5 Mẹo Tâm Lí Để Đọc Vị Chính Xác Hơn

“Bài viết sau được dịch từ chia sẻ trên trang Business Insider của tác giả Alice Boyes. Nội dung bao gồm những lỗi thường gặp khi đánh giá người khác và cách khắc phục”.

Bạn mắc phải những lỗi thường gặp nào sau đây khi nhận xét, đánh giá người khác? Nhận biết những sai lầm của bản thân để đọc vị chuẩn xác hơn. 

  1. Yếu tố nào quyết định hành vi: tình huống hay tính cách?

Khi thoáng thấy cách hành xử của một ai đó, chúng ta thường vội vàng kết luận rằng họ đang hành động dựa trên tính cách cá nhân. Ngược lại, khi xem xét hành vi của chính bản thân mình, chúng ta có xu hướng giải thích theo hoàn cảnh.

Ví dụ, bạn lí giải rằng mình hành xử xa lánh vì đang trong tình trạng bối rối hoặc lo lắng. Nhưng khi gặp ai đó có hành động tương tự, bạn sẽ nghĩ ngay đến lí do tại vì họ là người lạnh lùng khó tính.

Cách khắc phục: nhắc nhở bản thân khi đánh giá một ai đó, phải nghĩ đến cả hai yếu tố tình huống lẫn tính cách.

  1. Thiên kiến xác nhận

Một khi đã hình thành ấn tượng nhất định về một ai đó, chúng ta thường sẽ chỉ nhìn thấy những hành động đồng nhất với niềm tin của bản thân. Ví dụ, một khi bạn đã tin rằng bạn trai mới của chị gái bạn là một con người ích kỉ, bạn sẽ luôn thấy những hành vi ích kỉ của anh ta mà không bao giờ để ý đến những mặt tốt khác.

Mặc dù ấn tượng ban đầu về một ai đó thường khá chính xác, nhưng chính xác không phải là hoàn hảo. Vì thế, nên cân nhắc lại đánh giá của bản thân dựa trên quá trình tiếp xúc lâu dài với đối phương.

Cách khắc phục: chủ động tìm kiếm bằng chứng và ví dụ thực tế đi ngược lại giả định của bản thân. Trong tâm lí học, việc này gọi là đi tìm “chứng cứ phản biện”.

  1. Bạn bị thu hút bởi một vẻ ngoài hấp dẫn hay đang “thiên vị đồng minh”?

Chúng ta có xu hướng đánh giá người khác một cách tích cực hơn nếu như họ có ngoại hình thu hút. Chúng ta cũng có thường ưu ái những ai có vẻ ngoài giống mình hơn là những cá nhân khác biệt.

Thử hỏi bản thân xem bạn đã từng đánh giá một ai đó tốt/xấu đơn giản chỉ dựa trên vẻ ngoài của họ hoặc sự tương đồng giữa bạn và đối phương hay chưa (chẳng hạn như có gia cảnh giống nhau hoặc mang những nét đặc trưng tương tự của một nhóm văn hóa, như là để râu quai nón hoặc có hình xăm).

Cách khắc phục: tránh sự thiên vị trong những tình huống quan trọng. Ví dụ như trong quá trình tuyển dụng nhân sự hoặc khi bạn làm việc trong một môi trường mới và dường như đang bị thu hút bởi những người có vẻ ngoài giống bạn.

  1. Những đánh giá, nhận xét của bạn có bị chi phối bởi quá khứ hoặc hiện tại?

Nếu bạn vừa có buổi làm việc tồi tệ với một nhân viên chăm sóc khách hàng quá “vô dụng”, thì lần tới khi bạn gặp một nhân viên khác, chắn chắn bạn sẽ nghĩ rằng người này cũng không hữu ích hơn bao nhiêu.

Tương tự, thi thoảng có một ai đó đi ngang qua cuộc sống của chúng ta, nhắc ta nhớ về người cũ trong quá khứ, điều đó có thể ảnh hưởng tới cách bạn phán xét người đó. Ví dụ, bạn có xu hướng hẹn hò với một người có ngoại hình hoặc tính cách gần giống với cha/mẹ của bạn. Hoặc, khi còn ở trường tiểu học, bạn từng rất ghét ai đó tên Trevor thì sẽ rất khó để bạn thích một người khác có cùng tên như vậy.

Cách khắc phục: chú ý đến cách hành xử của bản thân khi có dấu hiệu sai lệch hoặc khi bạn tiếp cận một vấn đề, một tình huống nào đó với thái độ phòng thủ hay tiêu cực. Tự hỏi bản thân xem bạn có tình cảm trong quá khứ chi phối cảm xúc hiện tại hay không.

  1. Giả định tương đồng

Nhìn chung, chúng ta hay mặc định rằng người khác có cùng suy nghĩ và sở thích giống với mình. Ví dụ, nếu bạn thích đi tắm biển, bạn tin rằng ai cũng như thế.

Nếu bạn nghĩ rằng bài tập nhóm rất mất thời gian, bạn sẽ tưởng mọi người cũng không thích làm việc nhóm. Nếu bạn cần một nơi làm việc gọn gàng sạch sẽ để nâng cao năng suất, không nghi ngờ gì nữa, đồng nghiệp của bạn cũng có yêu cầu tương tự.

Cách khắc phục: nên có thói quen để ý sự đa dạng trong cách suy nghĩ và sở thích của người khác. Hãy cho họ cơ hội nói cho bạn biết rằng vùng an toàn của họ và của bạn không giống nhau.

Ví dụ, khi đưa ra gợi ý về địa điểm ăn tối, thay vì chỉ hỏi “Bạn thích các món ăn Thái chứ?”, hãy cho đối phương lựa chọn giữa món ăn Thái và ẩm thực của một nước khác.


Tác giả: Alice Boyes, tiến sĩ, tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo về tâm lí học được đăng trên tạp chí Good Magazine, Woman’s Health Australia, Lifehacker,…

Hồng Trinh (Dịch từ businessinsider.com)