khi họ cùng học Tiếng Anh, người sử dụng chữ cái Latinh sẽ thuận lợi hơn vì họ đã quen thuộc với bảng chữ cái, người còn lại sẽ phải bắt đầu nắn nót điền từng nét một.

Việc thay đổi một thói quen thì khác, nó không yêu cầu nhiều tiền đề như khi ta học một kỹ năng mới. Biến một điều gì đó thành thói quen phụ thuộc vào việc ta muốn điều đó nhiều như thế nào. Bạn đã có sẵn kết quả trong đầu khi bạn thiết lập hành vi và thói quen mới. Và tất cả những gì bạn cần là tạo lập một môi trường hỗ trợ và cam kết với chính bản thân mình để thực hiện mục tiêu đó.

Ví dụ, để bỏ thuốc lá. Bạn không cần phải học các bước, các kỹ năng để từ bỏ nó. Bạn chỉ đơn giản là BẮT ĐẦU. Đúng vậy, bạn chỉ cần bắt tay vào làm, thay đổi môi trường xung quanh bạn. Bạn vứt bỏ hết thuốc lá mà bạn cất giấu, gạt tàn, bật lửa… rời xa những nơi có thể kiến bạn bị quyến rũ bởi khói thuốc, nếu cần phải ra ngoài và gặp bạn bè, hãy chọn những quán cà phê cấm hút thuốc.

Việc đến phòng tập thể hình cũng giống vậy. Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu. Bạn không cần phải “chuyên nghiệp” hay “có hiểu biết” về các thiết bị phòng tập mới có thể sử dụng. Bạn chỉ cần đơn giản có mặt ở đó để tạo thành thói quen. Bạn phải tạo một tình huống mà việc đi đến phòng tập là tốt hơn so với những gì khác mà bạn đã làm.

Cố gắng đừng làm nhiều thứ cùng lúc

Bạn có thể đã tự kiểm điểm bản thân mình và suy nghĩ “ngay bây giờ, tôi sẽ đến phòng tâp 5 ngày 1 tuần, bỏ hút thuốc, ăn uống lành mạnh và sống ngăn nắp”. Tốt thôi, việc cố gắng thay đổi bản thân theo chiều hướng tốt đẹp là một nỗ lực đáng khen ngợi. Nhưng mà, cố gắng làm tất cả cùng một lúc sẽ kiến cho bạn nản lòng và thất bại.

Xây dựng một thói quen đòi hỏi rất nhiều quyết tâm. Mỗi một thói quen xấu cần được thay thể bằng một thói quen tốt, và bạn sẽ đối mặt với nhiều thử thách để hoàn thiện. Sẽ tốt hơn nếu bạn bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ để không bị kiệt sức hoặc nản lòng. Tất nhiên, bạn cần phải cố gắng hết sức, nhưng bạn cũng cần làm việc thật thông minh.

Một số thói quen tốt cung cấp nền tảng để bạn thay đổi các thói quen khác. Vì vậy, việc thiết lập các thói quen nền tảng này sẽ giúp thay đổi các thói quen khác nhanh hơn tốc độ trung bình của mọi người. Vì vậy, chúng tôi khuyên bạn nên bắt đầu thay đổi những thói quen nhỏ này trước khi thực hiện những thử thách lớn hơn.

Hãy bắt đầu xây dựng một lối sống lành mạnh với 7 thói quen tốt

  1. Ngày “không phương tiện truyền thông xã hội”

Phương tiện truyền thông xã hội là một công cụ đáng kinh ngạc, nhưng nó cũng làm cho bạn lãng phí nhiều thời gian. Mỗi người trung bình dành 2 giờ một ngày để sử dụng phương tiện truyền thông. Và nhiều người trong chúng ta còn mất nhiều hơn thế. Hãy tưởng tượng tất cả những gì bạn có thể làm trong 60 giờ mỗi tháng nếu không chúi mũi vào máy tính hoặc điện thoại thông minh của bạn?

Sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội không chỉ đơn giản là mất đi nhiều thời gian quý báu, mà nó còn có thể gây nghiện. Khi chúng ta kiểm tra điện thoại hoặc các tài khoản trên mạng xã hội của mình, trả lời các tin nhắn, tương tác với các trạng thái… sẽ kích hoạt sự phóng thích dopamine [một hoạt chất dẫn truyền thần kinh gây ra cảm giác khoái cảm và “tự tưởng” thường được gọi là hóa chất mang đến “sự hạnh phúc”– ghi chú của người dịch]. Đó là lý do mà nhiều người không thể thoát khỏi điện thoại hoặc máy tính của họ.

