BẠN CÓ BIẾT: iPHONE KỲ THỰC KHÔNG PHẢI LÀ MỘT PHÁT MINH?

Bạn có biết iPhone không? Có ư? Vậy bạn biết ai đã tạo ra nó không? Steve Jobs à? Vâng, đúng vậy. Nhưng không chỉ như vậy. Hãy để Brian Merchant kể cho bạn nghe căn nguyên gốc tích về sự ra đời của “biểu tượng công nghệ này” thông qua “Câu chuyện iPhone”.  

Câu chuyện iPhone” (Brian Merchant, Huỳnh Hữu Tài dịch, NXB Thế Giới và Alphabooks phát hành) là một tập hợp những bí mật chưa từng tiết lộ về sản phẩm có tính cách mạng nhất của Steve Jobs. Chẳng hạn như tính năng ổn định hình ảnh của nó đã được tạo ra như thế nào? Ngay cả khi máy ảnh bị lắc, hình ảnh cũng không hề mờ. Chẳng hạn như cảm biến chuyển động, cảm ứng đa điểm, pin lithium-ion, chip ARM, công nghệ không dây và vân vân. Tất cả mọi thứ để tạo nên một chiếc iPhone hoàn hảo, trơn láng không tì vết phải chăng đều là công trình của Apple? Cũng đúng mà cũng sai.

iPhone kỳ thực không phải là một phát minh. Thực tế mà nói, iPhone chỉ là “sự tổng hợp giữa các công nghệ, cộng với sự thành công trong việc kết hợp thông minh”. iPhone là “một công nghệ hợp lưu, nó chẳng phải là một phát minh trong bất kỳ lĩnh vực nào cả”, đúng như lời Chris Garcia, người quản lý của Bảo tàng Lịch sử Máy tính đã nói.

Nếu iPhone không phải là một phát minh mà chỉ là “một sự tổng hợp giữa các công nghệ” thì ai là người đã tổng hợp các công nghệ ấy? Steve Jobs ư? Không và chắc chắn là không. Cuốn sách của Brian Merchant sẽ cho bạn thấy có bao nhiêu người bỏ từng bao nhiêu sức để tạo ra iPhone. Cuốn sách là một sự đối lập với huyền thoại về “nhà phát minh đơn độc” – một loại ý niệm rằng sau vô số giờ làm việc mệt mỏi, một người có thể tạo lên một phát minh làm thay đổi lịch sử. Kiểu như nói về bóng đèn điện người ta nghĩ đến Edison, nhưng Edison đâu có “một mình” tạo ra bóng đèn điện. Steve Jobs và iPhone cũng vậy. Quan niệm về “nhà phát minh đơn độc” cố hữu khiến người ta chỉ nhớ duy nhất vị anh hùng mà quên khuấy những người tạo ra nền tảng.

Không chỉ là kể cho bạn nghe ai đã làm những gì để tạo nên iPhone, Brian Merchant còn đưa bạn du hành ngược thời gian, trở lại những bài học lịch sử xa xưa nhất. Đó là khi la bàn được tìm thấy ít nhất là từ thời Hán, khoảng năm 206 trước Công nguyên. Đó là khi khái niệm sản xuất theo dây chuyền lắp ráp xuất hiện cách đây 1,7 triệu năm, từ lúc bình minh của nhân loại. Tác giả lội ngược dòng tìm về căn nguyên của các nền tảng vật lý tạo nên thiết bị này, để nói cho chúng ta biết rằng “những công nghệ định hình cuốc sống của chúng ta ít khi xuất hiện một cách đột ngột và không phải từ trên trời rơi xuống; chúng là một phần của quá trình lâu dài, không rõ ràng, và là một quá trình liên tục được mang đến bởi những người đóng góp hầu như vô hình đối với chúng ta. Đó là một con đường rất dài từ một ý tưởng nhỏ ban đầu”.

Cuốn sách được Brian Merchant kể với một mục đích duy nhất là “khi đọc đến cuối cuốn sách này, bạn sẽ lướt qua tấm kính đen của chiếc iPhone và nhìn thấy không phải là khuôn mặt của Jobs, mà là hình ảnh của một nhóm vô số những người sáng tạo ra nó”. Đó là một câu chuyện tập hợp nhiều bức ảnh chân dung sắc nét và hấp dẫn.

Khi Brian Merchant nói cho bạn biết “biểu tượng công nghệ” mà bạn đang cầm trên tay kia được tạo nên bởi bao nhiêu khối óc và sức lực, đó không chỉ là khối óc của các kỹ sư trong văn phòng ở California nước Mỹ hay sức lực của công nhân trong nhà máy ở Trung Quốc. Mà đáng buồn thay, nó còn bao gồm sức lực (và cả tính mạng) của những trẻ em lao động không khác gì nô lệ trong vùng mỏ, đào nguyên liệu để làm ra món đồ công nghệ này.

“Nhưng trong số 15.000 thợ mỏ – hàng trăm trong số đó là trẻ em, thậm chí một vài trong số đó chỉ mới 6 tuổi – vẫn làm việc trong các hầm mỏ, tìm kiếm thiếc, chì, kẽm và chút bạc từ những bức tường càng ngày càng mỏng. Và rất có khả năng bên trong chiếc iPhone của bạn hiện giờ có cả chút thiếc ở đó.”

Đây là câu chuyện buồn không riêng gì của iPhone mà còn là của các hãng công nghệ khác cũng như của thời đại số nói chung.

Có thể thấy rằng, việc tạo ra iPhone là một thành tựu đồng thời cũng là một nỗi buồn về tính nhân đạo của một xã hội bị điều hướng bởi công nghệ. Vậy thì chúng ta phải ứng xử thế nào mới đúng khi sở hữu một thiết bị công nghệ như iPhone? Khi chúng ta sở hữu iPhone hay bất kỳ một chiếc điện thoại thông minh nào khác, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta không chỉ sở hữu một phương tiện liên lạc mà còn sở hữu một album ảnh, một thư viện, một chiếc TV, một máy nghe nhạc, một hộp thư và nhiều ứng dụng hữu ích nữa chỉ trong một thiết bị. Điều này có nghĩa là, chúng ta cần học cách tận dụng triệt để những tính năng và công cụ mà nó có để gắn bó với người thân chặt chẽ hơn, học hành hiệu quả hơn, làm việc năng suất hơn. Sẽ không sai nếu chúng ta dùng iPhone hay các thiết bị tương tự vào việc selfie, chơi game hoặc giải trí, nhưng sẽ không xứng đáng nếu chỉ dùng chúng vào các việc như thế.

iPhone cũng như các điện thoại thông minh khác – chỉ thông minh khi chúng ta biết và quyết định dùng chúng một cách thông minh, hòng bù đắp lại những gian truân và thương tổn mà việc tạo nên những thiết bị như thế đã gây ra.

Mời bạn xem phần giới thiệu cuốn sách “Câu chuyện iPhone” trên HTV9

NGUYỄN THỊ THUỲ DUNG