Fear of missing out (FOMO) [hội chứng sợ bỏ lỡ, hay còn gọi là sợ thiếu hiểu biết về nhừng gì đang xảy ra, trạng thái tâm lý này thôi thúc con người tương tác với xã hội bằng cách này hay cách khác để không bị lãng quên – ghi chú của người dịch] cũng có thể gây căng thẳng cho chúng ta. Nó làm cho chúng ta nghĩ rằng, nếu không kiểm tra facebook hay email, chúng ta sẽ bị tách ra khỏi xã hội. Tuy nhiên điều đó không đúng.

Nếu như bạn biết bạn đang mất thời gian hoặc bị căng thẳng vì một FOMO, hãy để quên điện thoại của bạn ở nhà ít nhất 1 ngày mỗi tuần. Điều đó có thể giúp bạn tập trung trở lại vào những điều quan trọng khác trong cuộc sống.

  1. Biến việc Đọc nhanh thành thói quen hàng ngày của bạn

Đọc nhanh  là một kỹ năng cần thiết giúp bạn tiếp cận nhiều tài liệu hơn trong một khoản thời gian ngắn hơn. Làm tốt điều này, bạn sẽ đạt được nhiều kiến thức hơn, một điều cần thiết trong thời giới vận động không ngừng hiện nay. Luyện thói quen đọc nhanh sẽ giúp bạn nắm bắt ý tưởng tốt hơn so với người bình thường.

Một người đọc tốc độ có thể đọc được khoảng 1.500 từ mỗi phút, trong khi người lớn trung bình chỉ có thể đọc khoảng 300 từ. Như vậy, nếu rèn luyện tốt, bạn chỉ cần bỏ ra 50 phút để đọc sách cũng tương đương người khác đọc trong 5.5 giờ.

Đọc các bài học nhanh hơn để sử dụng các gợi ý về cấu trúc và tổ chức và tìm thông tin bạn cần một cách nhanh chóng. Nó cho phép bạn loại bỏ các thông tin không cần thiết để nhanh chóng có được những gì bạn cần.

  1. Viết ra 10 suy nghĩ ngẫu nhiên mỗi ngày

Bạn có nhiều ý tưởng tuyệt vời hơn bạn nhận ra, nhưng nếu bạn không ghi nhận những điều này, nó có thể rất nhanh biến mất khỏi đầu của bạn.

Viết ra ít nhất mười trong số những ý nghĩ này mỗi ngày giúp bạn có thêm không gian để suy nghĩ và bạn có thể dành thời gian xem lại những ý tưởng này sau đó. Bạn có thể không tìm thấy mối liên hệ giữa suy nghĩ ngẫu nhiên xuất hiện trong lúc rãnh rỗi và công việc của bạn, nhưng nếu bạn viết nó xuống, nó có thể cung cấp cái nhìn mới sâu sắc cho bạn sau này.

Việc kết nối những suy nghĩ ngẫu nhiên và xây dựng thành một hệ thống những ý tưởng có thể hướng dẫn bạn làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn.

  1. Nghe một album mới ít nhất mỗi tuần 1 lần

Thật dễ dàng khi nghe đi nghe lại một danh sách các bản nhạc. Không có gì là sai trái khi bạn yêu thích một vài bản nhạc nào đó, nhưng mở rộng nó ra sẽ tốt hơn cho bạn.

Bằng cách mở rộng chân trời của mình, bạn có thể tìm thấy những thứ mới mẽ mà bạn thích. Bạn cũng đang đào tạo trí óc bạn một cách vô thức để chấp nhận những điều mới khi bạn chọn một bài hát mới để nghe.

So với một số thói quen khác mà bạn có thể đang cố gắng hình thành, việc này dễ dàng hơn rất nhiều, bạn chỉ cần chọn một list nhạc khác để nghe. Và nếu bạn không thích nó, bạn chỉ cần chuyển sang bài kế tiếp.

  1. Đi bộ 30 phút mỗi ngày

Đi bộ là một cách dễ dàng để được tĩnh tâm. Sau một ngày dài làm việc, có thể sẽ rất khó để bỏ qua TV để mà tập thể dục.

Đi dạo là một thói quen tốt mà bạn nên có. Đi bộ giúp cải thiện tuần hoàn máu của bạn, và chúng ta cần khoảng 10 phút phơi nắng (không có kem chống nắng) để có đủ Vitamin D. Nếu bạn có làn da sẫm màu và đang có kế hoạch để cải thiện nó, dùng kem chống nắng hoặc bạn có thể chọn nơi mát mẻ để ra ngoài, 30 phút đi bộ là một khoảng thời gian hợp lý.

Bạn có thể không có thời gian hoặc năng lượng để dành nhiều giờ mỗi ngày tại phòng tập thể dục, nhưng đi bộ quanh công viên trong giờ ăn trưa hoặc đi dạo qua khu phố có thể làm nên điều kỳ diệu cho sức khoẻ của bạn. Nếu ngày làm việc của bạn liên quan đến việc ngồi ở bàn làm việc trong hầu hết thời gian, thì việc thiết lập thói quen này thậm chí còn quan trọng hơn. Tác động của việc ngồi cả ngày có thể gây hại cho sức khoẻ của bạn như việc hút thuốc.

  1. Dậy sớm hơn 1 giờ và khởi động

Đối với một số người trong chúng ta, thức dậy sớm có thể giống như bị tra tấn vậy, nhưng điều này chỉ vì chúng ta có thói quen ngủ trễ. Thức dậy sớm giúp tăng năng suất của bạn, và nó có thể bắt đầu ngày của bạn một cách thong thả. Thay vì vội vàng ăn cho xong miếng bánh mì và chạy ra khỏi cửa, bạn có thể thư giãn, ăn sáng ngon miệng, và chăm sóc bản thân mình.

Buổi sáng là một thời gian tuyệt vời để hoàn thành công việc vì có ít sự xáo trộn hơn. Michelle Obama và Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook, chỉ là một vài trong số những người nổi tiếng có thói quen này. Những người thành công thường sử dụng buổi sáng để dành thời gian chuẩn bị cho ngày làm việc của mình bằng cách đọc, tập thể dục hoặc chia sẽ thời gian với gia đình của họ.

Không có gì có thể cắt giảm năng suất như những cơn nhức mõi, và việc thực hiện vài động tác căng cơ buổi sáng có thể ngăn ngừa được sự đau nhức cơ bắp. Nó cũng cải thiện và tuần hoàn của bạn, có thể khiến bạn cảm thấy tỉnh táo hơn và tràn đầy năng lượng trong suốt cả ngày.

Nếu ý tưởng thức dậy sớm một giờ đồng hồ có vẻ khó thực thiện thì hãy nhớ rằng bạn có thể chia thành từng bước nhỏ. Thay vì dậy sớm một giờ, hãy cố gắng dậy sớm hơn 15 phút so với thường lệ. Bạn luôn có thể đặt thời gian thức dậy của mình lại bằng cách tăng thêm 15 hoặc 30 phút nữa khi bạn đã thích nghi.

  1. Thiền 10 phút mỗi ngày

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của xã hội và những kỳ vọng không thực tế, có vẻ như chúng ta luôn chịu áp lực phải làm nhiều việc hơn, làm tốt hơn và nhanh hơn bao giờ hết. Gần như không thể là nhân viên, vợ/chồng, cha mẹ, hoặc bạn bè hoàn hảo theo tiêu chuẩn hiện nay.

Đôi khi, chúng ta chỉ cần có một vài phút dành cho chính mình. Dùng từ 5 đến 10 phút để ngồi, hít thở, và thư giãn để tạo ra sự khác biệt so với những gì ta đã trải qua suốt một ngày dài. Thiền có thể giải tỏa suy nghĩ của chúng ta và nhắc nhở chúng ta về những gì là quan trọng nhất.

Thiền cũng là một trong số ít các hoạt động mà các nhà nghiên cứu cho là có lợi cho chúng ta. Nó làm giảm căng thẳng và hạn chế vô số các vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ khác. Nếu bạn thường xuyên dành thời gian để thiền định, thói quen đó sẽ cải thiện tâm trí của bạn rất nhiều.

Những thay đổi nhỏ sẽ mang đến lợi ích lớn

Không có gì phải nghi ngờ nữa, việc áp dụng các thói quen tốt có thể giúp bạn sống lâu hơn, hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và có cuộc sống trọn vẹn hơn. Đừng ngần ngại bắt đầu từ những thói quen nhỏ, từ đó giúp xây dựng nền tảng vững chắc để những thay đổi lớn hơn có thể bắt đầu. Hãy nhớ tại sao bạn muốn thực hiện thay đổi, và đừng bao giờ ngừng phấn đấu trở thành phiên bản tuyệt vời nhất của bản thân mình.

Bến Hà (theo Lifehack.org)